Phóng to |
Ảnh: Nhân Dân |
Chọn phương pháp Grasimov
Khảo cổ học và khoa học hình sự có những phương pháp dựng lại được chân dung từ những thi thể không còn nguyên vẹn. Ở Liên Xô trước đây, người ta biết đến phương pháp của TS nhân chủng học Gerasimov. Ông tiến hành phục dựng chân dung trên cơ sở của phân tích các quy tắc giải phẫu học (anatomy) từ những năm 1930.
Năm 1955, ông cho xuất bản cuốn sách Cơ sở của phương pháp phục dựng mặt người theo sọ. Và từ đó phương pháp của ông phổ biến khắp các nước XHCN trước đây.
Xuất phát từ nhu cầu của khoa học hình sự và khảo cổ, các nhà khoa học Tây Âu và Mỹ cũng tìm được vô số cách khác không dựa vào cách thức phục hồi cơ như Gerasimov, mà dựa vào phương pháp thống kê trên hai phần cứng (xương) và mềm (thịt) trên mặt. Những phương pháp khác nhau thu được nhiều kết quả khác nhau.
Các nhà khoa học trên thế giới đã từng tái tạo người vượn Bắc Kinh, bố của Alexander Đại đế, người băng Oetzi... Nhưng phương pháp của Gerasimov và các học trò của ông vẫn đứng vững qua nhiều khảo nghiệm thành công từ việc tái tạo các chân dung người chưa biết mặt (chỉ còn sọ), sau đó nhận diện qua ảnh hoặc qua những người thân còn sống.
TS Nguyễn Việt đã quyết định lấy phương pháp của Gerasimov làm chủ đạo.
Việc tìm ra gương mặt tổ tiên là một điều được mỗi dân tộc đặc biệt quan tâm. Người nước nào cũng có một nhu cầu được nhìn lại bộ mặt của những ông thủy tổ của dân tộc mình, xem ai đã tạo ra mình.
Các nhà sử học trong ngành trước đây như Nguyễn Đình Khoa, Võ Hưng, Nguyễn Quang Quyền... và Nguyễn Lân Cường hiện nay mới chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề chủng tộc, tuổi, giới tính khi tìm được sọ chứ chưa hề có một công trình nào để phác thảo ra gương mặt của tổ tiên. (Chuyện phục dựng tượng táng cốt của các vị thiền sư chùa Đậu, chùa Tiêu của TS Nguyễn Lân Cường chỉ là phục chế lại pho tượng, qua đó để ông có dịp tìm hiểu sọ chứ không phải tái tạo lại gương mặt thật của các vị đó).
Nhưng xét cho cùng, thì công việc này cũng không dễ, vì ngoài kiến thức nhân chủng học ra, còn cần một tay nghề mỹ thuật. Quan trọng nữa là kinh phí (để tái tạo một gương mặt hoàn chỉnh từ sọ người cổ tốn không dưới 10.000 USD)...
Chiêm ngưỡng thiếu nữ Động Xá 2.000 tuổi
Tất cả những điều kiện trên có vẻ hội tụ khá đầy đủ ở Trung tâm tiền sử Đông-Nam Á, nơi TS Việt làm giám đốc. Ông đã mất hai năm chuẩn bị trực tiếp kể từ khi tìm thấy những chiếc sọ còn nguyên vẹn ở Động Xá (Hưng Yên).
Ông lập một dự án với một số bệnh viện ở Hưng Yên, Thái Bình (xung quanh khu vực Động Xá) để thu thập hơn 100 phim X -quang chụp đầu của người dân. Qua đó ông nghiên cứu tỷ lệ cơ mặt và xương sọ các hậu duệ của cổ nhân Động Xá, phác thảo da mặt bằng hình 3D trên máy tính, sau đó tìm người trong phim X - quang đó để đối chiếu dung mạo. Khi đã làm kỹ công đoạn này và khá tự tin vào các kết quả thu được, TS Việt mới bắt tay vào "xử lý" với "người Đông Sơn".
Chiếc sọ đầu tiên được TS Việt bắt tay vào thử nghiệm tái tạo là sọ của một thiếu nữ Động Xá 17 tuổi. Cô thuộc chủng người Nam Á cổ (còn gọi là Mongoloit phương Nam) với một số đặc điểm cấu trúc sọ hình trứng; hốc mắt cũng hình trứng, gần tròn... Cô nằm trong một nghĩa trang của người Đông Sơn cổ đã được khai quật tại khu vực Động Xá năm 2002. (Trong khu vực này các nhà khảo cổ còn phát hiện có một nghĩa trang của một chủng người khác với đặc điểm kỳ lạ: Họ rất lùn, người cao nhất cũng chỉ chừng 1,4m. Những chiếc sọ của chủng người này đang được nghiên cứu...).
Người thiếu nữ Đông Sơn tuổi "bẻ gãy sừng trâu" hiện ra với một gương mặt dài, gò má khá cao, mũi tẹt, trán ngắn, miệng rộng, đôi môi rất dày. Tai nàng được TS Việt trang trí bằng một sợi dây thừng cuộn thành một vòng hoa tai (một kiểu trang sức của phụ nữ Đông Sơn, có thể thấy trên hoa văn trống đồng).
Khi chúng tôi đến, TS Việt đang chuẩn bị làm tóc cho nàng. Ông dừng tay đùa: Bây giờ thì họ hàng của cô ta (nếu có) chắc chắn họ sẽ nhận ra cô ta, và biết đâu họ còn gọi cả tên cô ấy lên cho ta biết ấy chứ!
Ông cho biết sau thiếu nữ Động Xá, ông sắp sửa tái tạo tiếp chân dung từ sọ một người đàn ông Đông Sơn khoảng 55 tuổi. Hiện trong "kho đầu lâu" của mình, ông đã có từ 7 - 20 chiếc sọ còn khá nguyên vẹn (đủ hộp não, quai hàm) có tuổi từ 2.000 năm trở lên. Đặc biệt trong đó có chiếc sọ tới 9.000 năm tuổi đào được ở Đú Sáng, (Hòa Bình).
Với lợi thế làm khảo cổ học vải sợi lâu nay, sau khi tái tạo chân dung rồi, TS Việt còn có tư liệu để phục dựng hoàn chỉnh một con người Đông Sơn "bằng xương bằng thịt" với đủ cả thân thể, trang phục, dụng cụ...
Cơ hội để chúng ta có thể "bắt tay" hoặc chụp ảnh chung với các cư dân Việt thời Hùng Vương quả là không còn xa nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận