27/12/2014 14:20 GMT+7

Dẹp nạn ăn xin: dân ủng hộ, chính quyền phải làm nhanh

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Ngoài những mảnh đời bất hạnh và khó khăn thật sự cần giúp đỡ, cũng có nhiều người ăn xin do lười lao động, bị bọn chăn dắt ép buộc đi ăn xin để thu lợi bất chính

Hình do bạn đọc Trần Thy Ngọc Đan gửi Tuổi Trẻ Online

Tôi ủng hộ chủ trương của TP.HCM và nghiêm chỉnh chấp hành, không cho tiền người lang thang ăn xin. Đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội là hành động nhân văn, góp phần làm cho thành phố văn minh hơn, hi vọng sắp tới sẽ không còn thấy hình ảnh xấu ở đường phố nữa.

Vấn đề là hiện nay nạn ăn xin tràn lan từ đường phố đến chợ, chùa, nhà thờ, trường học, công viên, quán nhậu… Dễ thấy nhất là tại khu vực trung tâm và ngã tư đường Trường Chinh, Cộng Hòa, Châu Văn Liêm, Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Đồng, xa lộ Hà Nội gần nút giao Cát Lái…

Người ăn xin phần đông xuất thân từ các tỉnh lẻ gồm nhiều thành phần già yếu, thanh niên, trẻ em. Ngoài những mảnh đời bất hạnh và khó khăn thật sự cần giúp đỡ, cũng có nhiều người ăn xin do lười lao động, bị bọn chăn dắt ép buộc đi ăn xin để thu lợi bất chính.

TP.HCM đã vào cuộc tổ chức nhiều đợt đưa số trẻ em và người già về bàn giao cho địa phương quản lý nhưng đâu lại vào đấy.

Nguyên nhân được cho là do bọn chăn dắt tìm mọi cách đưa trẻ em, người già trở lại thành phố lang thang ăn xin để thu lợi bất chính. Bọn chúng thậm chí còn chỉ dẫn những người này bám sát rồi năn nỉ, quỳ lạy, xin xỏ khách du lịch. 

TP.HCM chủ trương đưa người lang thang ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội là thiết thực để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh khó khăn thật sự, là mái ấm cho người già vô gia cư, nơi trẻ em được học hành, thanh niên được học nghề và hướng nghiệp…

Chỉ e rằng với số lượng trung tâm bảo trợ xã hội hiện nay sẽ khó đáp ứng yêu cầu cho nhiều người lang thang ăn xin, chi phí cho hoạt động này là không nhỏ.

Thiết nghĩ TP.HCM nên đầu tư thêm trung tâm bảo trợ xã hội cho quận huyện quản lý để kêu gọi nhà hảo tâm quyên góp cho các hoạt động từ thiện vừa đáp ứng nhu cầu thực tế, tạo điều kiện cho lòng hảo tâm đến đúng nơi đúng chỗ.  

Tôi nghĩ chủ trương vận động không cho tiền người lang thang ăn xin là chưa đủ mà phải có sự cương quyết từ chính quyền TP.HCM trong việc kiểm soát, xử lý nghiêm kẻ xấu thu lợi bất chính từ người ăn xin.

Đồng thời quy định nơi nào để xảy ra nhiều người ăn xin thì chính quyền phường, xã phải chịu trách nhiệm. Vì địa phương là cấp trực tiếp biết và nắm rõ địa bàn nên phải kịp thời phát hiện đưa người ăn xin vào trung tâm bảo trợ xã hội.

TP.HCM đã có ba đường dây nóng để nhận tin báo phản ánh tình trạng ăn xin, có thể khuyến khích bằng cách miễn phí tiền điện thoại cho người phát hiện gọi vào đường dây nóng báo tin sẽ thuận tiện hơn.  

TRẦN VĂN TƯỜNG

Hiện nay có rất nhiều chương trình hoạt động thiện nguyện, từ thiện xã hội được đăng tải cụ thể địa chỉ trên báo. Điều kiện dù ít hay nhiều không quan trọng, chúng ta cứ mạnh dạn đến tìm hiểu nếu được thì cùng tham gia. Như vậy sẽ tốt hơn cho cả người cho lẫn người nhận và xã hội không còn cảnh nhức mắt của những kẻ lưng dài vai rộng ăn trên mồ hôi nước mắt của các cụ già và trẻ em.

Rất mong mọi người cùng chung tay cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.      

PHẠM HÙNG

- Trẻ em và người khuyết tật luôn là những đối tượng bị bọn xấu lợi dụng để chăn dắt xin tiền. Nên chính sách thu gom người ăn xin vào các trung tâm bảo trợ xã hội sẽ chấm dứt được tình trạng này và trẻ em cũng như người khuyết tật không bị lạm dụng khi không có giá trị đối với bọn buôn người nữa.    

LÊ TUYÊN 

- Yêu cầu các cơ quan chức năng ở mỗi quận, huyện quản lý chặt chẽ địa bàn; thiết lập đường dây nóng ở mỗi quận, huyện để tiếp nhận thông tin từ người dân.      

TRẦN VĂN SANG

[poll width="400px" height="190px"]37[/poll]

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên