Ông T. - người sống lang thang, ăn xin tại khu vực mũi tàu đường Trường Chinh - Cộng Hòa (Q.Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh TTO |
Lời kêu gọi này có nhiều ý kiến trái chiều; số ủng hộ rất nhiều nhưng số người dè dặt cũng không ít.
Cá nhân tôi thấy cũng rất băn khoăn.
Hôm nọ, trong lúc cả nhà đi ăn ngoài quán, có một phụ nữ lớn tuổi giọng thều thào xin ít tiền để mua đồ ăn vì đã mấy ngày lang thang ngoài đường. Nhìn vẻ bề ngoài đáng thương, tôi móc túi cho bà ít tiền mà trong lòng nghĩ nhiều lẽ.
Tôi phân vân có nên cho hay không, cuối cùng nghĩ rằng, thà mình bị lừa mất chút tiền còn hơn để cho các con thấy mình dửng dưng với người già yếu, trong khi lúc nào cũng dạy con về lòng nhân ái.
Tôi cũng phân vân liệu có nên đưa tiền cho con để giúp con “thực hành” sự giúp đỡ người khác hay không, cuối cùng thấy rằng chính mình còn chưa rõ trường hợp đó có đáng giúp hay không thì sao lại “lôi” con vào hoàn cảnh này.
Tôi cũng phân vân liệu có nên giải thích với con về cách ứng xử với người ăn xin hay không (nhất là cách cho tiền để không mang tiếng “bố thí ăn mày” hay “thí cô hồn”) thì lại nghĩ rằng đây có thể chưa phải là trường hợp nên làm hình mẫu để giáo dục…
Vì vậy, cuối cùng tôi làm một việc mà mình không biết là nên hay không nên một cách lặng lẽ!
Ở góc độ xã hội, cho tiền người ăn xin có mặt tốt lẫn không tốt.
Mặt tốt là duy trì lòng nhân ái, sự bao dung, tính cộng đồng; nhất là trên thực tế vẫn có những hoàn cảnh thương tâm, cần sự hỗ trợ kịp thời để giúp người ta vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt hay ít nhất cũng động viên họ sống mạnh mẽ hơn, tích cực hơn.
Trên thực tế, có rất nhiều dạng “ăn xin lừa gạt” với chiêu thức giả bị thương tật, giả người tu hành, bịa đặt hoàn cảnh thương tâm (bị bệnh nan y, bị móc túi, mồ côi cha mẹ, bị con cái bỏ rơi…) để rủ lòng nhân ái của người khác và lừa gạt tiền của họ. |
Nhưng mặt không tốt là phát sinh nhiều người lợi dụng lòng nhân ái để trục lợi; có không ít người khỏe mạnh nhưng giả vờ bệnh tật để rủ lòng thương của người khác, hành vi đó xét cho cùng là sự lừa đảo; từ đó là thui chột lòng tốt của mọi người, khiến nhìn vào hoàn cảnh đáng thương nào cũng bằng con mắt cảnh giác.
Mặt không tốt này còn ở chỗ phát sinh những hành vi phạm tội đáng lên án, như hành hạ người khác, cưỡng đoạt tài sản của người khác (người trực tiếp ăn xin)…
Vì vậy, nhiều người chỉ tặng hiện vật (quần áo, thức ăn…) cho người ăn xin và xem đó là cách giúp đỡ họ thiết thực nhất, mà cũng để tránh bị lợi dụng.
Ở góc độ giáo dục, giúp người ăn xin là hành vi đáng khuyến khích.
Liệu bạn có thể luôn miệng dạy con phải biết yêu thương con người, biết giúp đỡ người khác, nhất là những người yếu thế, hoạn nạn… nếu ngay trước mặt con mà bạn dửng dưng với người ăn xin, có thái độ không đúng mực hoặc khẳng định ngay với con đó là người lừa gạt?
Liệu bạn có làm một gương tốt cho con hay không khi gặp người ăn xin bạn luôn miệng xua đuổi hoặc có thái độ khinh miệt, thậm chí cho tiền bằng cách bố thí cho xong?
Cho nên, bằng thái độ tôn trọng người ăn xin, giúp đỡ họ bằng tấm lòng thành, kèm theo đó là giảng giải vì sao nên làm như thế, đó là cách dạy con tốt nhất.
Nếu chính thức kêu gọi người dân đừng cho tiền người ăn xin e rằng chưa phải là cách hay nhất.
Vẫn có những người thực sự cần sự giúp đỡ thì không nên giúp họ hay sao?
Trong khi đó, giúp đỡ người hoạn nạn là một hành vi tích cực, có tính giáo dục cao, thì sao lại kêu gọi không nên làm?
Còn hiện tượng lừa gạt lòng tốt hay nạn chăn dắt có thể còn nhiều cách giải quyết khác tích cực hơn.
Đó là tăng cường đưa những người ăn xin không có người thân, không có nơi cư trú rõ ràng vào các cơ sở bảo trợ xã hội.
Với những người có gia đình, có nơi cư trú ổn định nhưng xem ăn xin là một “nghề” thì nên kết hợp chính quyền địa phương vận động, giáo dục và hỗ trợ việc làm để họ có thu nhập chính đáng.
Cần xử lý nghiêm các trường hợp chăn dắt, thuê mướn người đi ăn xin, nhất là với hành vi hành hạ và cưỡng đoạt tài sản người khác (về nguyên tắc, “giao kết” đi “ăn xin thuê” không được pháp luật thừa nhận, nên người chăn dắt đoạt lấy tiền của người ăn xin đi xin được thì có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản của người khác).
Ở tầm vĩ mô, cần thiết xem xét sửa đổi luật hình sự đối với hành vi chăn dắt, xúi giục, tổ chức người khác đi ăn xin hoặc làm những việc nhằm trục lợi bất chính.
Dĩ nhiên, xã hội (người dân, cơ quan truyền thông…) cần tích cực vạch mặt những trường hợp giả mạo người tu hành, người tàn tật, người mang bệnh nan y… để nâng cao cảnh giác cho những người khác.
Với những trường hợp thực sự khó khăn, rất cần sự giúp đỡ thì các cơ quan báo chí, hội chữ thập đỏ… nên tích cực xác minh và có biện pháp giúp đỡ kịp thời, hợp lý.
Do đó, có thể nói rằng, ứng xử với người ăn xin nên có một hình thức “tự nhiên” hơn là một biện pháp mang tính quản lý nhà nước.
Nhưng xử lý người ăn xin thì cần phối hợp đồng bộ nhiều biện pháp của các cơ quan chức năng và phải thực hiện quyết liệt, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ dĩa”.
Bạn có cùng chung suy nghĩ như bạn đọc Trịnh Minh Giang? Theo bạn, việc không cho tiền người ăn xin... có góp phần làm giảm nạn ăn xin, giả dạng ăn xin? Hãy chia sẻ cùng Tuổi Trẻ Online qua địa chỉ tto@tuoitre.com.vn hoặc phần Ý kiến bạn đọc ngay dưới bài viết? |
[poll width="400px" height="174px"]37[/poll]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận