08/09/2018 14:11 GMT+7

Địa phương thiết tha, nhà khoa học băn khoăn 'siêu dự án' thủy lợi

C.QUỐC - H.T.DŨNG - K.NAM
C.QUỐC - H.T.DŨNG - K.NAM

TTO - Cơ quan quản lý và chính quyền địa phương nói cần làm nhanh, trong khi các nhà khoa học người thì tán thành, người thì phản đối bởi còn nhiều lo ngại vẫn chưa được làm rõ và thuyết phục.

Địa phương thiết tha, nhà khoa học băn khoăn siêu dự án thủy lợi - Ảnh 1.

Sông Cái Bé và Cái Lớn đoạn gần vịnh Rạch Giá (Kiên Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC

Hội nghị báo cáo về dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé quy mô lớn đầu tiên do Bộ NN&PTNT tổ chức tại tỉnh Kiên Giang ngày 7-9, đã diễn ra với những tranh luận gay gắt giữa các nhà khoa học.

Vì sao Bộ KH-ĐT đang triển khai quy hoạch tổng thể ĐBSCL và bản thân Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng chiến lược mới để thích ứng, nhưng Bộ NN&PTNT lại muốn làm ngay dự án trên mà không kịp chờ quy hoạch?

Thạc sĩ NGUYỄN HỮU THIỆN

Địa phương rất thiết tha

Trình bày quan điểm, đại diện hai địa phương ảnh hưởng trực tiếp từ dự án là Kiên Giang và Hậu Giang đều muốn dự án được triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Đồng, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là điều mà địa phương mòn mỏi chờ đợi đã 10 năm nay. Bởi xâm nhập mặn ở Hậu Giang chủ yếu từ sông Cái Lớn. 

Cũng vì xâm nhập mặn mà hằng năm địa phương đắp hàng trăm đập thời vụ đến mức đất bị nhão không đắp được, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường. 

"Hậu Giang là địa phương sẽ hưởng lợi đầu tiên từ dự án, do vậy tỉnh thiết tha muốn đầu tư dự án" - ông Đồng nói.

Ông Đồng nhắc nhở các nhà khoa học: "Tôi rất hoan nghênh các nhà khoa học góp ý nhiều để mang tính khả thi, nhưng cũng rất tâm tư khi có nhiều đóng góp quá gay gắt. Cần thiết ta góp ý vì không chỉ dự án này mà hiện vùng bán đảo Cà Mau rất cần kêu gọi dự án tài trợ, đầu tư. 

Nếu các nhà khoa học gay gắt, phủ nhận vô hình trung nói rằng đầu tư thủy lợi ĐBSCL không hiệu quả, phức tạp, việc xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế của chúng tôi sẽ gặp khó".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Thăng - phó chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang - khẳng định người dân tha thiết mong chờ dự án. 

Ông Thăng (từng là lãnh đạo huyện U Minh Thượng, địa phương ven sông Cái Lớn) dẫn chứng rằng nơi đây năm nào nông dân cũng đắp bờ bao ròng rã 3 tháng để trồng lúa. 

"Nhờ vậy mà dân ở đây giàu, nếu các vị không tin tôi sẽ dẫn vào rừng U Minh Thượng coi trực tiếp cảnh nông dân đắp bờ bao trồng lúa" - ông Thăng nói. 

Ông Thăng nhận định số tiền hơn 3.300 tỉ đồng cho giai đoạn 1 của 2 cống Cái Bé - Cái Lớn không phải là con số quá lớn so với tính hiệu quả và ý nghĩa mà nó sẽ mang lại.

Hù dọa để làm dự án?

Trái lại, nhiều nhà khoa học tỏ ra băn khoăn với "siêu dự án" này. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) chỉ ra điểm bất thường là bản báo cáo đánh giá môi trường của dự án đi lạc hướng rất xa. 

Báo cáo này từ đầu tới cuối chỉ ủng hộ, khẳng định công trình này là duy nhất phải làm nên rất khó khách quan. 

Ngoài ra, cơ quan thẩm quyền đã không đưa ra được đánh giá toàn diện về dự án mà chia nhỏ ra hai giai đoạn để thấy kinh phí dễ chịu, đặt Chính phủ vào thế đã rồi.

Đặc biệt, ông Thiện chỉ ra hai điều chưa thuyết phục là việc lấy mốc thiệt hại nặng năm 2016 - sự kiện cực đoan 90 năm mới có một lần - để đánh giá tình hình hằng năm và việc dựa vào kịch bản 80 năm nữa (tới 2100) khi nước biển dâng 65cm ảnh hưởng tới 3,5 triệu dân trong vùng dự án. Theo ông Thiện, những việc này là đủ hù dọa nhằm làm được công trình.

GS.TS Nguyễn Tất Đắc (chuyên gia mô hình Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) cho biết hiện bán đảo Cà Mau có trên 100 cống vừa và lớn, chưa kể cống nhỏ, ảnh hưởng lớn đến chế độ dòng chảy của tiểu vùng này. 

Hệ thống cống sông Hậu từ Sóc Trăng tới Cà Mau đã kín, nên vấn đề hiện tại là nhiệm vụ vận hành cống như thế nào để phục vụ việc lấy nước ngọt và ngăn mặn. 

Theo tính toán của ông Đắc, nếu làm dự án Cái Lớn - Cái Bé mà vùng huyện An Minh, An Biên của Kiên Giang chưa có các cống nhỏ thì mặn biển Tây cũng xông vào không chủ động được.

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân dẫn ra trong báo cáo dự án, có 11 lần nói về lỗi đầu tư không đồng bộ, chưa đồng bộ và 7 lần nói do đầu tư chưa hoàn chỉnh, nhưng thế nào là đồng bộ, hoàn chỉnh lại chưa được làm rõ. Sắp tới phải làm gì? 

Ông Trân khẳng định phải thực hiện nghiêm nghị quyết 120, đặc biệt là 3 ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Một là mọi dự án, công trình phải được tính toán thật kỹ, được phản biện khách quan, khoa học, đảm bảo không hối tiếc đầu tư. 

Hai là trước khi chọn giải pháp công trình, phải tính toán cán cân được và mất trên cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường. 

Ba là quy hoạch phải theo quy luật (thuận thiên), chú ý các giải pháp phi công trình. Ông Trân đề nghị địa phương cần tổ chức một hội nghị bàn về các giải pháp phi công trình để có cơ sở đối chiếu, so sánh giữa các giải pháp.

Sẵn sàng lắng nghe để đạt mục tiêu cao nhất

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng sự thận trọng của các nhà khoa học, đặc biệt ý kiến phản biện là vô cùng quan trọng.

Ông Thắng khẳng định đối với dự án này các cơ quan khoa học đã rất cố gắng và thận trọng, đã đặt vấn đề trong 4-5 năm vừa qua.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng dẫn kiến nghị của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu về tình trạng ngập một số cơ sở hạ tầng, đề nghị Bộ GTVT có giải pháp bởi vấn đề lún đất, nước biển dâng, úng ngập sẽ rất lớn.

Cuối cùng, ông Thắng đánh giá dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, vì vậy không cho phép ai giấu thông tin, che thông tin mà bộ sẽ sẵn sàng lắng nghe để đạt mục tiêu cao nhất.

Kênh thủy lợi qua 3 tỉnh phía Bắc ‘thoi thóp’ vì mạnh ai nấy xả thải Kênh thủy lợi qua 3 tỉnh phía Bắc ‘thoi thóp’ vì mạnh ai nấy xả thải

TTO - Lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi nhấn mạnh về việc kênh Bắc Hưng Hải đang trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng với những hiểm họa khó lường nếu như không sớm được khắc phục các vi phạm xảy ra liên tục.

C.QUỐC - H.T.DŨNG - K.NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên