19/10/2023 21:15 GMT+7

Đi giày cao gót, càng cao càng dễ bệnh

Việc thường xuyên đi giày cao gót có thể dẫn tới nhiều hệ lụy với sức khỏe nữ giới như: tổn thương xương bàn chân, dây thần kinh…

Nên hạn chế đi giày cao gót nhiều ngày liên tục - Ảnh: CHÂU ANH

Nên hạn chế đi giày cao gót nhiều ngày liên tục - Ảnh: CHÂU ANH

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa y học cổ truyền, Trường đại học Y Dược TP.HCM - cho biết khi đi giày cao gót, phần lớn trọng lượng cơ thể dồn vào các đốt xương ngón chân.

Sự dịch chuyển bất ngờ từ gót chân xuống ngón chân buộc phải gò bó bàn chân và bước đi ngắt quãng.

Việc đi lại cà nhắc kéo dài trong một thời gian có thể dẫn đến tổn thương xương bàn chân và các dây thần kinh.

Khi mang giày cao gót, các cơ đùi phải hoạt động, làm nhiều, tăng sức ép cho khớp gối. Trong khi đó đầu gối là khớp nối lớn nhất trong cơ thể, nó được tạo ra để giúp cơ thể di chuyển uyển chuyển.

Vì vậy, thường xuyên sử dụng giày cao gót có thể làm gia tăng áp lực lên các bề mặt bên trong của đầu gối, nhanh chóng khiến chúng bị hao mòn dẫn đến viêm khớp xương làm đau nhức chân và lan xuống bàn chân.

Với phụ nữ làm việc công sở thường xuyên đi giày cao gót, ngoài việc máu bị dồn gây đau nhức chân, còn bị căng cơ lưng, gây áp lực cho phần xương sống. Do đó, tình trạng chấn thương, đau nhức lưng, bả vai cũng gia tăng.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo nữ giới khi đi giày cao gót, nên chọn loại giày đế thấp hoặc đế xuồng. Thiết kế giày này sẽ giúp cân bằng và san đều áp lực dồn lên đôi chân.

Chú ý nên bổ sung thêm lớp lót giày ở bên trong nhằm tạo cảm giác êm ái, miếng lót cao su sẽ tốt hơn vì hấp thụ áp lực tốt.

Đồng thời, hạn chế đi giày cao gót và đi những loại gót có đế cứng. Khi phải đi lại nhiều hoặc đi bộ trên một quãng đường dài nên đi dép hoặc giày bệt.

Ngoài ra, độ cao của giày nên vừa phải, không nên trèo lên đôi giày cao đến 12cm. Tuy nhiên cũng không nên đi giày không có gót vì nó có thể dẫn đến một bàn chân bẹt xấu.

Phụ nữ chỉ nên chọn những đôi giày có gót cao trung bình hoặc gót thấp. Giày chỉ nên có độ cao trung bình từ 4 - 6cm, mũi giày yêu cầu không quá nhỏ. Khi đi giày có gót cao nên bước chậm và ngắn để giữ thăng bằng cơ thể.

Cần phát hiện sớm và kịp thời những bất thường ở bàn chân, nhất là người đi giày cao gót để có hướng điều chỉnh và xử lý hiệu quả các thương tổn bàn chân.

Nữ giới mang thai tuyệt đối không đi giày cao gót

Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ cho biết với phụ nữ mang thai tuyệt đối không được mang giày cao gót.

Khi người phụ nữ mang bầu, trọng lượng cơ thể tăng lên, trong khi đôi giày cao gót chênh vênh sẽ là mối hiểm họa khôn lường đối với sức khỏe cả mẹ và thai nhi.

Ngoài ra, những bệnh nhân nữ khi bị mắc bệnh đau thần kinh tọa không được đi giày cao gót, vì sẽ khiến cho bệnh tình ngày càng trở nên nặng hơn.

Ảnh vui 10/6: Giày cao gót phiên bản nhựa trị giá 20 triệu một đôiẢnh vui 10-6: Giày cao gót phiên bản nhựa trị giá 20 triệu một đôi

Mẫu giày từng lọt top tìm kiếm với độ độc đáo khi được kết hợp nhựa vào dáng giày cao gót. Không rõ ai sẽ bỏ ra 20 triệu để mua đôi giày này nữa?!

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên