11/01/2022 16:42 GMT+7

Dẹp lấn chiếm vỉa hè: Muốn làm hay không mà thôi!

N.T
N.T

TTO - Nhiều bạn đọc phản hồi như vậy xung quanh bài viết 'Làm sao chữa căn bệnh nan y lấn chiếm vỉa hè?' của tác giả Nguyễn Phước Đại trên Tuổi Trẻ Online ngày 11-1.

Dẹp lấn chiếm vỉa hè: Muốn làm hay không mà thôi! - Ảnh 1.

Quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐịNH

Trong bài viết, tác giả là một cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM có góc nhìn khá toàn diện về thực trạng lấn chiếm vỉa hè đang xảy ra tại các đô thị, nhất là ngay tại TP.HCM.

Theo tác giả, vỉa hè ở TP.HCM phải "cõng" một số chức năng "thương mại", thực tế này tồn tại từ nhiều năm nay và chấn chỉnh lấn chiếm vỉa hè chỉ như "bắt cóc bỏ dĩa", ra quân rồi đâu cũng vào đấy. Có thể nói, "tẩy trắng" vỉa hè là điều bất khả thi.

Đâu phải chỉ hàng rong

Bạn đọc phản hồi về Tuổi Trẻ Online hầu hết tán thành với tác giả về tình trạng vỉa hè của TP đang bị chiếm dụng khắp nơi, với thiên hình vạn trạng khác nhau.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc cho rằng, xét trên tổng thể những người lấn chiếm vỉa hè nhiều nhất không phải là những người nghèo khó, người bán hàng rong vì miếng cơm manh áo. Trái lại, nhiều hàng quán, người kinh doanh ngay mặt tiền đường mới là những "thủ phạm" chiếm dụng vỉa hè nhiều nhất, thường xuyên nhất.

Bạn đọc tên Phương cho hay rất bất bình về việc dùng vỉa hè để mua bán khiến người dân không còn chỗ đi bộ. "Người bán hàng rong thì ít mà các nhà mặt tiền chiếm dụng lề đường thì nhiều, có thể nói đến 80%. Vậy theo tôi, giúp bà con buôn bán nhỏ thì không bao nhiêu mà giúp cho sự lộn xộn thì nhiều hơn" - bạn đọc Phương bình luận.

"Là người dân sống gần khu quán nhậu Nhất Phong Thủy số 395/2 đường Tân Sơn, phường 12, Gò Vấp, tôi đề nghị công an phường và quản lý trật tự đô thị kiểm tra xử lý việc chủ quán nhậu này cho để xe của khách tràn ra gần giữa đường và 2 bên hẻm đối diện làm người dân đi qua lại rất khó khăn" - một bạn đọc đề nghị.

Tương tự, bạn đọc Nguyễn Nam nhà ở đường Phạm Ngọc Thạch, phường Võ Thị Sáu, quận 3 cho biết nhà anh ở trong hẻm xe hơi, nhưng xe hơi phải đi gởi nơi khác vì không thể đưa về nhà được. "Hẻm bị những người lạ lấn chiếm lập bãi giữ xe chỉ chừa lối vào cho xe gắn máy. Sự việc này đã được phản ánh nhiều lần nhưng không có gì thay đổi" - bạn đọc kể.

Trong khi đó, bạn đọc Trần Đăng Hiến "chỉ điểm": "Có nhiều nơi không những họ lấn chiếm vỉa hè mà còn chiếm cả lòng đường. Đơn cử như đường An Dương Vương, quận 5 đoạn từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đường Trần Phú, ai đi xe hơi mà tấp vô đậu trước mấy tiệm làm đẹp ôtô là sẽ bị họ ra đuổi đi ngay để nhường chỗ cho mấy xe vô sửa chữa!".

Xử lý cán bộ là dẹp được lấn chiếm vỉa hè?

Tình trạng cát cứ vỉa hè vốn là chuyện thường ngày và gây bức xúc nhiều không kém nạn "hung thần" karaoke gây phiền hà hàng ngày ở các khu dân cư. Và nhiều người cho rằng không chỉ người dân mới biết, mà cán bộ phụ trách địa bàn, chính quyền địa phương hẳn biết rõ hơn ai hết.

Bạn đọc Nguyễn Nam bức xúc: "Có điều lạ, khi bạn xây sửa nhà dù trong hẻm sâu chỉ cần lỗi nhỏ là địa phương xuống ngay, còn những việc sai phạm rất dễ thấy này vẫn ngang nhiên tồn tại thách thức dư luận. Tôi ủng hộ ý tưởng của bài báo, cần có giải pháp tổng thể, căn bản để giải quyết tận gốc vấn nạn này".

"Vấn đề này thì phụ thuộc vào cấp ủy ban và công an phường. Toàn làm lơ thôi. Khu tôi phường 12, quận 10, nhiều khi thấy cán bộ còn đi chợ vỉa hè - lòng đường, ăn sáng nữa thì nói chi đi dẹp lòng lề đường. Xe chạy không có lối và va quẹt suốt ngày do tránh không kịp tùm lum người lấn chiếm" - bạn đọc Thành Nam nêu ý kiến.

Nhiều bạn đọc cùng cho rằng, để xảy ra tình trạng lấn chiếm vỉa hè, trước hết trách nhiệm thuộc về cán bộ, chính quyền địa phương. Việc lấn chiếm, sử dụng trái phép vỉa hè không phải không có quy định để xử lý mà vấn đề nằm ở chỗ áp dụng pháp luật không nghiêm.

"Đợt chỉ đạo chống dịch, Chính phủ trực tiếp ra chỉ thị xử lý, giám sát từng địa phương thì thấy ngay không có cán bộ nào dám sai phạm, lơ là. Đường phố được dọn dẹp thông thoáng không một nơi nào lấn chiếm. Nhưng khi trở lại nhịp sống bình thường, trao quyền tự kiểm soát lại cho địa phương thì ngay lập tức cán bộ khu vực ngó lơ" - bạn đọc Phạm Hùng nói.

Theo bạn đọc, lãnh đạo TP.HCM cần quy định trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương và xử lý nghiêm nếu để tái diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè, cũng tương tự như đối với việc xử phạt vi phạm tiếng ồn mới đây.  

"Dẹp lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường được hết, quan trọng là có kiên quyết làm hay không thôi. Giờ nơi nào để tình trạng lấn chiếm vỉa hè cứ thay chủ tịch phường là hết à" - bạn đọc Chương Mỹ đề xuất.

Một số bạn đọc còn cho rằng việc cấm đốt pháo, bắt buộc đội nón bảo hiểm khi đi xe máy lúc đầu khó đến mức nào còn làm được và người dân đã phải nghiêm túc chấp hành thì nạn lấn chiếm lòng lề đường không lẽ nào mà làm không được.

Làm sao chữa Làm sao chữa 'căn bệnh nan y' lấn chiếm vỉa hè?

TTO - Câu chuyện vỉa hè đường Phạm Văn Đồng đã tốn không ít giấy mực và công sức của cơ quan quản lý địa phương nhưng "trò chơi đuổi bắt" trên vỉa hè xem ra chưa có hiệu quả.

N.T
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên