Mình nói chuyện Mình diễn ra tại sân khấu thực nghiệm của Trường Múa TP.HCM. Sau khi vở diễn kết thúc, khán giả đứng lên vỗ tay không ngớt tán thưởng cho sự thăng hoa đầy cảm xúc của các nghệ sĩ.
Nói "chuyện mình" mà như nói chuyện người
Mình nói chuyện Mình chỉ có năm nhân vật. Mà chẳng có nhân vật nào có tên, người ta chỉ nương theo câu chuyện rồi gọi tên nhân vật một cách đại khái. NSND Kim Xuân là Người đàn bà hồi xuân, Hồng Ánh là Người đam mê vật chất, Quang Thảo là Diễn giả - doanh nhân thành đạt, Huỳnh Ly là Ngọc nữ mê livestream.
Còn Đoàn Khoa không chỉ là tác giả, đạo diễn mà lần đầu tiên thử thách mình ở vai trò diễn viên với nhân vật rất lạ - Cây đèn đường. Trên một sân khấu tối giản, chỉ có những chiếc ghế,
Cây đèn di chuyển đến từng nhân vật khi họ nói "chuyện mình", tạo cảm giác những ánh sáng nhập nhoạng soi chiếu vào những phận đời, phận người trong thế giới xô bồ. Mỗi người đều có nỗi niềm riêng.
Người nào, ở độ tuổi nào, địa vị nào trong số họ rốt cuộc cũng cảm thấy trống rỗng, phải gồng lên để mang vác những gánh nặng của đời mình. Các nhân vật nói "chuyện mình" nhưng hóa ra cũng là nói chuyện... thiên hạ vì dường như những nhân dạng đó thấp thoáng, trà trộn khắp nơi trong xã hội này.
Những người muốn vượt qua "vùng an toàn"
Vấn đề đặt ra trong vở không mới. Nhưng cách dàn dựng và nội lực của tất cả nghệ sĩ đã khiến suốt một tiếng rưỡi khán giả không thể rời mắt khỏi sân khấu.
Kim Xuân, Hồng Ánh, Quang Thảo đã khắc họa nhân vật của mình bằng những độc thoại riêng, lối diễn gián cách hết sức thú vị trong từng loại thoại, xử lý nội tâm. Huỳnh Ly hơi yếu hơn đàn anh đàn chị nhưng cũng góp phần đem lại gam màu trẻ cho vở.
Đoàn Khoa với tạo hình nhân vật do chính anh xây dựng trong bộ đồ đen tuyền, gương mặt trắng lặng lẽ là người kết nối các nhân vật tưởng chừng như chẳng liên quan nhau.
Hồng Ánh chia sẻ chữ "thể nghiệm" có vẻ là rào cản với khán giả vì đây là thể loại kén người xem.
Tuy nhiên, vốn là người có kinh nghiệm tham gia các dự án kịch mang tính chất thể nghiệm trước đây như Sơn Ca, Biết thì nói không thì bói, Ai là hung thủ?..., Hồng Ánh cho rằng ban đầu cô lạ lẫm nhưng đóng riết thì thấy thích.
Bởi kịch thể nghiệm giúp cô khám phá bản thân mình, vượt qua được giới hạn an toàn để hướng tới những sáng tạo mới.
Bởi thế, dù biết làm kịch thể nghiệm trong thời điểm sân khấu thành phố quen thuộc với dạng kịch sinh hoạt là liều lĩnh, nhưng Hồng Ánh vẫn quyết định lần đầu tiên làm nhà sản xuất dự án kịch thể nghiệm Mình nói chuyện Mình.
Hồng Ánh cho biết chắc là may mắn vì cô biết Đoàn Khoa làm dự án nào cũng tạo được dấu ấn, nên với Mình nói chuyện Mình, cô nghĩ điều khiến Đoàn Khoa gật đầu chính là chữ "thể nghiệm", nghĩa là anh cũng mong muốn một điều gì đặc biệt, khác lạ khi trở lại.
Nghệ sĩ Kim Xuân cho biết tham gia vở diễn chị cảm thấy hạnh phúc vì được làm việc với những người thân thiết và giỏi nghề.
"Đoàn Khoa không phải giỏi như xưa mà còn giỏi hơn xưa nữa. Bởi vậy, dù tập vở rất cực nhưng ai cũng thấy sung sướng vì được làm những điều mới mẻ, tất cả sự cộng hưởng ấy tạo cho chúng tôi sự bùng nổ như pháo hoa trong vở diễn", Kim Xuân vui vẻ nói.
Với Mình nói chuyện Mình, đạo diễn Đoàn Khoa đã tính toán nhiều phương án có thể diễn sân khấu hộp, hội trường, nhà kho, giao lưu sinh viên... để kéo dài nhiều suất diễn.
Sau đêm ra mắt tối 10-8, vở diễn thêm hai ngày 11 và 12-8, mỗi ngày hai suất tại Trường Múa TP.HCM.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận