31/10/2017 14:39 GMT+7

ĐH Kinh tế TP.HCM thưởng 200 triệu một bài báo quốc tế

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thông báo thưởng cao nhất 200 triệu đồng cho một bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học ISI/Scopus.

ĐH Kinh tế TP.HCM thưởng 200 triệu một bài báo quốc tế - Ảnh 1.

Một hội thảo khoa học được tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - Ảnh: T.K.

Cụ thể: mức thưởng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI/Scopus Q1 có IF > 2 là 200 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF > 1 150 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF < 1 100 triệu đồng; Scopus Q2 là 80 triệu đồng; Scopus Q3 là 60 triệu đồng và Scopus Q4 là 30 triệu đồng.

Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM. Chính sách mới này được đưa ra sau thời gian vừa qua chỉ có 15% giảng viên của trường tham gia hoạt động tham gia nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế.

Bên cạnh việc treo thưởng, để thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuyên ngành hoặc liên ngành, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phòng làm việc đồng thời giới thiệu nhóm nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế.

Trường hỗ trợ kinh phí hoạt động khoảng 35 triệu/năm cho nhóm nghiên cứu có kế hoạch hoạt động, chương trình làm việc cụ thể và được Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu.

Đối với các nghiên cứu sinh của trường khi công bố quốc tế được hưởng chính sách khen thưởng viên chức; khuyến khích nghiên cứu sinh mời các thầy/cô có kinh nghiệm công bố quốc tế cùng đứng tên bài báo.

Viên chức của trường đang làm việc/học tập tại nước ngoài có bài báo công bố quốc tế được thưởng theo xếp hạng của tạp chí công bố.

IF(Impact factor) của một tạp chí khoa học là một số đo phản ánh số lượng trích dẫn trung bình theo năm của các bài báo khoa học được xuất bản trên tạp chí đó. Tạp chí có IF cao thường được coi là quan trọng hơn các tạp chí có IF thấp.

Các tạp chí khoa học được phân chia thành 4 loại: Q1 gồm các tạp chí chiếm vị trí cao nhất (thuộc top 25%) về IF; Q2 gồm các tạp chí chiếm vị trí trung bình cao về IF (từ top 25% đến top 50%); Q3 gồm các tạp chí chiếm vị trí trung bình thấp về IF (từ top 50% đến top 75%) và Q4 gồm các tạp chí đứng ở vị trí thấp còn lại.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên