07/02/2012 07:05 GMT+7

Đĩa dinh dưỡng cho mỗi người

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)

TT - Đĩa dinh dưỡng là hình tượng đại diện cho một đĩa thức ăn hợp lý chúng ta cần ăn mỗi ngày. Đầu năm 2012, đĩa dinh dưỡng được bầu chọn là một trong 10 sự kiện y học nổi bật của thế giới trong năm 2011.

gdsnqYsW.jpgPhóng to
Trẻ em ăn một chén cơm mỗi bữa thì cần ăn thêm một chén canh hay một chén rau xào - Ảnh : N.C.T.

Đặc biệt, giữa năm 2011 Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đưa vào sử dụng hình tượng đĩa dinh dưỡng thay cho tháp dinh dưỡng (gồm bốn loại lương thực, theo thứ tự tiêu thụ từ nhiều đến ít trong một bữa ăn: ngũ cốc, rau quả - trái cây, chất sữa - đạm, chất đường - mỡ) để khuyến cáo chế độ dinh dưỡng hợp lý cho mọi người. Đĩa dinh dưỡng đánh dấu cuộc cách mạng sâu sắc trong truyền thông dinh dưỡng, khi các nhà khoa học mạnh dạn thay thế hình tượng tháp dinh dưỡng đã có mặt hơn 20 năm qua bằng một hình tượng hoàn toàn khác biệt.

Tháp dinh dưỡng hiện chuyển tải thông điệp đầy đủ nhưng nhiều thông điệp trong cùng một hình ảnh, gồm các nhóm thực phẩm xếp thành từng tầng cho phép tiêu thụ từ nhiều đến ít bên cạnh những con số và đôi khi là số lượng phần thực phẩm. Nội dung này không sai nhưng làm người dân chưa nhớ và áp dụng tốt. Với đĩa dinh dưỡng, các nhà khoa học mong muốn đưa thông điệp thật đơn giản, hình tượng hóa giúp dễ nhớ và đặc biệt là dễ thực hiện. Đĩa dinh dưỡng cho ta thông điệp các loại thực phẩm chính cần tiêu thụ và tỉ lệ của chúng trong từng ngày như thế nào.

Rau và trái cây chiếm một nửa

Thông điệp ăn nhiều rau và trái cây không mới nhưng rất dễ hiểu và dễ áp dụng trong đĩa dinh dưỡng, cụ thể là rau và trái cây phải chiếm ½ đĩa, tức chiếm ½ tổng lượng thực phẩm chúng ta ăn vào mỗi ngày. Trong đó lượng rau nhiều hơn lượng trái cây. Một nửa lượng thực phẩm còn lại chúng ta cần ăn mỗi ngày là ngũ cốc (cơm, bánh mì, bún, khoai...) và chất đạm (thịt, cá, tôm, cua, trứng, các loại đậu...), nhưng ngũ cốc nhiều hơn chất đạm. Ngoài ra, bên phải đĩa dinh dưỡng còn có hình một vòng tròn nhỏ đại diện cho một ly sữa nhắc chúng ta cần phải tiêu thụ thường xuyên sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa chua, phômai...) để phòng chống còi xương và loãng xương.

Tỉ lệ các nhóm thực phẩm như trong đĩa dinh dưỡng không nhất thiết phải đạt trong từng bữa ăn, nhưng nhất thiết cần phải đạt trong mỗi ngày. Ví dụ có bữa chúng ta không ăn đủ rau và trái cây thì bữa khác phải bù để đủ lượng khuyến nghị.

Mỗi chén cơm cần một chén canh

Ứng dụng tại nước ta, theo đĩa dinh dưỡng lượng rau bằng lượng cơm, do đó cho dễ nhớ cứ mỗi chén cơm cần ăn thêm một chén canh rau hay một chén rau xào. Trẻ em ăn một chén cơm mỗi bữa thì cần ăn thêm một chén canh hay một chén rau xào. Ở người lớn, mỗi bữa ăn trung bình hai chén cơm thì cần ăn thêm một chén canh rau và một chén rau xào.

Đĩa dinh dưỡng cũng quan tâm đến chất đạm. Ở nước ta, một số người dân tiêu thụ lượng đạm còn thấp, đặc biệt ở trẻ em, người cao tuổi, người vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, gia đình khó khăn... Cần khuyến khích họ tiêu thụ đủ đạm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng và duy trì sức khỏe.

Dĩ nhiên một biểu tượng dinh dưỡng không thể chuyển tải hết tất cả thông điệp dinh dưỡng. Ngoài các thông điệp trên, người dân còn cần phải lưu ý hạn chế thực phẩm nhiều đường, muối và chất béo bão hòa.

Bên cạnh ăn uống đúng cách, mọi người cần tăng cường vận động, ít nhất 60 phút mỗi ngày với cường độ trung bình, tức làm tăng nhịp thở và nhịp tim. Có thể chia nhỏ thời gian vận động nhưng không dưới 10 phút mỗi lần.

yzCgJ1jZ.jpgPhóng to
Các thành phần trong đĩa dinh dưỡng

Đĩa dinh dưỡng dùng hình vòng tròn tượng trưng cho một cái đĩa là dụng cụ ăn phổ biến ở phương Tây nhưng cũng có ý nghĩa là tròn đầy, đầy đủ dinh dưỡng.

ThS.BS TRẦN QUỐC CƯỜNG (Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên