03/11/2019 10:48 GMT+7

'Đi Tây'

TS PHẠM HẢI CHUNG
TS PHẠM HẢI CHUNG

TTO - Chúng ta nói đến nhiều về việc giữ nhân tài hay 'chảy máu chất xám', vậy còn những người lao động bình thường thì sao? Ảo ảnh của màu hồng ngày trở về đáng giá sinh tử với nhiều người hay sao?

Đi Tây - Ảnh 1.

Người Việt mưu sinh ở Nga - Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Lần đầu tiên tôi đặt chân tới Đông Âu là ngày cuối cùng của năm 2007, trong một khóa học phóng viên thường trú. Đó là một ngày tuyết lạnh buồn bã, khởi đầu chuỗi ngày dần nhận ra màu hồng được tô vẽ ở Việt Nam là gam màu tương phản với sự đánh đổi mà đồng bào mình đang phải trải qua và chịu đựng nơi trời Tây.

Lần đó, ngày nào tôi cũng gặp anh, một khuôn mặt khắc khổ đứng bán chuối dưới trời tuyết ở hầm một con đường. Anh nói với tôi rằng mấy năm giờ mới góp đủ trả số tiền vay nợ lúc đi và bắt đầu gửi về thêm cho bố mẹ mua được mảnh đất ở Hải Dương, để sau này về lấy vợ và báo hiếu.

Người Việt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới đều có những linh cảm dễ nhận ra nhau và dễ chia sẻ suy nghĩ trên đất khách quê người, đặc biệt là với những người làm công việc lao động và chưa thành thạo ngôn ngữ bản địa.

Tôi gặp nhiều người Việt như thế, làm rất nhiều ngành nghề khác nhau, từ việc xách vali hộ hành khách ở nhà ga, bán hoa quả ở ga tàu, làm nail, tới những người Việt buôn bán ở các chợ dân sinh.

Họ dành dụm, buôn bán, vất vả với khí hậu khắc nghiệt, sự cô đơn, sự kỳ thị sắc tộc, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa và vô vàn rủi ro khác nhau của nhóm công dân thứ hạng số hai hay số ba. Nhưng có lẽ chữ "đi Tây" được hình thành từ cộng đồng trong nước với sự mong đợi, ngưỡng mộ của họ hàng về một điều kiện kinh tế tốt hơn lại là áp lực vô hình đối với họ.

Chính thời gian học tập 1 năm ở Hong Kong, 4 năm ở Anh cũng như nhiều dịp đi công tác ở các quốc gia khác đã cho tôi thấy nhiều hơn cuộc sống thực tế và ngoài những cái tên tuổi thành đạt được nhắc ở quê nhà.

Họ hàng tôi ở Budapest, những người chúng tôi phỏng vấn trên đất Czech, hay sau này là cộng đồng người Việt tôi gặp ở Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Đức, Ý... đều nói về ngày trở về quê hương phải thật hoành tráng, phải đúng nghĩa của từ "đi Tây".

Những giọt mồ hôi ẩn trong áo lạnh, những ngôn ngữ cơ thể thay vì lời nói, những ánh mắt dành cho công dân hạng dưới, những công việc không ai muốn làm ở trời Tây... họ cắn răng chịu đựng và trải qua tất cả, chỉ để không làm thất vọng quê nhà.

Tôi nhớ cuối những năm còn thiếu vắng bóng dáng ông Tây bà Tây trên các làng quê và ngõ ngách ở Việt Nam. Mùi của những người đi Tây về chính là áo khoác da và mùi nước hoa.

Có lẽ lâu dần hình ảnh đổi đời và đi Tây nó vẫn còn kéo dài tới xã hội chúng ta đang sống. Một hệ quả dẫn đến nhiều người từ đủ các ngành nghề khác nhau vẫn còn sính ngoại và thích đi Tây bằng mọi giá.

Theo số liệu của Tổ chức Di cư quốc tế (IMO) lấy từ nguồn dữ liệu của Vụ Liên Hiệp Quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA), từ năm 1990 đến 2015 có 2.558.600 người Việt Nam di cư ra nước ngoài.

Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có gần 100.000 người Việt di cư ra nước ngoài. Chúng ta có khoảng 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài. Rất nhiều kiều hối được gửi về đóng góp cho nền kinh tế của đất nước.

Mới đây, phóng viên của một tờ báo nước ngoài tự hỏi trong cuộc thảo luận của chúng tôi, khi nghe về những tin tức liên quan tới 39 nạn nhân bỏ mạng tại xứ sở sương mù, rằng tại sao một đất nước có tốc độ tăng trưởng nhanh như Việt Nam, có rất nhiều cơ hội làm ăn mà nhiều người lại phải tìm con đường thay đổi cuộc sống bằng một cách "sinh tử" như vậy.

Tôi thì chỉ tự hỏi chúng ta nói đến nhiều về việc giữ nhân tài hay "chảy máu chất xám", vậy còn những người lao động bình thường thì sao? Làm sao để họ không bất chấp sống còn sinh tử để bước tới bên kia biên giới?

Câu nói của anh Sự người Hà Tĩnh, một người tôi từng nói chuyện trên đất Hungary, vẫn lặng lẽ theo tôi trong 12 năm nay: Ở Việt Nam mà có công việc ổn định thì vẫn là sướng nhất.

Ảo ảnh của màu hồng ngày trở về đáng giá sinh tử với nhiều người hay sao?

Thảm kịch 39 người chết ở Anh: Trách nhiệm tối thượng Thảm kịch 39 người chết ở Anh: Trách nhiệm tối thượng

TTO - Khi một thảm kịch 39 người chết như ở Essex (Anh) xảy ra, lẽ tự nhiên là tất cả mọi người đều muốn truy tìm trách nhiệm.

TS PHẠM HẢI CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên