23/02/2019 10:26 GMT+7

Dị vật tai mũi họng

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Dị vật tai mũi họng là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng, thông thường thì các trường hợp dị vật vùng tai mũi họng được khám và gắp ra dễ dàng.

Dị vật tai mũi họng - Ảnh 1.

Bác sĩ khám tai tìm dị vật. Ảnh: metro.co.uk

Dị vật tai mũi họng là vấn đề rất phổ biến ở các phòng khám chuyên khoa tai mũi họng cũng như các phòng khám đa khoa tổng quát, xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt thường gặp ở trẻ em, những người thiếu hiểu biết hoặc có kèm bệnh lý về tâm thần thường có nguy cơ cao hơn. Thông thường các bác sĩ tổng quát cũng có thể lấy được dị vật ngay tại phòng khám, phòng cấp cứu, nhưng điều này còn phụ thuộc vào vài yếu tố như: Dụng cụ - phương tiện, vị trí dị vật, loại dị vật, chất liệu dị vật, dễ gắp như những vật mềm, nhiều góc cạnh… hoặc chất liệu khó gắp như các vật cứng, tròn và còn phụ thuộc vào kinh nghiệm, sự khéo léo của bác sĩ cũng như sự hợp tác của bệnh nhân.

Dị vật tai mũi họng là một cấp cứu trong chuyên khoa tai mũi họng, thông thường thì các trường hợp dị vật vùng tai mũi họng được khám và gắp dị vật dễ dàng và không để lại biến chứng gì nguy hiểm. Một ít trường hợp khó cần xử trí cấp cứu, cần sự hỗ trợ, can thiệp chuyên khoa sâu tai mũi họng… nếu không được xử trí đúng và kịp thời, dị vật tai mũi họng có thể gây những biến chứng khó lường, nguy hiểm tới tính mạng như: Ngưng thở, tắc thở, áp xe họng, áp xe hạ họng - thành họng, áp xe thực quản, áp xe trung thất,… có thể tử vong.

Dị vật tai

Ống tai ngoài cấu tạo gồm ống tai sụn ở phần ngoài và ống tai xương ở phần trong, được lát bởi một lớp mô mỏng gồm màng sụn và da. Phần ống tai xương rất nhạy cảm, bởi vì da có rất ít mô đệm và nằm sát ngay trên màng sụn, vì thế bất kỳ một động tác nào cố gắng lấy dị vật đều gây đau đớn cho bệnh nhân.

Ống tai ngoài có một chỗ rất hẹp, ngay tiếp nối giữa ống tai sụn và ống tai xương. Dị vật thường bị kẹt ở chỗ này và gây khó khăn cho việc lấy dị vật. Những cố gắng lấy dị vật có thể đẩy dị vật vào sâu hơn trong ống tai và nằm kẹt ở sau chỗ hẹp này. Ngoài ra, màng nhĩ có thể bị tổn thương do các động tác đẩy dị vật vào sâu trong ống tai hoặc bởi các dụng cụ trong khi cố gắng lấy dị vật. Nếu có dụng cụ thích hợp và đầy đủ, nguồn sáng tốt, bệnh nhân hợp tác, cùng với kinh nghiệm của bác sĩ là những yếu tố quan trọng giúp lấy dị vật thành công.

Trong nhiều trường hợp dị vật ống tai, bệnh nhân thường không có triệu chứng gì khó chịu, và ở trẻ em dị vật ống tai thường được khám và phát hiện một cách tình cờ. Một số bệnh nhân có than phiền đau tai, những triệu chứng giống viêm tai giữa, nghe kém hoặc có cảm giác nặng nặng đầy đầy trong tai. Trong một nghiên cứu diện rộng, cho thấy 2/3 dị vật ống tai ở trẻ em dưới 8 tuổi.

Những dị vật ống tai thường thấy nhất là: Hạt cườm, đồ chơi bằng plastic, hạt sỏi - đá, hạt bắp, côn trùng sống,... Khoảng 30% bệnh nhân cần phải gây mê để lấy dị vật ống tai và chủ yếu là những bệnh nhân nhỏ hơn 7 tuổi, không có sự hợp tác tốt. Những dị vật có thể gắp được dễ dàng với nguồn ánh sáng tốt, quan sát rõ như: Cao su, mút, giấy, chất liệu thực vật,… Ngựơc lại những dị vật khó lấy như hạt cườm, sỏi tròn, hạt bắp, dị vật là khối tròn cứng.

Hiện có nhiều phương pháp để lấy dị vật ống tai, sự lựa chọn phương pháp tuỳ thuộc vào từng tình thế, trường hợp cụ thể, loại dị vật và kinh nghiệm của bác sĩ. Những cách lấy dị vật thường áp dụng như: Bơm rửa bằng nước, dùng kẹp gắp, dùng thòng lọng, hoặc dụng cụ có móc khều, hoặc dùng ống catheter hút,… những dị vật là côn trùng sống có thể cần phải giết chết trước khi lấy ra, bằng cách dùng cồn, lidocain 2 %, hoặc tinh dầu nhỏ vào ống tai nhưng cần lưu ý, không nên làm trong trường hợp bệnh nhân bị thủng màng nhĩ trước đó.

Tránh bơm rửa trong những trường hợp dị vật ống tai là pin vì mạch điện hoặc những thành phần của pin có thể phân rã gây hoại tử mô ống tai lan rộng.

Acetone có thể hoà tan dị vật là miếng móp (styrofoam) hoặc làm loãng chất cyanoacrylate (như keo dính superglue).

Khi thất bại ở lần đầu lấy dị vật thì những cố gắng lần sau đó cũng rất khó thành công, kèm theo là nguy cơ tổn thương và biến chứng sau mỗi lần cố gắng lấy… thường gây đau đớn, có thể gây chảy máu làm giới hạn tầm nhìn và có thể đẩy dị vật bị chèn sâu trong ống tai. Nên chuyển và tham vấn chuyên khoa tai mũi họng trong trường hợp bệnh nhân cần gây mê để lấy dị vật, và những trường hợp bệnh nhân có chấn thương ống tai hoặc màng nhĩ; dị vật không thể gắp được mà kẹt chặt ở vị trí 2/3 trong ống tai hoặc nghi ngờ dị vật nằm sát màng nhĩ; dị vật có bờ sắc nhọn (như những mảnh kính); hoặc đã nhiều lần cố gắng lấy nhưng thất bại.

Đa dị vật thì hiếm gặp, đặc biệt cần chú ý ở trẻ em nhỏ. Vì thế, tất cả các lỗ tự nhiên vùng đầu mặt nên được kiểm tra sau khi lấy dị vật ống tai ngoài. Thuốc kháng sinh nhỏ tai cần thiết ở những bệnh nhân có kèm viêm tai ngoài và những trường hợp có rách da ống tai ngoài hoặc chấn thương kèm theo. Nên đo thính lực đồ nếu nghi ngờ có chấn thương màng nhĩ hoặc giảm thính lực.

Dị vật mũi

Mũi gồm 2 hốc mũi được chia cách bởi vách ngăn ở giữa và được các cuốn mũi chia thành các khe mũi. Dị vật đa số có khuynh hướng nằm ở sàn mũi, ngay dưới cuốn mũi dưới hoặc nằm ở phần trên trước của hốc mũi, ngay đầu cuốn mũi giữa. Hầu hết dị vật mũi đều có thể lấy một cách dễ dàng tại phòng khám hoặc phòng cấp cứu.

Bệnh nhân thường có triệu trứng sổ mũi một bên mũi và có mùi hôi. Dị vật mũi thường gặp là: Hạt cườm, những mảnh đổ chơi, sỏi, sáp nến, đồ ăn, giấy, vải, và cục pin.

Trước khi lấy dị vật cần nhỏ phenylephrine 0.5% (neo-synephrine) để làm giảm phù nề, và dùng lidocaine tại chỗ để giảm đau. Kỹ thuật lấy bao gồm: Nhìn trực tiếp dùng forceps, móc cong, vòng thòng lọng, hoặc hút bằng catheter. Ngoài ra, để lấy dị vật có thể dùng một catheter mảnh, đầu có balloon được bôi trơn, luồn qua dị vật, bơm balloon lên và kéo balloon đã được bơm căng ra phía trước, do đó dịch chuyển dị vật vào phần mũi trước, nơi có thể dễ dàng quan sát và lấy dị vật ra.

Bệnh nhân có thể tống dị vật ra bằng cách hỉ mũi trong khi bịt lỗ mũi kia. Nếu như biện pháp này thất bại hoặc dị vật mũi ở trẻ nhỏ không có khả năng hợp tác, có thể tạo một áp lực dương qua đường miệng bệnh nhân, bằng cách bố mẹ dùng tay bịt lỗ mũi không nghẹt, áp miệng mình thổi nhẹ và nhanh vào miệng trẻ. Mặc dù trẻ em sẽ có phản xạ đóng nắp thanh thiệt để bảo vệ đường thở từ áp lực thổi, nhưng điều quan trọng cần lưu ý, động tác thổi không nên thổi với một lượng không khí quá lớn và áp lực quá cao. Chấn thương áp lực (barotrauma) tới tai, màng nhĩ theo lý thuyết có nguy cơ xảy ra, khi tạo áp lực dương từ hầu mũi. Áp lực dương từ họng cũng có thể được tạo bằng cách dùng bóp túi mask (ambu bag)

Nếu dị vật là cục pin cục (button batteries) thì cần phải đựơc lấy ra khỏi mũi càng sớm càng tốt, vì pin bị phân rã bởi dịch mũi gây hoại tử mô xung quanh.

Trong khi cố gắng lấy dị vật có thể đẩy dị vật từ mũi vào trong rớt xuống họng, tạo ra dị vật đường thở rất nguy hiểm. Không khuyến khích dùng thuốc ngủ trong khi lấy dị vật, vì sẽ có nguy cơ giảm phản xạ bảo vệ đường thở và phản xạ ho. Cần tham vấn chuyên khoa tai mũi họng để chẩn đoán nội soi khi dị vật không thể lấy được hoặc không nhìn rõ, hoặc khi nghi ngờ có khối u hốc mũi.

Dị vật họng

Họng (hầu) được giới hạn trên cùng là sàn sọ (hầu mũi - nasopharynx) và giới hạn dưới là sụn nhẫn tương đương với cột sống cổ C6 (hạ họng - hypopharynx). Hạ họng gồm thanh quản, và lỗ mở phần trên của ống khí quản và miệng thực quản. Tất cả dị vật vùng họng là một cấp cứu y khoa mà yêu cầu phải duy trì, bảo vệ đường thở. Vì tắc nghẽn hoàn toàn đường thở xuất hiện tức thì ngay tại thời điểm hít phải dị vật, đưa đến tắc thở ngay lập tức và can thiệp cấp cứu là tối cần thiết. Dị vật thông thường gây tắc nghẽn đường thở ở trẻ em thường là: Những bong bóng, những mảnh nhựa mềm có thể biến dạng, những cục thức ăn. Bệnh nhân bị dị vật không gây tắc nghẽn đường thở hoặc tắc nghẽn không hoàn toàn thường có bệnh sử bị nghẹn, nuốt đau, nuốt khó, nói khó. Dị vật hạ họng cũng nên nghi ngờ ở những bệnh nhân có ho, thở rít, hoặc khàn tiếng mà không tìm được nguyên nhân.

Trẻ em có triệu chứng thở rít, tắc nghẽn đường thở một phần, cần hỏi cha mẹ hoặc người chăm sóc bé có bị nghẹn thở hay hít sặc bao giờ không. Trong những trường hợp này chẩn đoán nguyên nhân do dị vật hạ họng thì thường khó vì các triệu chứng xuất hiện trễ làm lu mờ các dấu hiệu mắc dị vật ban đầu.

Những trường hợp dị vật họng - hạ họng đã được báo cáo là bị chẩn đoán sai và đã được điều trị như một trường hợp bạch hầu thanh quản. Vì thế bác sĩ lâm sàng nên cảnh giác cao trên những bệnh nhân có những triệu chứng đường hô hấp trên không giải thích được, đặc biệt ở trẻ em có bệnh sử đã bị tắc nghẹt đường thở (choking).

Hầu hết những dị vật họng là những miếng nhựa, đinh ghim bằng kim loại, các loại hạt (seeds, nuts), các loại xương cá, heo, gà, đồng xu, răng giả… X-quang có thể giúp định vị đồng xu, cục pin, và những vật cản quang khác, nhưng hầu hết những dị vật thanh quản gồm nhiều loại xương cá thì lại không cản quang. Vì thế quyết định can thiệp phẫu thuật để lấy dị vật cần phải dựa vào bệnh sử của bệnh nhân và khám thực thể xác định có dị vật hơn là chỉ đơn thuần dựa vào X-quang.

Cần phải tham vấn sớm với bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng vì dị vật họng - hạ họng rất khó phát hiện nếu không nội soi họng - hạ họng với ống nội soi cứng hoặc nội soi mềm. Hơn nữa, việc cố gắng lấy dị vật rất khó và dễ gây biến chứng bởi phản xạ vùng họng - hạ họng rất nhạy cảm. Bởi vì duy trì đường thở và đảm bảo hô hấp đủ oxy cho bệnh nhân, nên hầu hết những dị vật ở vùng họng - hạ họng, yêu cầu có sự can thiệp của chuyên khoa tai mũi họng với gây ngủ và nội soi lấy dị vật. Biến chứng bao gồm tắc đường thở, ngưng thở, phù nề thanh quản, đẩy dị vật xuống dưới thanh môn vào thực quản và khí quản, làm cho vấn đề trở thành nặng nề và phức tạp hơn.

Dị vật vùng tai mũi họng là vấn đề y khoa rất phổ biến, thường gặp hàng ngày ở các phòng khám, việc khám xác định dị vật, lấy dị vật vùng tai mũi họng, cần kịp thời và đúng cách, tốt nhất bệnh nhân được xử trí bởi chuyên khoa tai mũi họng với đầy đủ phương tiện cấp cứu và dụng cụ nội soi lấy dị vật, hạn chế tối đa những tổn thương đường hô hấp và những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.


Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên