15/08/2016 08:01 GMT+7

Đeo kính ban đêm chỉnh độ cận

THÙY DƯƠNG (thuyduong@tuoitre.com.vn)
THÙY DƯƠNG (thuyduong@tuoitre.com.vn)

TTO - Đây là cách một số trẻ bị cận thị đang áp dụng: đeo kính lúc đi ngủ, buổi sáng thức dậy bỏ kính ra và sinh hoạt như trẻ bình thường.

Nhân viên Bệnh viện Mắt TP.HCM tư vấn cho bệnh nhân về việc đeo kính áp tròng vào ban đêm để chỉnh độ cận - Ảnh: THÙY DƯƠNG
Nhân viên Bệnh viện Mắt TP.HCM tư vấn cho bệnh nhân về việc đeo kính áp tròng vào ban đêm để chỉnh độ cận - Ảnh: THÙY DƯƠNG

Tại Bệnh viện Mắt TP.HCM đã có khoảng 100 người áp dụng phương pháp này.

Không tăng thêm độ cận

Thấy con nhìn không rõ, liên tục viết sai chữ, anh H.Q.T. - 36 tuổi, ở Biên Hòa, Đồng Nai - đưa con đi khám mắt thì phát hiện cả hai mắt của con trai anh đều cận 2,25 độ. Con trai anh mới 9 tuổi, hiếu động nhưng luôn phải đeo kính. Sau hơn một tháng, mắt trái con anh lại tăng thành 2,5 độ.

Anh than phiền với bác sĩ con anh nhỏ, hiếu động mà đã phải đeo cặp kính vậy nhìn “bất tiện” quá. Bác sĩ đã giới thiệu cho anh một phương pháp giúp con anh thoải mái hơn, hạn chế tăng độ cận của mắt, đó là đeo kính áp tròng ban đêm để chỉnh độ cận.

Hôm sau, anh T. đưa con đến Bệnh viện Mắt TP.HCM thì nhân viên bệnh viện khẳng định có loại kính áp tròng đeo vào ban đêm, ban ngày trẻ có thể bỏ kính ra và sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên, nhân viên cũng đưa ra những khó khăn trong việc sử dụng loại kính này là cha mẹ phải đưa trẻ đến khám nhiều lần, phải nhỏ nước mắt nhân tạo trong lúc trẻ không đeo kính, giá thành cao hơn kính gọng, phải vệ sinh mắt kính thật kỹ hằng ngày cũng như vệ sinh tay thật kỹ khi lắp kính cho trẻ...

Sau 9 tháng sử dụng, con trai anh T. không tăng thêm độ cận.

Theo anh T., để trẻ đeo loại kính này rất cần sự hợp tác từ phía gia đình.

Dùng nhiều cho trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Thị Diệu Thơ, khoa giác mạc Bệnh viện Mắt TP.HCM, cho biết loại kính chỉnh hình giác mạc (Orthokeratology) dành cho những người không thích đeo kính gọng, không muốn mổ lasik điều trị cận thị hoặc chưa đủ tuổi để mổ (18 tuổi trở lên mới mổ được).

Loại kính này giúp người đeo không phải mang kính ban ngày, sinh hoạt thoải mái và hạn chế sự tăng độ so với kính cận.

Bệnh viện Mắt TP.HCM đang áp dụng loại kính này để chỉnh độ cận cho những người có độ cận từ 6 độ trở xuống và kèm theo độ loạn thị từ 1,75 trở xuống.

Tại Mỹ chỉ áp dụng phương pháp này cho những trường hợp dưới 6 độ cận, nên Bệnh viện Mắt cũng áp dụng theo đúng tiêu chuẩn của Mỹ.

Các bác sĩ sẽ khám mắt trẻ rất kỹ, xem các thông số về mắt để biết có đeo được loại kính này hay không. Sau khi khám mắt, đo bản đồ giác mạc, khúc xạ, dựa vào những thông số này, bác sĩ sẽ lựa kính cho trẻ.

Loại kính được lựa chọn phải có hiệu quả, tức là kính phải đè được giác mạc xuống để chỉnh độ cận.

Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp chỉnh độ cận tạm thời nên trẻ sẽ đeo kính hằng đêm vì khi ngưng đeo kính, giác mạc trở lại hình dáng ban đầu, độ cận trở lại như cũ. Thời gian đeo kính vào ban đêm tối thiểu 8 giờ (mới đủ thời gian ép lên giác mạc).

Phương pháp này khá kén chọn bệnh nhân. Ngoài chi phí giá kính cao, tiền thuốc... trẻ có thể phải đến bệnh viện thử kính nhiều lần vì không phải trường hợp nào thử lần đầu là đạt ngay.

Đêm đầu tiên đeo kính, sáng hôm sau trẻ phải đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lại xem kính có ép đúng giác mạc hay không vì đeo ở tư thế ngồi khác với tư thế nằm.

Nếu kết quả tốt, trẻ sẽ tái khám 1 tuần, 1 tháng, 3 tháng. Khi trẻ hợp với kính trong 3 tháng đầu, phải 6 tháng sau mới cần tái khám. Trẻ dùng loại kính này liên tục trong một năm và sau một năm mới phải thay kính.

Kính được đeo trước khi đi ngủ, sáng ngủ dậy trẻ lấy kính ra, rửa mặt, vệ sinh mắt, sau đó bắt đầu các hoạt động cho một ngày mới. Trong ngày trẻ không phải đeo kính, nhưng phải nhỏ thêm nước mắt nhân tạo để làm tăng dinh dưỡng cho giác mạc.

Loại kính này có thể sử dụng cho mọi độ tuổi, nhưng trẻ dưới 18 tuổi sử dụng nhiều hơn vì đeo kính này sẽ hạn chế tăng độ cận so với kính gọng. Ở Mỹ, trẻ sẽ đeo loại kính này đến 18 tuổi. Sau đó nếu muốn mổ cận thì mổ, còn không sẽ tiếp tục đeo.

Bác sĩ Diệu Thơ cũng lưu ý kính áp tròng đeo sát vào giác mạc nên có khả năng gây tổn thương và nhiễm trùng giác mạc, do đó cần được tư vấn cách vệ sinh kính này cho người nhà và bệnh nhân rất kỹ.

Những người đeo được loại kính chỉnh hình giác mạc phải có giác mạc, tình trạng nhãn cầu và mi mắt bình thường, không mắc một số bệnh lý như bị quặm, viêm giác mạc dị ứng, glôcôm...

THÙY DƯƠNG (thuyduong@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên