15/09/2014 09:35 GMT+7

Đi đòi lương

QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY
QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY

TT - Công nhân (CN) bị cắt xén nhiều khoản tiền lương, không chịu nổi bức xúc đành nghỉ việc hay chủ doanh nghiệp “biến mất” khiến CN vất vả đi đòi tiền lương.

Các công nhân Công ty TNHH SMY VN (H.Hóc Môn) tập trung trước cổng công ty để đòi tiền lương. Đến nay họ vẫn chưa nhận đủ số tiền lương tháng 7 và tháng 8 - 2014 - Ảnh: Q.P.
Các công nhân Công ty TNHH SMY VN (H.Hóc Môn) tập trung trước cổng công ty để đòi tiền lương. Đến nay họ vẫn chưa nhận đủ số tiền lương tháng 7 và tháng 8 - 2014 - Ảnh: Q.P.

Nhưng có đòi được không hay bao giờ đòi được thì chưa có câu trả lời. Hành trình đi đòi tiền lương cũng vất vả và khó khăn chẳng kém đi lao động.

Bị “xén” tiền lương: rất khó đòi

Hơn một tháng nay chị Nguyễn Thị Bé Huyền, CN làm việc tại công ty may trên đường 19-5, Q.Tân Bình, TP.HCM, cùng nhóm bạn gần 20 người cầm đơn đi khắp nơi cầu cứu mong các cơ quan chức năng sớm can thiệp để chị và những người bạn được nhận tiền công mà công ty còn nợ.

Chị Huyền kể trong tháng 7-2014, chị làm tổng cộng 18 ngày công bình thường, thêm ba chủ nhật, tăng ca 46,5 giờ. Đầu tháng 8, công ty cho nghỉ việc và chỉ trả 59.000 đồng (trước đó chị Huyền có tạm ứng của công ty 500.000 đồng. Tổng cộng tiền lương tháng 7 chị nhận là 559.000 đồng - PV).

Quá bức xúc, chị chấp nhận nghỉ việc và làm đơn khiếu nại gửi Liên đoàn Lao động quận Tân Bình để đòi quyền lợi. Trong đơn, chị Huyền yêu cầu công ty phải trả số tiền còn thiếu tổng cộng gần 3,8 triệu đồng.

Buổi hòa giải tranh chấp lao động giữa chị Huyền và công ty do Liên đoàn Lao động quận Tân Bình chủ trì vào cuối tháng 8 không thành.

Đại diện phía công ty cho rằng: “Chưa ký hợp đồng lao động với chị Huyền vì chị làm việc không đạt yêu cầu. Lương tháng 7 ít vì công ty đã chi trả bù lương sáu tháng vượt quá so với quy định của công ty”.

Chị Huyền lại mang đơn đi lên các cấp cao hơn như Liên đoàn Lao động thành phố, Tòa án nhân dân quận Tân Bình... để kêu cứu.

Huỳnh Thúy Quỳnh, một CN làm chung công ty, cho biết Quỳnh bắt đầu vào làm việc ở công ty từ tháng 2-2014.

“Lúc đầu, công ty thỏa thuận miệng trả lương theo tháng với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng. Nhưng đến kỳ nhận lương, công ty lại trả lương theo sản phẩm, tôi chỉ nhận được hơn 4 triệu đồng/tháng. Làm nhiều tháng không được ký hợp đồng, tăng ca liên tục, khiếu nại chuyện tiền lương cũng không được, tôi đành nghỉ việc, tìm công việc khác”, Quỳnh nói.

Tại các buổi hòa giải về tranh chấp lao động giữa các CN và đại diện công ty, Liên đoàn Lao động quận Tân Bình đều đi đến kết luận: “Do phía công ty không thống nhất với yêu cầu người lao động nên hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải không thành, chuyển biên bản để người lao động khởi kiện tòa án theo trình tự pháp luật”.

Hầu hết các trường hợp này rơi vào nhóm CN thử việc, chưa có hợp đồng lao động nên dù khiếu nại, CN cũng có rất ít lợi thế.

Doanh nghiệp “mất tích”: khó đòi hơn

Trong thời gian gần đây, tình trạng các chủ doanh nghiệp bỏ trốn làm cho hàng trăm CN đứng trước nguy cơ mất trắng tiền lương đang diễn ra ở nhiều nơi. Cuối tháng 7 - 2014, giám đốc Công ty TNHH Bách Hợp (Q.6, TP.HCM) bỏ trốn làm cho 153 CN khốn đốn.

Nhiều CN cho biết từ đầu tháng 7, công ty chỉ hoạt động cầm chừng. Đến cuối tháng 7, CN vô cùng hốt hoảng khi đến xưởng mà quản đốc, tổ trưởng, kế toán đều không có mặt. Nhiều ngày sau đó, CN vẫn tới túc trực ở công ty nhưng không làm việc, bởi tiền lương tháng 7, sổ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, chế độ thai sản đều chưa được giải quyết.

Ông Nguyễn Xuân Hiếu, cán bộ Phòng Lao động - thương binh và xã hội quận 6, cho biết Công ty TNHH Bách Hợp do một chủ doanh nghiệp quốc tịch Áo làm đại diện theo pháp luật. Hiện nay, công ty này mới chỉ thanh toán lương tháng 6.

Do chủ doanh nghiệp bỏ trốn, việc xử lý có nhiều vấn đề vượt ngoài thẩm quyền giải quyết nên phòng báo cáo Sở Lao động - thương binh và xã hội để xin ý kiến.

Mới đây, hơn 100 CN Công ty TNHH Kiên Tường (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã tập trung về xưởng sản xuất của công ty để đòi tiền lương. CN cho biết công ty hứa trả lương vào ngày 15-8 nhưng đến ngày đó giám đốc “biến mất không một dấu vết”, điện thoại không liên lạc được, nhà riêng đóng cửa.

Mới nhất, cách đây hơn mười ngày, tại Công ty TNHH SMY VN (H.Hóc Môn, TP.HCM) hơn 150 CN cũng tập trung về công ty đòi tiền lương vì hai tháng qua không được nhận lương. Nhiều người trong số họ phải chầu chực ở trước cổng công ty nhiều ngày liền để mong được chủ doanh nghiệp trả lương.

Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp chần chừ, hẹn hết ngày này đến ngày khác. Các CN cho biết theo định kỳ, ngày 10-8 công ty sẽ thanh toán tiền lương tháng 7, thế nhưng đến kỳ lương công ty chỉ ứng cho mỗi công nhân 1 triệu đồng và hẹn ngày 20-8 sẽ thanh toán đủ.

Sau đó, công ty không thanh toán lương mà tiếp tục hẹn đến ngày 28-8. Đột nhiên công ty đóng cửa xưởng, giám đốc “biến mất” và hẹn ngày 10-9 sẽ trả lương, rồi hẹn tiếp đến ngày 20-9.

Hiện tại dưới sự hướng dẫn của Phòng Lao động - thương binh và xã hội huyện Hóc Môn, 153 CN đã làm thủ tục khởi kiện công ty ra Tòa án nhân dân huyện Hóc Môn.

Cả gia đình khốn đốn vì nợ lương

Không có tiền trả nhà trọ bị chủ nhà dọa đuổi, vay mượn để trang trải ăn uống suốt nhiều tháng..., đó là tình trạng của rất nhiều công nhân Công ty TNHH SMY VN. Chị Nguyễn Thị Thu Sương (quê An Giang) cho biết gia đình chị có năm người cùng làm trong công ty này.

“Mấy tháng liên tục tăng ca: ngày làm tới 22 giờ đêm có, 24 giờ đêm cũng có mà cuối cùng lại bị nợ lương thế này”, chị Sương thở dài. Chị cho biết hiện công ty còn nợ cả năm người trong gia đình chị khoản tiền lương tổng cộng 23 triệu đồng.

“Tiền nhà trọ không có trả, tiền ăn cũng quá khó khăn nên cả gia đình phải chật vật xoay xở sống qua ngày”, chị Sương nói.

QUANG PHƯƠNG - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên