10/12/2011 06:18 GMT+7

Dệt ước mơ cho đảo

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Những câu chuyện vượt khó, học giỏi của các học sinh Trường THPT An Thới, nằm ở phía nam đảo Phú Quốc (Kiên Giang), đã làm rung động nhiều thầy cô giáo.

xoIGMEjk.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Kim Hiền tranh thủ học mọi lúc mọi nơi - Ảnh: T.Cường

Các bạn sẽ nhận học bổng “Sức sống biển đảo” năm 2011 trong chương trình “Vì Ngày mai phát triển” lần thứ 309 do báo Tuổi Trẻ thực hiện.

Nhịn đói đến trường

11 năm qua, con đường đến trường của Nguyễn Thị Ngọc Giàu, lớp 11B1, vẫn chưa hết trở ngại. Bước chân lầm lũi, cặp sách trên vai, Giàu vượt gần 2km dốc, vượt đá lổn nhổn và hơn hết là vượt lên chính mình để đến trường. Những đôi dép lần lượt thay nhau đứt quai nhưng bước chân nhỏ nhắn của Giàu vẫn không hề lùi bước trước việc học.

Bà Phan Thị Mai, mẹ Giàu, nói cuộc sống gia đình chỉ phụ thuộc vào chiếc xuồng nhỏ đánh cá. Nhưng bữa được bữa không, chồng ốm đau thường xuyên nên cuộc sống chỉ đắp đổi qua ngày, thiếu trước hụt sau. “Trời mưa đường lầy lội, trơn trượt và đầy đá, nhỏ đi học tội nghiệp lắm” - bà Mai nói. Chị của Giàu cũng học giỏi nhưng nhà nghèo, đường xa đành phải nghỉ học đi làm thêm. Bà Mai kể có dạo cho tiền ăn sáng nhưng Giàu nhịn đói không ăn, có hôm về trưa nắng đói lả cả người. “Khi ba bịnh, nhà hết sạch tiền, nó đưa 70.000 đồng ra cho tôi, khi đó tôi mới biết con mình nhịn ăn” - bà Mai ngân ngấn nước mắt nói.

Lên lớp 11 do tập trung học nên Giàu nghỉ làm. Thời gian bắt đầu học lớp 7, một buổi đến trường, buổi còn lại Giàu phụ lột mực đỡ đần thêm cho gia đình. Căn nhà tạm bợ xiêu vẹo của gia đình Giàu trên đất mướn mới gom góp vay mượn dựng lại sau khi gió giật ngã năm ngoái. “Còn mình ên nó ráng cho đi học, nhiều lúc kẹt quá bảo nghỉ học mà con không chịu nghỉ” - bà Mai nói. Giàu cho biết những đêm đi học thêm về, ba mẹ thay nhau ra ngoài lộ rước vì đường vào vắng vẻ, cây cối rậm rạp. Xoa đầu con, bà Mai nói: “Đường đi trở ngại vậy nhưng phong trào gì của lớp, của trường Giàu cũng hăng hái tham gia dù trời mưa gió”.

Cũng vì do đường trở ngại, khu vực Giàu sống tỉ lệ bỏ học rất cao. Hồi tiểu học, nhà mướn xe ôm chở đến trường nhưng riết không có tiền trả nên xe ôm không vào rước nữa. Một dạo Giàu phải đi bộ hết quãng đường đến trường, phải đến lớp 7 bạn bè thương mới đón ở ngoài lộ. “Có được học bổng cả nhà mừng lắm, nhiều khi vợ chồng tôi nghĩ lo không nổi cho con đến trường” - bà Mai nói.

Bà Mai cho biết cứ tầm 3g-4g sáng khi ba mẹ đi đánh cá, Giàu cũng thức dậy học bài đến 5g mới đi học. Lớp 11, Giàu được vào lớp chọn do những năm trước đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Cô Lê Thị Hiền, chủ nhiệm lớp 11B1, đánh giá Giàu học giỏi đều các môn. “Giàu nhiệt tình tham gia các phong trào, có khiếu sáng tác thơ văn. Vừa rồi Giàu viết một bài văn tế về những người nghiện ma túy cho tờ báo tường, bài viết rất nổi bật” - cô Hiền nói.

Rt9Jbwgm.jpgPhóng to
Hằng ngày Nguyễn Thị Ngọc Giàu phải đi bộ 2km đường dốc để đến trường - Ảnh: T.Cường

Vừa học vừa chăm cha

Cũng ở lớp 11B1, hoàn cảnh Nguyễn Thị Kim Hiền éo le không kém. Mẹ mất khi Hiền mới 14 tháng tuổi. Cha làm lụng vất vả, gà trống nuôi năm anh em. Bốn anh chị đầu đều dở dang việc học do kinh tế khó khăn. Chỉ còn Hiền, mấy lần gia đình tính cho nghỉ học nhưng thấy Hiền ham học nên cả nhà chung sức ráng nuôi Hiền ăn học đến nơi đến chốn. Các cấp học Hiền đều là học sinh giỏi.

Năm lớp 10, Hiền tranh thủ mấy tháng hè đi giữ trẻ kiếm thêm thu nhập. Anh chị đã ra ở riêng, một mình Hiền ngoài giờ học phải chăm lo cho cha già nay ốm yếu, mất sức lao động. Vóc người nhỏ nhắn nhưng hằng ngày Hiền đạp xe khoảng 5km đến trường. Cô Lê Thị Hiền đánh giá Hiền rất cao vì lực học luôn đứng nhóm đầu, mạnh dạn phát biểu ý kiến trên lớp. “Gia đình khó khăn từ lúc em sinh ra nên em cố gắng học để không phụ công sức của cha và các anh chị” - Hiền nói. Hiền cũng mong đất đảo đổi thay để không còn những học sinh gian khó đường đến trường.

Nhận học bổng “Sức sống biển đảo” đợt này còn có Võ Thị Yên, học sinh lớp 10C1. Bố Yên bị tật nguyền từ nhỏ do ảnh hưởng chất độc da cam, gắn bó với nghề biển bằng sự nỗ lực, còn thu nhập không được bao nhiêu. Mẹ Yên hằng ngày lên núi kiếm củi bán được vài ba chục ngàn đồng và ai kêu gì làm đó. Yên học giỏi từ nhỏ nên được cả gia đình dồn sức cho học. Không may năm lớp 9, trên đường đi học về Yên bị xe tải va quẹt gây xuất huyết não. Gia đình phải đôn đáo vay mượn hàng chục triệu đồng để chữa trị. Số nợ đến nay vẫn chưa trả xong. Căn nhà của gia đình xập xệ, tuềnh toàng nằm gần biển chỉ che chắn bằng tôn và gạch đỏ chưa vôi vữa. “Gia đình cũng ráng nuôi con học nhưng sợ tuổi già không biết có lo nổi cho con học lên ĐH không” - ông Võ Tấn Tời, ba Yên, lo lắng nói.

600 học bổng trị giá 1,5 tỉ đồng

Lúc 19g hôm nay 10-12 tại Nhà Thiếu nhi tỉnh Cà Mau, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng tỉnh đoàn, sở GD-ĐT ba tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu tổ chức lễ trao học bổng cho 135 học sinh cấp II, III vượt khó học giỏi, trị giá hơn 283 triệu đồng (học sinh cấp III: 2,7 triệu đồng/suất, học sinh cấp II: 1,8 triệu đồng/suất) và quà tặng.

Tính đến nay, báo Tuổi Trẻ đã phối hợp cùng các tỉnh, thành đoàn và sở GD-ĐT tổ chức trao 600 suất học bổng “Sức sống biển đảo” cho các em học sinh cấp II, III ven biển, đảo tại 10 tỉnh thành (Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) với tổng số tiền 1,5 tỉ đồng do Công ty cổ phần Đức Khải tài trợ.

Học bổng “Sức sống biển đảo” thuộc chương trình “Vì ngày mai phát triển” của báo Tuổi Trẻ, dành trao cho những học sinh vượt khó học giỏi tại các khu vực ven biển, đảo.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên