24/07/2011 04:44 GMT+7

Đến cà phê kịch... xem tranh!

MINH TRANG
MINH TRANG

TT - Một sáng cuối tuần đang tìm cách trốn khỏi cái nóng của Sài Gòn bỗng nhận được lời mời đầy... hấp dẫn: “Đi chơi không, ở Bệt thôi!”. Đến nơi, tìm một chỗ ngồi mát mẻ, nhâm nhi ly cà phê sóng sánh kem mịn và bắt đầu một cuộc dạo chơi.

QIFBfaxM.jpgPhóng to
Phơi váy - tranh màu nước của Trần Thanh Cảnh

Kể cũng lạ, bởi Bệt từ lâu đã gắn bó với “thương hiệu” cà phê kịch. Vậy mà lần này đến Bệt, khoảng không gian rộng rãi vốn dành cho sân khấu ấy đã được thay thế bằng một bức tranh thiếu nữ bên hoa đầy duyên dáng! “Hướng dẫn viên” của chuyến du lịch là họa sĩ trẻ Trần Thanh Cảnh. Anh đến sớm hơn tất thảy, vừa cặm cụi cắm hoa vào chiếc bình gốm màu sắc hơi kỳ lạ, vừa kể với ánh mắt đầy tự hào: “Gốm này mua ở Bàu Trúc đấy, để chuẩn bị cho đợt treo tranh này, tôi đã quay lại Bàu Trúc. Tôi từng có một khoảng thời gian sống cạnh những lò làm gốm kiểu này”.

Và những ký ức về một làng gốm thủ công, nơi mỗi chiếc bình nung ra lại được khoác một tấm áo khác nhau, nơi luôn nhộn nhịp bởi tiếng bước chân của người thợ chạy quanh bàn xoay (chứ không phải bàn xoay tự động) đã có thể hình dung được phần nào qua các ký họa Nắng trong làng gốm, Sân gốm đặt cạnh bên.

Bước qua cái nắng tươi giòn của sân phơi gốm, chỉ vài bước chân ngắn ngủi “du khách” đã bị “thổi bay” lên vùng rẻo cao với những chiếc váy hoa sặc sỡ rất đặc trưng vắt hờ trên cây phơi ngay tại quán.

Chỉ lên ba bức tranh trên tường, “hướng dẫn viên” Trần Thanh Cảnh mỉm cười: “Đây là hai bức Phơi váy 1 và 2, bức Thung lũng mận tam hoa... Tôi vẽ chúng khi đến vùng Bắc Hà, Lào Cai. Một vẻ đẹp thiên nhiên hiếm có”. Lại bước vài bước chân, nhấp vài ngụm cà phê, “vù” một cái đã đến Sóc Trăng ngắm nghía Hồ sau chùa Fonoroka và lắng nghe những lát cắt hoài niệm từ Cảnh: “Một miền đậm văn hóa Khmer. Nhớ vị tanh ngọt của những bát canh cá, cua đồng sau một đêm đi soi của những đứa em và nhớ vị thanh bùi của quả hồng nhung góc chùa mà sư để dành!”.

Cứ như thế, chuyến du lịch kỳ lạ của khách cứ xuôi ngược qua khắp các vùng miền, nơi Cảnh đã từng đến và đi. Nó cũng kỳ lạ như chính cuộc treo tranh lần này của anh: không có ngày mở đầu và cũng chẳng có ngày kết thúc. Đằng sau mỗi bức tranh là một câu chuyện, có thể là ký ức về một vùng đất đã qua, hay một cô bạn đặc biệt có mái tóc dài chấm gót...

Mười năm theo nghiệp cầm cọ, chàng trai đã đi nhiều, thấy nhiều và yêu nhiều, nhưng đến khi muốn làm một cái gì đó của riêng mình, anh lại chọn một cuộc treo tranh giản dị tại một quán cà phê nhỏ. Anh bảo mục đích cuối cùng của mình là nuôi niềm tin vào số đông công chúng mai đây sẽ chủ động hơn với mỹ thuật.

Không hàn lâm, không chuyên gia thẩm định, không chỉ treo trang trí cho đẹp, cuộc treo tranh ấy khởi đầu cho những câu chuyện nhẹ nhõm quanh ly cà phê vào những sáng cuối tuần đẹp trời, như sáng nay chẳng hạn...

Sinh năm 1983, Trần Thanh Cảnh từng có hàng loạt triển lãm lớn và nhỏ, chung và riêng, trong nước và quốc tế như triển lãm cá nhân tại Vân Art Gallery năm 2009, triển lãm luân phiên tại các bảo tàng ở TP Melbourne (Úc) năm 2008, triển lãm biennale Mỹ thuật trẻ lần I tại TP.HCM năm 2010...

Khi được hỏi: Có 25 bức tranh mà cứ bắt khách xem đi xem lại mãi sao, chàng trai 8X hóm hỉnh: “Không đâu, khi khách đủ chán tôi lại gỡ xuống treo những bức khác lên để chia sẻ với mọi người. Vậy nên cuộc treo tranh này của tôi mới không có mở đầu và kết thúc chứ, phải không?”.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên