Các học sinh nghe giới thiệu chiếc ghế ép bánh hỏi tại triển lãm
Đây cũng là hoạt động chào mừng Ngày thống nhất đất nước 30-4 và kỷ niệm 37 năm ngày thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (29-4-1985), đồng thời giới thiệu không gian trưng bày mới của bảo tàng. Ở đó, ý tưởng về bộ sưu tập nông cụ được Bảo tàng Phụ nữ bắt tay thực hiện từ nhiều năm trước, nay có dịp "kể câu chuyện của mình".
Đằng sau những nông cụ là hình ảnh người phụ nữ tảo tần - một phần của đời sống nông thôn miền Nam tính từ Tây Nguyên xuống đến các vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Những chiếc phảng dùng khi phát cỏ dọn bờ có mặt trong đời sống người dân miền Nam từ thuở khai hoang mở đất, nay hiện diện tại bảo tàng như một "chứng nhân" có tuổi đời thâm niên nhất trong đời sống lao động.
Có những dụng cụ đến nay không còn "đất sống" nữa do lẽ thời cuộc đã đổi thay, như chiếc vòng hái vốn xưa kia dùng để gặt lúa mùa - loại lúa thân cao thường bị gió thổi ngã rạp. Nay loại lúa này không còn, nên chiếc vòng hái cũng lui vào làm... hiện vật ở bảo tàng.
Triển lãm được sắp xếp theo các tuyến nội dung: Dụng cụ lao động truyền thống, dụng cụ đánh bắt, đồ dùng trong sinh hoạt sản xuất, dụng cụ làm bánh và chế biến thực phẩm...
Tại buổi khai mạc, một nhóm học sinh THCS thích thú nghe giới thiệu về các loại khuôn bánh, chiếc ghế ép bánh hỏi, dụng cụ ép bún, và các loại gùi, giỏ đựng hạt giống, giỏ đi rừng, cặp nừng dùng để đi ăn ong hoặc cất giữ các thực phẩm khô...
Dụng cụ cỡ lớn trong chuyên đề trưng bày lần này có chiếc cày truyền thống loại bắt ách cho 2 con bò kéo, và chiếc cối xay đóng bằng tre với giằng xay bằng gỗ đã từ lâu vắng bóng trong đời sống nông thôn...
Và thật thú vị khi tại một phòng triển lãm giữa Sài Gòn lại được thực mục sở thị chiếc mỏ đuổi chim và chiếc bẫy thú với cần bật cỡ nhỏ của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên. Bên cạnh đó là chiếc áo mưa loại đan bằng nan tre trát dầu rái cũng từ lâu không còn thấy ai "cùng em khoác chiếc áo tơi ra đồng" như lời nhạc của An Thuyên.
Không chỉ ẩn chứa đằng sau mỗi nông cụ là câu chuyện về người lao động làm chủ sở hữu, bản thân mỗi loại nông cụ còn phản ánh trí tuệ nông dân, phong cách sản xuất theo vùng miền và kinh nghiệm được lưu giữ truyền dạy qua nhiều đời..., trong đó, người phụ nữ giữ vai trò then chốt và là hình ảnh thật đáng trân trọng.
Giới thiệu các dụng cụ đánh bắt
Một số dụng cụ đang trưng bày:
Cặp phảng phát cỏ (bìa phải)
Ghế ép bánh hỏi
Cặp nừng và nón lá trưng bày cùng với ảnh tư liệu
Những chiếc giỏ của đồng bào Tây Nguyên đeo đi hái lúa rẫy, bên trên là 2 chiếc nọc cấy
Chiếc cối xay truyền thống đan bằng tre
Chiếc mỏ đuổi chim của đồng bào Tây Nguyên
Chiếc bẫy thú cỡ nhỏ
Gàu dai
Gàu sòng
Chiếc cày với ách đôi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận