26/12/2005 09:18 GMT+7

Đi "chợ lao động" cuối năm

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Chiếc xe buýt đi tuyến BX Miền Tây- Sài Gòn đỗ xịch tại trạm dừng trên đường 3/2. Nhóm người dáng lam lũ vội vã băng qua đường.

2wVeVK8H.jpgPhóng to

Một cảnh dò hỏi ở "chợ người"

Họ đứng nép mình cạnh bức tường của những cửa hiệu hàng sang trọng và lặng lẽ chờ người đến “mua”.

Những chuyến “hàng” đặc biệt

Cứ khoảng từ 8h đến 14h mỗi ngày, lại có những chuyến xe buýt như thế dừng trạm mang theo những lao động đủ lứa tuổi ở các tỉnh miền Tây: Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang… lên TP.HCM tìm kế sinh nhai. Đi kèm với những người lao động này là kẻ “dắt mối”.

Họ tụ tập dọc theo đường 3/2 (Q10) chờ người tới “chọn mua”. Và như thế lâu ngày khu vực này được biết đến dưới cái tên “chợ người”, nơi những người có nhu cầu việc làm bán đổi sức lao động của mình…

Sáng 22-12, ra dáng ông chủ trẻ, tôi tấp vào khu vực được mệnh danh chợ người trên đường 3/2. Thấy tôi cứ dáo dác tìm kiếm, bác vá xe đang nằm dài trên ghế bố bật dậy: “Cậu kiếm người làm phải không? Dạo này công an họ hốt dữ quá! Tụi nó chuyển vào tụ tập kín đáo trong các con hẻm rồi. Cậu cứ vào đó, hoặc hỏi thằng Hai xe ôm nó chỉ cho”. Nói rồi, bác sửa xe chỉ về hướng Hai xe ôm.

“Cần người giúp việc nhà hay nữ tiếp viên?” - anh Hai hỏi. Tôi nói muốn kiếm 3 nữ tiếp viên bán cà phê. Anh Hai quay sang anh bạn đồng nghiệp bàn bạc: “Ổng cần 3 con nhỏ bán cà phê nữa kìa mày, tổng cộng hôm qua đến giờ là 5 đứa rồi đó!”.

Rồi anh Hai quay sang bảo với tôi: “Ba đứa làm chung một chỗ hay nhiều chỗ? Cà phê thường hay cà phê ôm? Ông cần loại nào thì cứ nói thẳng, tụi tôi kiếm cho. Bây giờ người ta làm gì cũng phải có đường dây. Với lại mấy con nhỏ ở quê giờ cũng cảnh giác dữ lắm sau mấy vụ gái ở miền Tây bị dụ làm nghề bán dâm.

Ông cần gái bán cà phê ôm tụi tôi sẽ kiếm cho ông “trùm” cung cấp tiếp viên loại này chứ một mình ông muốn kiếm gái khoảng 16, 17 tuổi sẽ khó đó! Để tôi kiếm dùm cho, chỉ lấy tiền xăng, tiền nước thôi. Nhưng nói trước, tụi này gái quê ở Trà Vinh mới lên, ông muốn tụi nó “ngon lành” thì phải chịu khó “tút” lại nghen!”.

Vừa nói chuyện với tôi, anh Hai vừa liên tục nghe điện thoại gọi đến. “Alô! Thêm 5 đứa làm việc ở Q.6 hả? Cần gấp chứ gì?...Ừ! thứ đó hơi khó kiếm nhưng ông tin tôi đi, tôi thất hứa với ông khi nào chưa? Rồi! rồi! ngày mốt tôi sẽ giao hàng! Bà Bé Ba hả? Cứ liên lạc qua tôi là được rồi!...”.

YAsb7irs.jpgPhóng to

Những cô gái đang chờ đến người đến "chọn hàng".

Nghe xong điện thoại, anh Hai móc túi quần, đưa cho tôi xem mảnh giấy nhỏ viết vội trên mặt sau của tờ giấy bạc thuốc lá: “D., điện thoại 94045…di động 093196…224B, đường X, P15, Q.4”. Anh khoe: “Nhiều người nhờ tui kiếm dùm hàng nhưng tôi làm không xuể. Ông chịu khó đợi qua tuần này đi, tôi kiếm dùm cho”.

Chạy lên đoạn đường 3/2 thuộc Q.11, bên cạnh những trung tâm “Giải quyết việc làm cho người lao động miền quê” tôi bắt gặp nhiều cô gái quê ôm giỏ xách va li ngồi chờ đến phiên mình được đưa đi. Hoạt động môi giới của những trung tâm này rất nhộn nhịp.

Bà Kiệm, bán nước giải khát gần đó cho biết, trước đây ít tháng, ở khu vực này “sầm uất” lắm, kẻ chào người chọn không thua gì phiên chợ thực sự. Họ còn ngã giá trực tiếp, chỉ trỏ chọn lựa không khác gì mua bán, trao đổi một món hàng. “Công an dẹp hoài! Nhưng đâu được, bọn “dắt mối” ranh mãnh lắm! Tụi nó dấu người, hoặc chỉ liên lạc với người có nhu cầu qua điện thoại rồi về quê đưa “hàng” lên.

“Hàng" vừa đến nơi đã được xe ôm chở ngay tới địa chỉ cho sẵn!. Xe ôm thì được hưởng tiền chuyên chở, còn bọn dắt mối thì thu của người có nhu cầu sử dụng lao động từ 100.000 đến 200.000 đồng tùy theo công việc. Tụi “chăn người” và tụi “cò” cũng khốn nạn lắm! Tiền thì chúng hưởng còn người lao động không biết mình đang phó thác số phận cho ai” - bà Kiệm bức xúc.

Có hay không đường dây cung cấp "hàng" cho chợ người?

Chị An nhà ở đường Lý Thường Kiệt (Q.10) quả quyết với tôi: “Khác với vài nửa năm về trước. Hồi đó, người lao động được dẫn đến đây đủ lứa tuổi. “Ngành nghề” cũng rất đa dạng: nấu ăn, giặt giũ, bán quán, chăm sóc con nít… Còn bây giờ, đối tượng chủ yếu là các cô gái trẻ trung nhưng còn ngờ ngệch đầy nét quê! “Thị trường” hiện đang “hút hàng” loại này dữ lắm! Các cô chủ yếu phục vụ ở các quán cà phê, quán bia, quán nhậu”.

Điều khá phổ biến là những lao động qua sự môi giới của cò thường làm việc cho gia chủ chỉ trong khoảng một thời gian ngắn. Một ông chủ của Trung tâm dịch vụ việc làm cho biết, trước khi môi giới cho người sử dụng lao động, “cò” thường “tư vấn” cho người lao động (phần lớn là từ giới quê lên) thời gian làm việc.

JM9nBonP.jpgPhóng to
"Ông cần hàng, cứ liên lạc với tôi"- một tay "cò" nói chắc nịch

Những lời khuyên “quý báu” của cò là: chỉ làm việc một vài tuần, tối đa là chỉ 3 tháng rồi mượn cớ con bệnh, ba đau, mẹ mất… để từ chối tiếp tục làm việc cho gia chủ. Ông này giải thích: Làm như thế, “cò” mới có việc làm quanh năm.

Chúng có thể tiếp tục giới thiệu cùng một người làm cho nhiều chủ khác nhau, đồng nghĩa với việc bọn chúng thu nhiều lần tiền môi giới. Còn chuyện người làm hại chủ hoặc chủ sử dụng người làm vào những mục đích xấu xa thì “cò” dửng dưng. Lúc có chuyện tìm “cò”, “cò” bay mất dạng.

Trong những ngày “la cà” ở khu vực “chợ người” tôi thường nghe giới xe ôm nhắc đến tên của Bé Ba. Theo họ, Bé Ba là trùm dắt người từ Sóc Trăng lên TP.HCM. Trong một tuần, gần như ngày nào cũng có chuyến xe chở “hàng” của nhân vật này lên khu vực đường 3/2.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, những người lao động từ Sóc Trăng muốn lên TP.HCM kiếm việc đều phải nộp cho Bé Ba từ 80.000- 150.000 đồng gọi là tiền xe. Ngoài ra, Bé Ba còn thu của người sử dụng lao động từ 100.000- 200.000 đồng tiền cò. Nói đến “nguồn hàng” là các cô gái trẻ phục vụ cho các ông chủ mở quán nhậu, quán cà phê, dân ở đây thường nói đến T. trọc. Họ được xem như là những trùm dắt mối lao động từ miền Tây lên TP.HCM làm phong phú phú thêm “mặt hàng” ở “chợ người”.

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên