31/12/2012 08:01 GMT+7

Đi qua một năm đầy cảm xúc

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ

TT - Năm cũ qua đi, năm mới lại tới. Mỗi người một tâm trạng nhưng tất cả đều hướng về một ngày mai...

LOXD13os.jpgPhóng to
Ông Đậu Anh Tuấn - Ảnh: V.T.T.

* Ông ĐẬU ANH TUẤN (quyền trưởng Ban pháp chế VCCI):

“Học phí” cho năm mới

Năm 2012 vừa qua đúng là một năm đầy ắp cảm xúc. Vị trí công việc của tôi tại Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) giúp tôi cảm nhận được rõ hơi thở và nhịp đập của các doanh nghiệp VN. Không chỉ là các con số được các cơ quan nhà nước công bố, những cuộc điều tra khảo sát mà VCCI tiến hành, những diễn đàn mà chúng tôi tổ chức trong năm qua cho thấy rõ ràng về sự khó khăn mà doanh nghiệp đang gặp phải, mức độ kém lạc quan của doanh nghiệp về triển vọng kinh doanh thời gian tới, rủi ro tăng cao... Cũng ít có thời điểm nào mà những người tôi gặp hằng ngày từ lãnh đạo doanh nghiệp, lãnh đạo chính quyền đến anh thợ cắt tóc, người lái taxi đều dễ dàng bắt đầu câu chuyện bằng tình hình kinh doanh khó khăn cùng những cái chép miệng buồn rầu.

Nếu bạn hỏi tôi về năm 2013 tới. Đó chắc chắn không phải là bức tranh có gam màu sáng! Hiện giờ chúng ta cảm nhận được không khí năm tới qua mức thưởng tết của doanh nghiệp các nơi công bố đều giảm, sức mua xuống rõ rệt từ các trung tâm thương mại. Khó khăn có ở mọi nơi. Để giải quyết khó khăn về ngân khố, một số cơ quan công quyền nhanh chóng đệ trình các đề án tăng phí, lệ phí. Để bù đắp thua lỗ, các doanh nghiệp nhà nước lớn, độc quyền nhanh chóng đẩy giá tăng cao.

Tuy vậy, tôi không phải là người bi quan, tất cả những khó khăn năm vừa qua là “học phí” đắt giá cho Nhà nước và nền kinh tế để bước vào năm mới. Vấn đề bây giờ là phải hành động.

* Ông NGUYỄN PHÁT LẬP (nông dân xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú, An Giang):

Hi vọng trúng mùa, được giá

Gia đình tôi làm 40 công ruộng, trồng lúa đúng cách, luôn tuân thủ theo quy trình kỹ thuật mà vụ đông xuân chỉ lãi chừng 500.000 đồng/công, còn vụ hè thu thì không có lời, nhiều hộ khác đều thua lỗ. Tất cả là do giá các loại vật tư nông nghiệp lần lượt tăng nhiều đợt, các chi phí phục vụ sản xuất khác như xăng dầu, điện, tiền thuê máy... cũng đều tăng cao. Tôi nghe có chủ trương mua lúa tạm trữ với giá từ 5.000 đồng/kg nhưng cũng chỉ nghe nói thôi, chứ chẳng thấy doanh nghiệp nào đứng ra mua, mọi người phải bán lúa tươi thông qua thương lái.

* Ông có cảm thấy người trồng lúa ở ĐBSCL còn thiệt thòi?

- Quá thiệt thòi đi chứ! Tôi đã qua Thái Lan, thấy nông sản được đảm bảo tiêu thụ với giá ổn định, được trợ giá. Tôi hỏi xưa nay trồng lúa có khi nào bị lỗ không, họ lắc đầu cười bảo chưa từng bao giờ. Tôi không khỏi trăn trở, cũng là nước xuất khẩu gạo hàng đầu nhưng tại sao cuộc sống nông dân họ thoải mái hơn mình.

* Nếu được kiến nghị, ông sẽ nói gì?

- Làm lúa khó lời nhưng nông dân vẫn phải trồng, vẫn phải sản xuất tiếp, bởi không lẽ bỏ đất hoang và cũng không biết lấy gì làm kế sinh nhai. Lâu nay chúng tôi luôn trồng lúa với niềm hi vọng mùa vụ tới sẽ trúng mùa được giá. Năm mới này tiếp tục kỳ vọng như vậy.

Chúng tôi mong Nhà nước bình ổn bằng được giá các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt có chính sách tiêu thụ mới có hiệu quả để đảm bảo cho người trồng lúa thực lãi được 30%.

u68aJW0v.jpgPhóng to
Ngư dân Phạm Xuân Quốc - Ảnh: Đ.N.
* Ông PHẠM XUÂN QUỐC (ngư dân huyện Núi Thành, Quảng Nam):

Mong biển bình an

Tôi có hai tàu cá, trong đó tàu công suất 500 CV chuyên đánh bắt ở ngư trường - Trường Sa. Năm vừa rồi làm ăn cơ bản ổn, mỗi ngư dân trong đội tàu của tôi cũng được 70-80 triệu đồng. Riêng chủ tàu như tôi thu về được hơn 1 tỉ đồng, nhưng tiền chi phí duy tu bảo dưỡng tàu lớn quá. Chưa kể, chúng tôi đi biển với biết bao lo lắng, có thể chạm mặt tàu nước ngoài bất cứ lúc nào. Họ có trang thiết bị đánh cá hiện đại, chỉ cần thấy dàn đèn đánh cá của họ thắp sáng trời là toàn bộ cá đổ dồn về đó, sao mình đánh được nữa. Ước vọng năm mới của chúng tôi là biển bình an, thời tiết thanh bình, không có những bất ổn liên quan đến những tranh chấp.

* Chị NGUYỄN TỐNG NHUNG (tiểu thương chợ Việt Hưng, Q.12, TP.HCM):

Được buôn may bán đắt

Chưa biết năm 2013 sẽ ra sao nhưng nhìn lại cả năm kinh doanh 2012 chỉ thấy buôn bán thật ảm đạm. Hằng ngày, người dân, công nhân vẫn đều đều bước chân ra chợ nhưng bữa ăn dường như bị cắt xén, tối giản hết mức. Cứ đến cuối buổi chợ chiều thấy hàng nào, sạp nào cũng còn chất đầy hàng, tiểu thương ngồi nhìn nhau. Buôn bán kém cỏi lại tiếp tục chi trả đủ thứ tiền thuê sạp, tiền thuế, phí tăng từng ngày. Không ít người đã bỏ sạp, bỏ chợ, thậm chí bỏ trốn vì nợ nần.

Làm tiểu thương như chúng tôi, chỉ “lạy trời lạy đất” sao cho mọi người đều có tiền, mua bán dồi dào thì tiểu thương mới buôn may bán đắt.

3KGE8uJn.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Văn Đực và cháu - Ảnh: Q.VIỆT
* Ông NGUYỄN VĂN ĐỰC (bán vé số ở khu đô thị Tên Lửa, Q.Bình Tân, TP.HCM):

Xin bớt khổ, đủ ăn

Bà vợ tui 63 tuổi vẫn đang đi bán vé số dạo với đứa cháu nội 6 tuổi. Các con tui đứa làm phụ hồ, đứa sơn nước, chạy xe ôm, đâu biết năm mới năm cũ là gì.

* Cố làm thêm nhưng có được gì hơn không, thưa ông?

- Chỉ nghĩ lượm lặt thêm được đồng nào vui cắc đó. Năm nay ế ẩm dữ lắm. Tui 64 tuổi, hư hẳn một mắt, bên còn lại thị lực cũng chỉ được 20%, hồi trước đi bán vé số dạo bị lừa hoài, đành phải ngồi một chỗ vỉa hè này. Ngày nào bán được 70-80 tờ là mừng rồi. Bà xã với đứa cháu nội cũng kiếm được hơn 100.000 đồng nữa, để dành trả tiền thuê nhà 1 triệu, còn đồng nào thì cắc củm ăn đồng đó thôi. Ngày chỉ nấu cơm một bữa cũng không tốn mấy, chỉ thương đứa cháu đang tuổi ăn tuổi lớn. Lẽ ra năm nay nó cũng vô lớp 1 rồi, vậy mà vẫn chưa được đi học. Tui có chín đứa con thì ba đứa phải chịu mù chữ. Nghĩ đời cháu mình lại có thể bị thất học mà ứa nước mắt.

* Nếu có Bụt cho ông một điều ước thì ông ước điều gì?

- Tui nghĩ thấu gan bấy ruột rồi, có làm thì mới có ăn thôi. Ai từng bữa đói bữa no, ăn cơm độn khoai mì mà không mong được mâm cơm đầy. Ai đó có về xóm trọ này hỏi tâm nguyện gì thì xin thưa chắc tất cả mọi người đều xin bớt khổ, đủ ăn.

* Anh NGUYỄN NGỌC LƯU (người lao động ở đường Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM):

Nặng nề chuyện đâm chém

Mình là dân lao động có việc làm là vui rồi. Lăn lộn đủ thứ nghề để kiếm sống từ chạy xe ôm, bảo vệ, giúp việc nhà..., vợ chồng đã nếm đủ mùi sóng gió cuộc đời. Nhiều cuốc xe ôm trong đêm thăm thẳm, cả mạng sống mình cũng thấy mong manh.

* Điều anh lo nhất là gì?

- Tình hình xã hội đang phức tạp, nhiều tệ nạn quá. Mỗi ngày lại nặng nề với chuyện đâm chém, giết người, cướp giật, lừa đảo, nhũng nhiễu, tai nạn khắp nơi. Cảm giác cuộc sống cứ căng như dây đàn... Nhà có bốn con trai, một con gái đều đang đến tuổi lớn, tuổi phải giao tiếp với bên ngoài. Nhiều hôm đi làm mà cứ lo cho các con.

"Hỏi ước mơ gì cho năm mới 2013 ư? Ngư dân chỉ có mơ ước lớn nhất là trời yên biển lặng để được ra khơi, tìm những ngư trường mới, giàu hải sản để đánh bắt. Chúng tôi rất tự hào vì được đánh bắt ngay ở ngư trường Trường Sa, DK1 và góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Nhưng tôi cũng mong lực lượng cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư của mình mạnh hơn, sát với ngư dân hơn để khi có tình huống giữa biển thì kịp thời hỗ trợ, ứng cứu bà con"

"Năm 2012 là năm có rất nhiều khó khăn với những gia đình đi làm công ăn lương như chúng tôi. Bước chân ra chợ mua mớ rau miếng cá cũng phải đắn đo, suy tính sao cho vừa tiền, vừa đủ bữa ăn. Bước sang năm mới 2013, hi vọng lớn nhất của tôi là đồng lương được cải thiện, giá cả đừng tăng"

cO29XmEw.jpgPhóng to
Sinh viên Trần Thị Ngân Hà - Ảnh: H.B.
* TRẦN THỊ NGÂN HÀ (sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM):

Có năng lực sẽ được nhìn nhận

Năm 2012 khó khăn quá. Sinh viên phần nhiều là được ba mẹ chu cấp nhưng lương ba mẹ không tăng bao nhiêu. Giá cả cái gì cũng tăng nhưng muốn xin thêm tiền ba mẹ cũng không được. Chúng tôi đành phải tằn tiện chi tiêu, cố gắng quên đi chuyện không thuộc loại “cơm, áo”.

* Sắp đến ngày tốt nghiệp, bạn nghĩ gì về việc làm của mình?

- Mình vừa muốn ra trường vừa... không muốn. Muốn ra trường vì sẽ không còn là con nít, không dựa vào gia đình nữa, tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Còn ra trường lại sợ. Sợ không xin được việc, xin được rồi thì không biết có đúng công việc yêu thích, lương có đủ cho những nhu cầu căn bản của bản thân hay không.

* Năm qua, một số cơ quan, đơn vị công khai thông báo không tuyển sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học dân lập. Là sinh viên công lập, bạn nghĩ gì về việc này?

- Nếu như đơn vị nào đó không tuyển sinh viên tốt nghiệp từ các trường dân lập thì có lẽ hơi bất công cho sinh viên, vì các bạn cũng được đào tạo, cũng học như sinh viên các trường công lập. Chỉ là các bạn không có điều kiện để học tại các trường đại học công lập thôi.

Học ở đâu cũng vậy. Nếu như học ở một trường tốt mà không phấn đấu, không có năng lực thì dù có “danh tiếng xuất thân” nhưng không làm được việc cũng vậy thôi. Ngược lại, nếu học trường dân lập nhưng bạn có khả năng thật sự thì sẽ được nhìn nhận.

NHÓM PV - CTV TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên