Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình gắn Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ hai) do Chủ tịch nước trao tặng lên cờ truyền thống Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Đến tham dự buổi lễ có ông Trương Hòa Bình - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng thường trực Chính phủ; ông Nguyễn Thiện Nhân, ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Phan Thanh Bình, ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - thanh niên - thiếu niên - nhi đồng Quốc hội; ông Nguyễn Thành Phong, ủy viên Trung ương Đảng, chủ tịch UBND TP.HCM.
Đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP.HCM
Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: "TP.HCM rất tự hào khi có ĐH Quốc gia TP.HCM. Chúng tôi luôn coi Trường ĐH Bách khoa TP.HCM là của mình, hỗ trợ và phát huy năng lực của nhà trường cho sự phát triển của thành phố".
Trong hơn 80.000 sinh viên tốt nghiệp của nhà trường, rất nhiều người đã và đang làm việc các lĩnh vực của TP.HCM, đóng góp tích cực cho sự phát triển của thành phố.
"Bên cạnh thành tựu về đào tạo, chúng tôi rất trân trọng trong 8 năm qua nhà trường góp phần tiên phong khởi động chương trình ươm tạo doanh nghiệp đối với cán bộ trẻ, sinh viên. Ngày nay có hơn 30 doanh nghiệp đã trưởng thành trong số đó và đặc biệt có năm doanh nghiệp thành công vào loại tốt trên thị trường…" - ông Nhân nhấn mạnh.
Cán bộ, sinh viên nhà trường còn có truyền thống tham gia công tác xã hội ở TP.HCM, các địa phương cả nước và cả nước bạn Lào, Campuchia. Với những đóng góp to lớn của nhà trường, Đảng và Nhà nước đã dành tặng nhà trường nhiều danh hiệu cao quý như Anh hùng lao động, Huân chương Độc lập hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Lao động hạng nhất.
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm TP.HCM cùng cả nước đang bước vào giai đoạn phát triển mới, đó là vai trò của khoa học công nghệ, của tri thức ngày càng khẳng định. Trong quá trình đó các trường đại học chính là cái nôi, trung tâm sáng tạo.
TP.HCM có Khu công nghệ cao thành công nhất cả nước. Những người hoạt động tích cực trong khu này cũng từ Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
"Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ đóng góp vào các đề án trọng tâm của thành phố như: đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh, trong đó phát huy tiềm lực sáng tạo của các ngành của nhà trường cho thành phố từ quản lý thông minh ở tầm xây dựng hoạch định chiến lược thành phố, xây dựng cơ sở tích hợp dữ liệu dùng chung đến các ngành thông minh (giáo dục, y tế, giao thông…)" - ông Nhân nói.
Cũng theo ông Nhân, TP.HCM rất coi trọng chương trình phát triển công nghiệp vi mạch mà các thầy của Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) hơn 10 năm trước đã khởi đầu, để trở thành ngành mũi nhọn của thành phố.
"Cách đây 20 năm, xuất khẩu của VN dựa rất lớn vào dầu thô, than đá, gạo nhưng hiện nay đóng góp của ba lĩnh vực này rất khiêm tốn so với xuất khẩu thành phố. Theo ước lượng, chín tháng đầu năm nay xuất khẩu phần mềm đạt 3 tỉ USD (hơn xuất khẩu dầu, gạo, cà phê). Trong bối cảnh đó, tôi tin tưởng rằng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM sẽ tiếp tục đóng góp xuất sắc vào sự phát triển của thành phố và đất nước" - ông Nhân nhắn nhủ.
Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất (lần thứ hai) trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập trường sáng 27-10 - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Trường đạt nhiều chuẩn kiểm định quốc tế nhất
Theo GS.TS Vũ Đình Thành - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đến nay, trường đã đào tạo và cung cấp cho xã hội hơn 80.000 kỹ sư, 10.000 thạc sĩ, 200 tiến sĩ làm việc trên khắp cả nước và nhiều nơi trên thế giới. Bên cạnh các chương trình truyền thống, trường đang tập trung mở rộng đào tạo các hệ chất lượng cao và hệ liên kết quốc tế; sinh viên được học tập các môn học giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, do trường đối tác nước ngoài cấp bằng hoặc cấp bằng đôi giữa hai nước.
Về công tác kiểm định chất lượng, trường là một trong bốn trường đại học đầu tiên của VN chính thức được công nhận đạt kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn của HCERES (Pháp - châu Âu) với thời gian công nhận là 5 năm (tháng 6-2017 đến 6-2022).
Trong tháng 9-2017, trường cũng đã hoàn thành kiểm định chất lượng cấp trường theo tiêu chuẩn quốc tế AUN-QA (khu vực Đông Nam Á).
Về kiểm định cấp chương trình đào tạo, trường là đơn vị đầu tiên trong cả nước có hai chương trình đạt chuẩn kiểm định ABET của Hoa Kỳ (khoa học máy tính, kỹ thuật máy tính). Trường cũng đã có 11 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA, bảy chương trình đạt chuẩn kiểm định CTI của Pháp và châu Âu…
Từ Hội nghị khoa học lần thứ nhất năm 1978 với chỉ 7 phân ban, đến nay Hội nghị khoa học công nghệ lần thứ 15 năm 2017 của trường đã được tổ chức với 60 phân ban, trong đó có 37 phân ban quốc tế. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 trường đã thực hiện 441 đề tài với tổng kinh phí thực hiện hơn 65 tỉ đồng.
Số lượng bài báo khoa học đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017 là 707 bài, trong đó số bài báo quốc tế là 292 bài (gồm 175 bài ISI) và số bài báo trong nước là 415 bài.
Hoạt động chuyển giao công nghệ của trường cũng ngày càng được mở rộng về cả chất lượng và số lượng, doanh thu trong năm 2016 của trường đã đạt gần 165 tỉ đồng.
Năm 1957, Trung tâm Quốc gia kỹ thuật (tiền thân của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM) ra đời trên cơ sở tập hợp bốn cơ sở đào tạo: Trường CĐ Công chánh, Trường CĐ Điện học, Trường Quốc gia Kỹ sư công nghệ, Trường Việt Nam Hàng hải.
Năm 1962, Trường CĐ Hóa học được thành lập, trở thành một thành viên mới thuộc Trung tâm Quốc gia kỹ thuật.
Năm 1972, Trung tâm Quốc gia kỹ thuật được đổi tên thành Học viện Quốc gia kỹ thuật. Sau đó trường được mang tên Trường ĐH Kỹ thuật thuộc Viện ĐH Bách khoa Thủ Đức.
Ngày 27-10-1976, trường chính thức mang tên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận