21/09/2019 10:55 GMT+7

Dịch bệnh đe dọa ngành tôm

KHẮC TÂM
KHẮC TÂM

TTO - Nhiều diện tích nuôi tôm tại hàng loạt địa phương đang bùng phát bệnh do vi bào tử trùng (EHP) và bệnh phân trắng. Nếu không có giải pháp phòng ngừa kịp thời, nguy cơ giảm sản lượng, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu tôm.

Dịch bệnh đe dọa ngành tôm - Ảnh 1.

Một chủ trang trại ở Sóc Trăng kiểm tra tôm để kịp thời phát hiện bệnh, có hướng điều trị phù hợp - Ảnh: K.T.

Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), ngoài các bệnh trên tôm như hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng, người nuôi còn canh cánh với bệnh EHP và bệnh phân trắng.

Người nuôi tôm "ngồi trên lửa"

Ông Hồ Quốc Lực (chủ một trang trại nuôi tôm công nghệ cao ở thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết chưa bao giờ "đau tim" như những ngày qua. Cách đây khoảng một tháng, ông Lực thả giống gần 200ha tôm thẻ chân trắng. Dù quản lý chặt chẽ từ khâu con giống, nguồn nước, quy trình nuôi... nhưng tôm của trang trại ông cũng "dính" bệnh EHP.

"Bệnh EHP trên tôm xuất hiện từ nhiều năm trước nhưng chỉ bắt đầu bùng phát từ năm 2016 và dây dưa cho đến nay. Virút sống trong nội tạng tôm nên khó diệt khiến tôm nuôi hoài không lớn, chi phí phát sinh, giảm lợi nhuận", ông Lực lo lắng.

Ông Năm Hiền, chủ trang trại nuôi tôm ở Bạc Liêu, cho biết ngoài đối phó với bệnh EHP, ông còn chi nhiều tiền để mua thuốc thú y, chế phẩm sinh học trị bệnh phân trắng cho tôm. Gần 10 năm nuôi tôm, ông đã quen hiện tượng tôm bị bệnh phân trắng nhưng chưa bao giờ chứng kiến tôm mắc bệnh này dữ tợn như năm nay.

Theo ông Năm Hiền, một khi tôm bị bệnh phân trắng, giảm kháng thể, ăn nhiều nhưng vẫn chậm lớn. "Năng suất giảm, người nuôi thiệt hại. Xa hơn là không đủ nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chế biến, nguy cơ ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu tôm nếu không có giải pháp ngăn chặn kịp thời", ông Năm Hiền phân trần.

Ông Trần Công Khôi - phó vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT) - cho biết bệnh EHP hay bệnh phân trắng không gây chết tôm hàng loạt như bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp nhưng ảnh hưởng rất lớn về kinh tế cho người nuôi.

"Một khi tôm bị bệnh này sẽ chậm lớn, thậm chí không lớn mặc dù tiêu tốn rất nhiều thức ăn. Tôm nuôi 90 - 100 ngày tuổi vẫn có thể chỉ đạt kích cỡ bằng 4 - 5 gram/con, tức tầm 200 - 250 con/kg", ông Khôi nói.

Nguy cơ bệnh còn rất cao

Tình hình nhiễm bệnh EHP trên tôm nước lợ đang có chiều hướng gia tăng. Theo phản ánh của một số địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Quảng Nam và Khánh Hòa, kết quả phân tích mẫu bệnh trên tôm giống trong tháng 7 và 8-2019 đã phát hiện tỉ lệ nhiễm bệnh EHP khá cao (trên 11% số mẫu phân tích). Bệnh phân trắng cũng bùng phát mạnh tại Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.

Ông Tiền Ngọc Tiên - chi cục trưởng Chi cục Thú y vùng VII (Cục Thú y) - cho biết 8 tháng đầu năm 2019, bệnh trên tôm xảy ra tại 151 xã của 48 huyện, thị xã thuộc 17 địa phương với hơn 2.000ha. Theo ông Tiên, nguy cơ dịch bệnh trên tôm trong thời gian tới rất cao do các loại mầm bệnh nguy hiểm còn lưu hành nhiều ở các vùng nuôi.

Ngoài ra, diện tích thiệt hại có thể tăng mạnh trong thời gian tới do các điều kiện bất lợi của thời tiết như nhiệt độ, độ mặn tăng cao có thể làm tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, tạo điều kiện cho một số loại mầm bệnh phát triển. Do đó cần có giải pháp khắc phục như quản lý mùa vụ nuôi, có ao lắng trữ nước sử dụng khi cần thiết, chỉ thả giống khi đạt đủ điều kiện nuôi, nghiên cứu điều chỉnh quy trình nuôi phù hợp và áp dụng các biện pháp tổng hợp, chống dịch bệnh.

Theo tiến sĩ Yuri (Công ty Prima Indonesia), để kiểm soát tốt bệnh EHP, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như quản lý dịch bệnh, đặc biệt quản lý dịch bệnh từ đầu nguồn, tức là từ con giống, nhất là con giống bố mẹ. Trong đó cần kiểm soát chặt chẽ nguồn tôm bố mẹ nhập khẩu từ các nước đang có mầm bệnh EHP.

Ông Trần Đình Luân (tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT):

Chủ động các giải pháp ứng phó

Diễn biến thời tiết gần đây cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra khó lường, nằm ngoài và diễn ra sớm hơn dự báo. Thời tiết diễn biến cực đoan - một trong những nguyên nhân dễ gây ra dịch bệnh cho tôm nuôi, do vậy người nuôi cần cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu, chủ động các giải pháp ứng phó phù hợp.

Tổng cục Thủy sản đề nghị Cục Thú y tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản, nhất là bệnh EHP, kiểm dịch trong nhập khẩu và tăng cường xây dựng, phát triển vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh.

Lũ về trễ, thưa thớt cá tôm Lũ về trễ, thưa thớt cá tôm

TTO - Những ngày này, khu vực biên giới ở An Giang nước lũ vẫn thấp hơn 1m so với cùng kỳ năm 2018. Vì thế, cá tôm không dồi dào như năm trước.

KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên