Máy bay tiêm kích Su-27 lăn ra đường băng chuẩn bị cất cánh - Ảnh: DUY THANH |
Một tuần trước khi diễn ra ban bay mẫu, chúng tôi đến trung đoàn 925 (sư đoàn 372). Hôm ấy trong buồng tập, các phi công đang chăm chú theo dõi hai phi công 9X trên khoang lái thực hiện bài bay khu vực.
Uy lực Su-27
Thiếu tá Nguyễn Hồng Tuấn (phó tham mưu trưởng trung đoàn) và thiếu tá Nguyễn Hồng Quân (chính trị viên phi đội 1) đang ngồi giám sát bài bay của hai phi công trên màn hình. Để có thể khai thác được những kỹ năng vận hành và kỹ năng bay, các phi công Su-27 phải được huấn luyện thành thục trên buồng tập - hệ thống mô phỏng bay cho riêng máy bay này.
Buồng tập được làm theo kích thước và các thiết bị y như buồng lái tiêm kích Su-27 thật, trang bị rất hiện đại với hệ thống các màn hình hiển thị không gian phía trước máy bay và màn hình hiển thị những thông số, tình hình hoạt động, vũ khí trên máy bay.
Rời buồng lái sau khi thực hiện xong bài bay, hai phi công trẻ nhất trung đoàn: thượng úy 9X Lương Nguyễn Hữu Phước và Nguyễn Anh Tuấn chăm chú lắng nghe phó tham mưu trưởng trung đoàn giảng bình về chất lượng bài bay, chỉ ra những sai sót trong quá trình thực hiện, góp ý những động tác chưa chuẩn, những phương án chưa hợp lý.
Bay buồng tập mô hình là một trong những hoạt động huấn luyện thường xuyên của trung đoàn Su-27 này. Theo thông tin trên website quảng cáo về vũ khí của Nga, Su-27 có tầm hoạt động lớn, trang bị vũ khí hạng nặng và cơ động cực kỳ nhanh nhẹn, linh hoạt. Su-27 được trang bị sáu tên lửa không đối không tầm trung và bốn tên lửa không đối không tầm nhiệt tầm gần. Vận tốc cực đại của nó lên tới 2.500 km/h.
Nhiệm vụ chính của chiến đấu cơ là thực hiện các chuyến bay trong các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không, nhưng cũng có thể thực hiện gần như mọi nhiệm vụ chiến đấu. Xét ở năng lực không chiến quần vòng cự ly gần, động cơ của Su-27 có lực đẩy cùng hệ thống điều khiển bay tiên tiến giúp đạt tốc độ cao hơn cả Su-30 và tầm hoạt động tăng lên tới 4.000km.
Nó được Flight International - tạp chí hàng không hàng đầu thế giới - đánh giá là máy bay chiến đấu tốt nhất thế kỷ 20.
Mặc dù được mua về Việt Nam từ năm 1995, nhưng đến năm 2011 Su-27 mới được chuyển về trung đoàn 925.
Một điều thú vị, tiền thân của trung đoàn 925 không phải là trung đoàn bay chiến đấu, mà là trung đoàn 940 chuyên huấn luyện phi công lái tiêm kích Mig-21 của Trường sĩ quan Không quân (thành lập ngày 21-5-1979). Ngày 10-4-2010, trung đoàn 940 được biên chế về sư đoàn 372 với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vùng trời, vùng biển, hải đảo khu vực miền Trung - Tây nguyên.
Cuối năm 2011, các phi công lái Mig-21 của đơn vị mới được huấn luyện chuyển loại sang lái tiêm kích Su-27.
Nhận nhiệm vụ mới, trung đoàn vừa phải chuyển đổi nền nếp của một đơn vị huấn luyện, đào tạo phi công quân sự sang nền nếp của một đơn vị thực hiện nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu trên loại máy bay Mig-21, vừa cử một bộ phận phi công, nhân viên kỹ thuật tham gia huấn luyện chuyển loại trên máy bay Su-27 ở đơn vị bạn.
Sau một năm được biên chế về sư đoàn 372, trung đoàn đã bàn giao toàn bộ máy bay Mig-21 và tiếp nhận, huấn luyện làm chủ máy bay Su-27. Chỉ năm tháng sau khi huấn luyện, các phi công lái Mig-21 ngày nào giờ đã tham gia được nhiệm vụ trực ban chiến đấu trên tiêm kích Su-27.
Trung đoàn bước vào thực hiện nhiệm vụ trực ban chiến đấu tiêm kích phòng không và sẵn sàng cất cánh bảo vệ chủ quyền không chỉ ở vùng trời trên đất liền, mà còn ở các vùng biển, đảo xa. Gần hai năm tích cực học hỏi, các phi công của 925 đã tự tin làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu ban đêm.
“Giờ bay tích lũy của các phi công trẻ trung bình trên 600 giờ bay, còn phi công nhiều kinh nghiệm đã có khoảng 1.200 giờ bay” - thiếu tá Lê Thái Ất (phó chủ nhiệm chính trị trung đoàn 925) nói.
Từ năm 2011 đến nay, đơn vị liên tục được Quân chủng phòng không - không quân khen thưởng trong phong trào thi đua quyết thắng, ba năm liền (2013, 2014, 2015) được tặng cờ thi đua và có thành tích sáu năm bay an toàn. Hằng năm, đơn vị thường vượt kế hoạch huấn luyện mà quân chủng giao từ 10-15%.
Là một trong hai trung đoàn có vị trí đóng quân xa sư đoàn nhất trong toàn quân chủng, nhưng đơn vị vẫn duy trì chế độ nền nếp rất tốt. Có lẽ đó là lý do trung đoàn 925 được chọn làm nơi thực hiện ban bay mẫu cho toàn quân chủng.
Bố mình cũng là phi công, nên các cuộc nói chuyện của hai bố con thường là về máy bay. Càng gắn bó với máy bay, mình càng thấm thía lời bố dạy. Nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, an toàn tuyệt đối. Su-27 là máy bay chiến đấu hiện đại thế hệ thứ tư có hai động cơ, khó hơn những máy bay mình từng học. Cho nên đòi hỏi phải có sự tự giác, rèn luyện, quyết tâm và đam mê" |
Thượng úy LƯƠNG NGUYỄN HỮU PHƯỚC |
Ở nơi trời và đất thử người
Ở vùng đất này, sự phức tạp của khí hậu cũng là thử thách cho hoạt động huấn luyện bay và cả bản lĩnh con người, không phải từng tháng mà là từng ngày, từng giờ.
Chính ủy trung đoàn 925 Hoàng Xuân Kiên cho biết: “Khí hậu biến đổi khó lường nên gây khó khăn trong hoạt động bay. Ban ngày nắng nóng, đầu giờ chiều có thể kéo dông, lốc, mưa. Khi nắng, nhiệt độ ngoài sân bay có lúc lên đến 45 - 470C. Điều đặc biệt ở đây là nhiệt độ tăng rất nhanh. Khi nhiệt độ vượt quá giới hạn cho phép phải dừng ban bay để bảo đảm an toàn. Nắng nóng quá máy móc cũng “bị bệnh”.
Cho nên trong phòng giao nhiệm vụ bay luôn có một nhiệt kế theo dõi nhiệt độ nhằm kịp thời điều chỉnh hoạt động bay huấn luyện. Không chỉ vậy, xung quanh đơn vị núi cao rất nhiều. Ngoài bay rừng núi, đơn vị còn bay biển xa. Địa hình cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động huấn luyện bay của đơn vị”.
Một điều bất ngờ nữa ở trung đoàn 925 là độ tuổi của các phi công. Thế hệ 8X, 9X là phi công chiếm đến 60%. Ngay cả thành phần ban chỉ huy, cán bộ cơ quan cũng là những người có độ tuổi rất trẻ. Sự tiếp nối thế hệ ở trung đoàn 925 đã tạo nên những con người mang tinh thần mới, sức sống mới cho trung đoàn bay chiến đấu này.
Điển hình như thượng úy Lương Nguyễn Hữu Phước. 26 tuổi, Phước đã có 230 giờ bay tích lũy. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan Không quân, Phước có hai năm ở trung đoàn 927 học lái máy bay cường kích Su-22, đến tháng 6-2015 chuyển về đây học lái máy bay tiêm kích Su-27.
Ba của Phước cũng từng là phi công giáo viên dạy lái Mig-21, sau lái Su-27 và hiện là tham mưu phó sư đoàn 372. Phước chia sẻ: “Mình là thế hệ thứ ba trong nhà theo quân ngũ. Ước mơ bay lên bầu trời ngấm vào máu mình từ bé. Được cất cánh lên bầu trời sướng lắm. Nghề bay chiến đấu nhiều vất vả nhưng mình rất yêu, sẽ biến cái khó trở nên dễ hơn”.
* Trung tá Hoàng Xuân Kiên (chính ủy trung đoàn 925): Vinh dự và trách nhiệm Đây là hoạt động thực tiễn tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm. Với hoạt động bay, bình thường đã phải là chuẩn rồi. Nhưng bây giờ là “chuẩn của chuẩn”. Đơn vị sẽ làm mẫu cho các đơn vị bạn về quy trình, công tác tổ chức một ban bay, tất cả các giai đoạn, các thành phần: từ khi nhận chỉ thị bay tuần đến kết thúc ban bay, tuần bay. Đơn vị được Bộ tư lệnh, quân chủng lựa chọn để tổ chức ban bay thử cho các đơn vị bạn học tập. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm. Chúng tôi phải làm mẫu sao để đơn vị bạn thấy có cái gì đó hay đáng để học. Từ đầu tháng 9, khi Bộ tư lệnh có ý tưởng, đơn vị đã tập trung mọi công tác chuẩn bị mẫu, cả về rèn luyện kỷ luật xây dựng nề nếp chính quy, quy trình tổ chức một ban bay, một tuần bay... Tất cả phải chuẩn mực từ động tác của người chỉ huy đến chiến sĩ canh gác ở các vị trí... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận