Tôi đi nhặt ve chai ở vườn nhà, nương rẫy của hàng xóm, và khi biết vỏ bời lời có thể bán, tôi đi tìm và gọt vỏ cây này kiếm thêm.
Nhưng chỉ hơn một tuần làm thêm, tôi chịu không nổi vì sức khỏe yếu. Tôi nghĩ ra ý tưởng kinh doanh vỏ bời lời, liền đạp xe qua nhà dì ba ở một xã khác để hỏi mua.
Nhờ dì ba, đám nhóc trong xóm ấy trạc tuổi tôi đã đi kiếm vỏ bời lời về bán cho tôi. Hè năm đó, tôi thành "thương lái" mua đi bán lại, lãi 200 đồng/kg. Tổng kết mùa hè, số tiền lời 200.000 đồng khi ấy cực kỳ lớn với một đứa lớp 5 kiếm được.
Hồi phổ thông, mùa hè tôi cũng chạy bàn quán ăn, đạp xe ba gác giao mì ở Đà Nẵng. Đó là lựa chọn bắt buộc khi học xa nhà với đứa trẻ gia cảnh khó khăn như tôi.
Mỗi khi nhìn lại, tôi thấy chính quãng thời gian phải làm thêm kiếm tiền sớm ấy giúp tôi biết trân trọng đồng tiền khó nhọc kiếm được, hiểu giá trị cuộc sống.
Thời sinh viên tôi cũng đi làm thêm nhưng chọn công việc gần gũi với ngành học, vừa kiếm tiền vừa trau dồi kỹ năng cho công việc tương lai.
Từng mẩu tin, bài viết, tấm ảnh cộng tác từ nội san trường, ký túc xá tới một vài tờ báo và với khoản nhuận bút nhờ viết lách tôi đã trang trải được tiền ăn ở, mua máy tính, máy chụp hình rồi cả xe máy. Quan trọng hơn, những kinh nghiệm viết lách đã giúp tôi khá nhiều trong nghề.
Nhưng nếu được chọn và mong ước, tôi vẫn mong học sinh, sinh viên nên tập trung việc học là chính.
Còn làm thêm, có chăng chỉ là công việc vừa sức, đừng quá nặng nề chuyện kiếm tiền mà xem là cơ hội trải nghiệm để hiểu giá trị của giọt mồ hôi, từng đồng tiền có được. Để biết trân trọng, sử dụng đồng tiền đúng mục đích, biết chia sẻ với người khó hơn.
Sinh viên làm thêm có nhiều lý do, vì quá khó khăn buộc phải đi làm. Nhưng nhiều bạn chọn đi làm thêm để trải nghiệm, học từ thực tiễn.
Dù là mục đích nào, việc cân bằng giữa sức khỏe với nhiệm vụ chính là học cần được tính toán kỹ lưỡng. Và không thể phủ nhận nhờ vậy mà học cách trân quý đồng tiền kiếm được từ chính công sức của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận