Một nghiên cứu vừa được đăng trên tạp chí Entrepreneur (Mỹ) điểm một số nét chính.
Lo sợ sự mơ hồ, phớt lờ
Việc không thấy rõ mục tiêu công việc khiến nhiều người stress nhất khi đi làm - Ảnh: BPM
Khi được hỏi về yếu tố gây stress hàng đầu trong công việc, 41% người được phỏng vấn có câu trả lời đáng ngạc nhiên: việc không rõ mục tiêu công việc hay sự nghiệp của mình đứng đầu bảng xếp hạng.
1/3 nữ giới và phân nửa nam giới được hỏi khẳng định việc không thấy rõ ràng mục tiêu sự nghiệp khiến họ stress hơn bất kì điều gì khác.
Khó khăn trong việc đi lại hoặc cách quản lý tồi xếp vị trí thứ hai.
Đồng nghiệp khó chịu chiếm ngôi thứ ba và việc phải làm việc quá nhiều giờ trong ngày xếp vị trí cuối cùng.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng các dạng stress thay đổi tùy vào tính chất công việc chúng ta làm.
Một điều đáng lưu ý là phân nửa số người được hỏi cho biết, họ thường cảm thấy bị kiệt sức do căng thẳng khi đi làm. Tỉ lệ người bị kiệt sức cao nhất nằm ở nhóm nhân viên mới vào nghề (59%). Tỉ lệ này ở hai nhóm đối tượng có thâm niên làm việc 1 - 3 năm và 6 - 10 năm là 56%. Tỉ lệ ở lao động có thâm niên từ 3 - 6 năm và nhóm trên 10 năm là 54%.
45% số người được phỏng vấn cho rằng họ rất sợ thấy sự nghiệp của bản thân chững lại. 23% sợ thất bại trong công việc và 19% bị stress nếu cơ hội thăng tiến bị cấp trên phớt lờ.
Với các trường hợp trên, giải pháp gợi ý từ nghiên cứu là các doanh nghiệp cần thường xuyên thăm hỏi, xem xét kĩ về tình hình, năng suất lao động của nhân sự để góp phần giúp họ thông suốt, làm việc hiệu quả hơn.
Khi nhân sự được tạo điều kiện làm việc tốt, thăng tiến và nhận thức rõ lộ trình phát triển sự nghiệp thì kết quả nhận về sẽ ngọt ngào cho cả đôi bên.
Còn ở Việt Nam thì sao?
Thực hiện một khảo sát bỏ túi trên 20 bạn trẻ từ 25-35 tuổi tại TP.HCM và Hà Nội, chúng tôi nhận về câu trả lời điều khiến họ stress nhất xoay quanh cơ hội thăng tiến không công bằng, thu nhập chưa tương xứng với năng lực…
Ngọc Tuyết (32 tuổi, chuyên viên một ngân hàng lớn) cho biết bạn thường xuyên phải làm việc nhiều hơn một số đồng nghiệp có người thân làm lãnh đạo ở trụ sở của mình, và cơ hội thăng tiến của bạn hầu như rất thấp.
"Đã vậy, nữ giới chúng tôi không đi lai rai với các sếp được, thường vướng bận chồng con nên cơ hội thăng tiến lại càng bị thu hẹp. Điều khiến tôi stress nhất là thấy những nỗ lực của mình không được ghi nhận", Ngọc Tuyết nói.
Nữ giới thường gặp nhiều thiệt thòi trong việc được xem xét thăng tiến - Ảnh: EM
Còn với Nguyễn Hoài Đức (sáng lập viên công ty Comusun Media), những bạn ngồi ghế quản lí lại có những áp lực khác trong công việc. "Stress với chúng tôi diễn ra như cơm bữa, thường xoay quanh các vấn đề về tài chính, định hướng phát triển công ty và tuyển dụng nhân sự phù hợp", anh nói.
"Chúng ta thường sợ những nỗ lực của bản thân tỉ lệ nghịch với những gì nhận về. Chưa kể làm sao để cân đối chất lượng dự án với kinh phí, và tìm nhân sự phù hợp nhất, không gây xung đột nội bộ cũng là các yếu tố khiến chúng tôi bị stress", Hoài Đức chia sẻ.
Giải pháp gợi ý để vượt qua stress từ Hoài Đức là thường xuyên tập thể thao để giữ đầu óc minh mẫn nhất, xác định rõ giá trị cốt lõi của doanh nghiệp và luôn đồng hành hỗ trợ, tin tưởng các nhân sự trong công ty, tìm lời khuyên từ các "tiền bối" là lãnh đạo các doanh nghiệp đã ít nhiều thành công…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận