31/03/2018 07:28 GMT+7

Đi tìm 'bí mật' của kim loại bạc

TRỌNG NHÂN tổng hợp
TRỌNG NHÂN tổng hợp

TTO - Bạc là kim loại quí chỉ xếp sau vàng. Ngoài vẻ đẹp lấp lánh, nó còn có những 'quyền năng' bí mật không phải ai cũng biết.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 1.

Ngày nay nhiều người chọn trang sức bạc vì vừa đẹp vừa không quá đắt - Ảnh: The Brilliance.com

Lấp lánh số 1

Bạc là một kim loại chuyển tiếp màu trắng, mềm, khả năng dẫn nhiệt và điện cao.

Kim loại bạc có mặt trong tự nhiên ở dạng nguyên chất như bạc tự sinh và ở dạng hợp kim với vàng, đồng… Bạc cũng xuất hiện trong các khoáng vật như argentit và chlorargyrit. Trong 3 loại hình trên, bạc được tìm thấy nhiều nhất dưới dạng hợp kim, thường chứa khoảng 92,5% bạc.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 2.

Khoáng vật argentit chứa bạc - Ảnh: Mineralienatlas

Bạc vô cùng lấp lánh, là nguyên tố có khả năng phản chiếu ánh sáng mạnh mẽ nhất: phản chiếu 95% ánh sáng khả kiến. Tuy nhiên, bạc lại phản chiếu không tốt với những bức xạ ngoài vùng cực tím.

Kí hiệu hóa học của bạc, Ag, xuất phát từ một từ tiếng Latin argentum có nghĩa là chiếu sáng.

"Quán quân" dẫn điện, nhiệt

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 3.

Dây dẫn điện bằng bạc - Ảnh: Bukalapak

Bạc có độ dẫn điện tốt nhất trong các kim loại, tiếp đến là đồng, vàng, nhôm, natri, wolfram… nhưng do giá thành cao nên bạc không được sử dụng rộng rãi làm dây dẫn điện như đồng.

Bạc thường dùng làm tiêu chuẩn để so sánh khả năng dẫn điện của các kim loại. Trong than điểm 100 trong "thử thách" dẫn điện, bạc đạt trọn 100 điểm, đồng 97 điểm và vàng 76 điểm.

Bạc cũng là quán quân giữ kỉ lục có độ dẫn nhiệt cao nhất trong tất cả các kim loại.

Từ những vụ nổ sao kích thước nhỏ

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 4.

Phải chăng bạc có mặt trên Trái Đất từ những vụ nổ của các ngôi sao nhỏ - Ảnh: scientias.nl

Từ đâu bạc đến Trái Đất? Cũng giống như vàng, các nhà khoa học cho rằng nguyên tử bạc đến Trái đất từ những vụ nổ sao từ thời kì sơ khai.

Trong một nghiên cứu công bố vào tháng 12 trên tạp chí Astronomy and Astrophysics, các nhà khoa học cho rằng những ngôi sao nhỏ khi nổ sẽ mang bạc đến Trái đất, ngược lại những ngôi sao lớn hơn sẽ dành tặng hành tinh chúng ta nguyên tử vàng.

1 trong 5 kim loại đầu tiên

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 5.

Bộ sưu tập đồ bạc của nữ công tước Nga Alexandra Nikolaevna (1825-1844) - Ảnh: Shakko

Bạc có mặt từ thơi cổ xưa, là 1 trong 5 kim loại đầu tiên được phát hiện, theo thứ tự là đồng, chì, vàng, bạc, sắt.

Nhiều nhà khoa học cho rằng bạc được phát hiện khoảng 5.000 năm TCN, sau 1.000 năm so với vàng, 2.000 năm với chì, 4.000 với vàng.

Những vật thể bằng bạc được tìm thấy khoảng 4.000 năm TCN và cách đây 3.000 năm TCN, con người đã biết cách tách bạc và chì khỏi khoáng vật.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 6.

Tháng 2-2014, các nhà khoa học tìm thấy những báu vật bạc, trong đó có 5 hoa tai khoảng 3.200 năm tuổi ở Abel Beth Maacah, Israel. - Ảnh: Robert Mullins

Bạc có mặt trên trái đất từ xa xưa nhưng khi người châu Âu đặt chân đến châu Mỹ vào thế kỷ thứ 15, những người Tây Ban Nha nhận thấy vùng đất này vô cùng giàu bạc. Họ khai thác lấy khai thác để mang về châu Âu. 

Theo Viện nghiên cứu bạc, từ năm 1500 đến năm 1800 khoảng 85% bạc trên toàn cầu là từ Bolivia, Peru và Mexico.

"Tiền bạc"

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 7.

Bạc là kim loại sáng lấp lánh về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - Ảnh: Seeking Alpha

Bạc được người Lydia sử dụng để đúc tiền từ năm 700 TCN dưới dạng hợp kim của vàng và bạc.

Sau đó, bạc được làm tinh khiết và đúc tiền trong dạng nguyên chất.

Trước năm 1965, đồng bạc ở Mỹ chiếm đến 90% bạc, tuy nhiên sau đó trong những năm 1965-1969 chỉ còn chiếm 40%.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 8.

Đồng bạc Mỹ năm 1965 chỉ còn 40% bạc - Ảnh: USA Coin Book

Bạc được sử dụng trong hàng nghìn năm để trang trí và như đồ dùng gia đình, để buôn bán và làm cơ sở cho nhiều hệ thống tiền tệ. Trong một thời gian dài bạc được coi là kim loại quí thứ hai sau vàng.

Trong những truyền thuyết phương Tây, bạc có thể được sử dụng để đuổi tà ma như ma cà rồng hay ma sói.

81% bạc khai thác từ năm 1900

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 9.

Một công nhân khai thác bạc - Ảnh: Thinkstock

Nguồn cung bạc chính của thế giới hiện nay nằm ở châu Mỹ. Mexico là quốc gia sản xuất bạc hàng đầu thế giới với khoảng 5.600 tấn trong năm 2017, tiếp đến là Peru và Trung Quốc.

Peru là quốc gia có trữ lượng bạc lớn nhất thế giới. Điều thú vị là chỉ khoảng 30% sản lượng bạc khai thác trực tiếp từ các mỏ bạc, còn 70% lại là sản phẩm phụ khi khai thác đồng, chì hay kẽm.

Ngày nay giá bạc thấp hơn nhiều so với giá vàng, khoảng 1/58, tuy nhiên vào thời cổ đại ở Ai Cập hay ở châu Âu trung cổ, bạc có giá cao hơn vàng.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 10.

Một người bán bạc trang sức ở thủ đô Cairo, Ai Cập - Ảnh: REUTERS

Bạc thường dùng để đúc tiền, làm trang sức, tráng gương, rửa phim ảnh, làm nhạc cụ, ứng dụng trong nha khoa… Lượng bạc khai thác từ năm 1900 đến nay chiếm 81% lượng bạc khai thác trong suốt 500 năm qua.

Trong đó 60% bạc dùng trong công nghiệp, nhất là công nghiệp điện. Bạc mạ được sử dụng để tăng tính dẫn điện của một số loại dây dẫn.

Tính sát khuẩn cao


Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 11.

Do tính sát khuẩn cao, bạc nano được sử dụng trong nhiều vật dụng hằng ngày - Ảnh: Friends of the Earth

Bạc không độc hại với con người nhưng hầu hết muối bạc đều độc. 

Bạc có tính sát trùng, có thể giúp diệt một số vi khuẩn gây hại.

Theo Wounds International, bạc được sử dụng để ngăn nhiễm khuẩn từ các vết thương từ hàng trăm năm trước. Ion bạc trong nước có thể tiêu diệt được 260 loại vi trùng, vi khuẩn, nấm... với nồng độ chỉ 0,1-0,01mg/l.

Ngày nay, các nạn nhân phỏng thường bôi kem có bạc sulfadiazin. Một số bệnh viện còn sử dụng quần áo có vải thấm nano bạc cho những bệnh nhân tổn thương da để kiểm soát vi khuẩn.

Đi tìm bí mật của kim loại bạc - Ảnh 12.

Xu hướng áo của bác sĩ phẫu thuật hiện nay là loại có chứa bạc nano có thể sử dụng lại nhiều lần - Ảnh: Bryce Richter

Cơ chế diệt khuẩn của bạc an toàn cho sức khỏe con người hơn các loại thuốc kháng sinh. Kháng sinh có thể tiêu diệt vi khuẩn, kể cả vi khuẩn có lợi dẫn đến lạm dụng kháng sinh gây ra tình trạng kháng kháng sinh, suy yếu sức đề kháng.

Trong khi đó, bạc diệt khuẩn một cách có chọn lọc. Dưới dạng ion hòa tan, bạc làm cho màng tế bào vi khuẩn dễ thẩm thấu hơn, gây cản trở quá trình trao đổi chất của tế bào và ức chế hoạt động của vi khuẩn.

TRỌNG NHÂN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên