21/03/2017 10:56 GMT+7

​Đi… rửa xe cũng bị thu phí BOT

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Doanh nghiệp vận tải lẫn chính quyền địa phương đều bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng thu phí đầu tư BOT các tuyến đường rất bất hợp lý.

Trạm thu phí quốc lộ 1 đoạn Cần Thơ - Phụng Hiệp (Hậu Giang) là một trong những dự án mở rộng quốc lộ 1, không phải đầu tư tuyến đường hoàn toàn mới - Ảnh: Chí Quốc

Tại buổi giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngày 21-3, đại diện doanh nghiệp vận tải lẫn chính quyền địa phương đều bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng thu phí đầu tư BOT các tuyến đường rất bất hợp lý. 

Bất cập và bức xúc

Ông Đào Anh Dũng, phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết theo thực  tế thì hình thức đầu tư BOT trong lĩnh vực giao thông phải áp dụng cho các dự án xây dựng những con đường hoàn toàn mới, nhưng hầu hết các dự án BOT hiện nay không phải là xây dựng tuyến mới mà chỉ là nâng cấp, cải tạo trên các tuyến đường hiện hữu, một số dự án BOT được lập trên các tuyến đường huyết mạch, độc đạo (như quốc lộ 91) khiến người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài sử dụng dịch vụ của dự án BOT.

Ông Dũng cũng cho rằng  công tác lựa chọn nhà đầu tư xây dựng dự án BOT giao thông hiện chưa được cạnh tranh, chủ yếu là chỉ định thầu do nhu cầu cấp bách, chưa thực hiện được hình thức đấu thầu quốc  tế công khai, rộng rãi hoặc có đăng báo thì chỉ có … một nhà đầu tư tham gia.

Hình thức này đã khiến cơ chế cạnh tranh bị mất đi, những yếu tố như chi phí nhà đầu tư, lợi nhuận, mức phí, thời gian thu phí…. chỉ thỏa thuận, chưa mang tính chất thị trường.

Thêm vào đó, hiện nay chưa đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát các hoạt động thu phí tại các trạm thu phí, nên công tác giám sát thu phí của cơ quan nhà nước tại địa phương gặp khó khăn.

Cũng vì lý do này, các cơ quan tại địa phương lại chưa đủ cơ sở để có biện pháp giám sát và giám sát được hoạt động khai thác cũng như chất lượng công trình của các dự án BOT.

Cũng theo ông Dũng, hai trạm thu phí dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 91 đặt trên địa bàn thành phố có những bất cập gây bức xúc cho người dân mà báo chí đã phản ảnh.

Đặc biệt, để né trạm thu phí BOT quốc lộ 1 đặt trên địa bàn quận Cái Răng, nhiều xe tải lưu thông vào các tuyến đường dân cư thuộc khu vực phường Thường Thạnh khiến chính quyền địa phương và người dân bức xúc vì mặt đường xuống cấp và mất an toàn giao thông.

Giải pháp trước mắt là quận Cái Răng đã giới hạn lưu thông vào thời gian cao điểm để đảm bảo an toàn giao thông cho đường này.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân - đại diện các doanh nghiệp vận tải An Giang - trình bày bức xúc của doanh nghiệp vì đi 100m cũng bị đóng phí BOT cho cả tuyến đường - Ảnh: Chí Quốc

Đi 100m cũng bị thu phí

Tiếp theo phát biểu của ông Dũng, ông Nguyễn Ngọc Xuân, chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang đã chỉ ra những bất hợp lý của trạm thu phí T2 dự án mở rộng quốc lộ 91 đặt trên địa bàn quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ) bởi vị trí bất hợp lý này mà nhiều xe từ TP Long Xuyên (An Giang) đi TP Rạch Giá (Kiên Giang) qua quốc lộ 80 chỉ sử dụng 100m đường quốc lộ 91 cũng bị thu phí 100% như các xe sử dụng quốc lộ 91, thậm chí doanh nghiệp đi … rửa xe cũng bị thu phí.

“Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ nói rồi, tôi đồng ý là thu phí BOT là phải coi lại, chúng tôi quá bức xúc, chúng tôi đại diện doanh nghiệp An Giang, ở đây có thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, thu thì chúng tôi đồng ý, nhưng thu sao cho đúng. Có 100m cũng thu, nói thật như vậy thì dùng từ mãi lộ ở đây cũng đúng”, ông Xuân bày tỏ.

Giam sat.jpg: Thứ trưởng Bộ Giao thông – vận tải Nguyễn Nhật (người đứng phát biểu), cho biết một năm nay bộ chưa cấp mới dự án BOT nào. Ảnh: Chí Quốc
Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Nguyễn Nhật (người đứng phát biểu), cho biết một năm nay bộ chưa cấp mới dự án BOT nào - Ảnh: Chí Quốc

Đáp lại phản ảnh của chính quyền và các doanh nghiệp ở địa phương, ông Nguyễn Danh Huy, vụ trưởng-trưởng Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư (Bộ Giao thông vận tải), cho biết việc đầu tư các tuyến đường này xuất phát từ nhu cầu của địa phương và được lấy ý kiến các địa phương một cách đầy đủ.

Tuy nhiên, thực tế có bất hợp lý trong đặt trạm thu phí. Ông Huy cho biết vấn đề điều chỉnh và giải pháp khắc phục những bất hợp lý nêu trên cần đàm phán với nhà đầu tư và các ngân hàng.

“Chúng ta đưa ra chính sách có thể tác động tới khoản vay, khoản tín dụng của ngân hàng, thậm chí có thể trở thành nợ xấu.

Chúng tôi sẽ trao đổi với nhà đầu tư, ngân hàng để điều chỉnh, có thể theo hướng xe sử dụng đường trong phạm vi 300-500m sẽ miễn phí bà con, còn sử dụng 500m đến 1km thì giảm vé tháng xuống 50%...”, ông Huy nêu giải pháp.

Còn theo ông Nguyễn Nhật, thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải, hiện bộ đang quản lý 74 trạm thu phí BOT trên cả nước và để rà soát lại các dự án này, trong một năm nay bộ không cấp mới dự án BOT nào, còn các dự án đang gây bức xúc thì bộ phải xử lý.

Riêng bất hợp lý tại trạm T2 mà Hiệp hội vận tải ô tô phản ảnh, về lâu dài thì tháng 10 -2017 sẽ khởi công dự án tuyến tránh TP Long Xuyên, khi hoàn thành (năm 2019) thì các xe không sử dụng đoạn đường (quốc lộ 91 khiến xe bị thu phí) đó nữa.

“Mình vừa làm vừa học, sau cuộc giám sát, kiểm tra thế này, bộ sẽ đề xuất Quốc hội chỉnh sửa một số luật để thu hút nhà đầu tư. Chúng tôi ghi nhận những cái đó là cái làm chưa được, mình chưa nghĩ hết. Bất cập rồi thì bộ phải sửa, làm thế nào đưa vào pháp luật tốt hơn”, ông Nhật nói.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên