Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) - Ảnh: Trường Trung |
41/44 hộ dân này đều ở thôn Phong Thử 1, 2, 3, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn. Theo các hộ dân, họ không đồng ý nhận tiền đền bù là do chính quyền áp theo khung giá của Luật đất đai cũ (năm 2003) mà không cập nhật theo Luật đất đai 2013, dù thời điểm thu hồi đất là tháng 7-2015.
“Nhà tôi buôn lúa gạo, thức ăn gia súc chứa đầy kho, nhân khẩu đến chín người mà tính toán hỗ trợ chi phí thuê nhà chỉ 6 triệu đồng. Tôi tính chỉ riêng tiền thuê người khuân vác hàng hóa vào kho mới cũng không đủ, nói gì tới chuyện thuê kho bãi nhiều tháng liền chờ làm nhà |
Ông Nguyễn Đình Thành |
Tiền đền bù không đủ làm nhà
Để phục vụ dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tháng 7-2015 thị xã Điện Bàn đã ra quyết định thu hồi nhà cửa, giải tỏa trắng với 13 hộ dân trên tuyến đường DT609 qua thôn Phong Thử 1.
Gia đình bà Phan Thị Ý bị thu hồi 270m2 đất ở và vật kiến trúc trên đất với giá trị đền bù cho phần đất là 86 triệu đồng và phần nhà cửa, vật kiến trúc là 198 triệu đồng.
Theo đó, sau khi thu hồi, thị xã xây khu tái định cư tại chỗ trên đường DT609 để thực hiện “đất đổi đất” cho các hộ dân nên hộ bà Ý chỉ nhận được 198 triệu đồng tiền đền bù nhà ở và vật kiến trúc.
Dù chính quyền nhiều lần vận động di dời để sớm bàn giao mặt bằng cho dự án, nhưng gia đình bà Ý cho rằng số tiền đền bù là quá thấp nên vẫn chưa đi.
Dẫn chúng tôi đi xem căn nhà rộng hơn 120m2 có đổ sàn bêtông cốt thép, bà Ý nói: “Nhà như vầy mà đền 198 triệu thì sao đủ làm lại. Tôi tính chỉ riêng tiền công đã tốn 80 triệu đồng rồi, vậy còn hơn 100 triệu làm sao đủ mua vật liệu, trang trí nội thất mà làm nhà?
Và điều chúng tôi băn khoăn là quyết định thu hồi đất của thị xã ra tháng 7-2015 lại áp giá theo các quyết định cũ của tỉnh.
Trong khi đó từ tháng 12-2014, tỉnh Quảng Nam đã có quyết định số 44 ban hành về đơn giá xây dựng kèm theo Luật đất đai năm 2013. Xem quyết định số 44, chúng tôi thấy chênh lệch giá cao hơn rất nhiều so với khung giá áp dụng đền bù cho chúng tôi”.
Ngoài lý do số tiền đền bù không đủ làm lại nhà, nhiều hộ dân còn cho rằng việc kiểm đếm chưa tính toán hết được khối lượng vật kiến trúc, chưa có phương án hỗ trợ di dời đối với các hộ đang kinh doanh.
Hộ ông Nguyễn Đình Thành (thôn Phong Thử 1) được đền đất đổi đất với diện tích 282m2, còn lại tổng số tiền được nhận là 345 triệu đồng. Theo ông Thành, số tiền đền bù chẳng những không đủ xây nhà mà còn chưa tính toán đến việc di dời kho bãi.
Do làm tái định cư chậm, giao thời luật
Ông Phan Minh Dũng, phó chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, cho biết 41 hộ dân nói trên rơi vào trường hợp đặc biệt vì giao thời giữa việc áp dụng Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013.
“Khi dự án triển khai, chúng tôi bắt đầu thu hồi đất vào năm 2013 nên hai khu tái định cư khác trên địa bàn đã xong đâu vào đấy. Riêng khu Phong Thử do làm khu tái định cư chậm nên vừa qua làm xong mới bắt đầu ra quyết định thu hồi đất.
Việc áp dụng Luật đất đai 2003 cùng những quyết định kèm theo do tỉnh Quảng Nam ban hành để đền bù cho các hộ dân là theo tinh thần của tỉnh chỉ đạo, bởi trong cùng một dự án mình không thể áp dụng hai khung giá khác nhau, vì như thế những người đã nhận đền bù và tái định cư trước sẽ phản ứng” - ông Dũng nói.
Tuy nhiên theo ông Dũng, tỉnh Quảng Nam đã dùng bài toán trượt giá để giải quyết cho các hộ dân nói trên. Cụ thể, tỉnh đã có quyết định về hỗ trợ trượt giá 35% đối với đơn giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc cho các hộ dân này.
Theo phân tích của ông Dũng, không có sự thay đổi nhiều về giá trị đền bù khi áp dụng hai khung luật nói trên, bởi cách đền bù mà thị xã áp dụng cho người dân có lợi hơn ở việc an sinh, như bố trí tái định cư kiểu đất đổi đất và đền bù giá lúa cao.
Còn khung mới thì đền bù giá vật kiến trúc và nhà ở có cao hơn nhưng người dân phải mua đất tái định cư theo giá thị trường.
“Về việc áp dụng khung giá, chúng tôi sẽ tổ chức đối thoại với người dân trong những ngày tới để họ hiểu rõ.
Còn chuyện người dân phản ảnh về việc chưa kiểm đếm hết khối lượng vật kiến trúc, hoặc những trường hợp cá biệt đang kinh doanh chưa được hỗ trợ di dời hợp lý, người dân có thể làm đơn, tôi sẽ trực tiếp kiểm tra lại để bà con an tâm di dời.
Thực tế khi đi vào áp dụng luật có nhiều phát sinh khó tránh khỏi, bà con cứ phản ảnh, chúng tôi sẽ xem xét theo hướng có lợi nhất trong khung luật cho phép” - ông Dũng nói.
Đề nghị hỗ trợ tiền xây chợ cho khu tái định cư Liên quan đến trường hợp 44 hộ dân nói trên, vừa qua UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định điều chỉnh hỗ trợ trượt giá tăng thêm 6% đơn giá nhà cửa, vật kiến trúc cho người dân. Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC), ông Đinh Văn Thu - chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã đề nghị VEC hỗ trợ 10 tỉ đồng để xây chợ Phong Thử ở khu tái định cư của các hộ dân nhằm đảm bảo bà con có nơi ở mới tốt hơn chỗ cũ. l Theo báo cáo của VEC với Bộ Giao thông vận tải, toàn tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đã bàn giao được 129,95km mặt bằng (đạt 93,4%). Về tiến độ xây dựng dự án, các nhà thầu triển khai đạt giá trị sản lượng hơn 5.590 tỉ đồng, đạt 31,5% tổng giá trị xây lắp. Riêng đường tuyến cao tốc đi qua Quảng Nam dài 91,25km, đã giải phóng mặt bằng và bàn giao cho chủ đầu tư hơn 85km (đạt gần 94%). Ông Đinh Văn Thu cho biết tuyến đường cao tốc đi qua tỉnh với lộ trình dài nên việc giải phóng mặt bằng vướng nhiều thứ. Trong đó, khó khăn nhất là tái định cư cho người dân. Tuy nhiên theo ông Thu, tỉnh đang cố gắng từ nay đến cuối năm phải hoàn thành mặt bằng “sạch” cho dự án. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận