13/05/2016 12:56 GMT+7

Đêm nay ai đăng quang ​Vietnam’s Got Talent?

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - Chung kết xếp hạng của Vietnam’s Got Talent diễn ra vào 21g15 ngày 13-5 trên VTV3.

Hai thí sinh Trung Lương - Thi Kiều với biệt tài chơi nhạc cụ - Ảnh Quang Định
Hai thí sinh Trung Lương - Thi Kiều với biệt tài chơi nhạc cụ - Ảnh: Quang Định

Giám khảo kì cựu của chương trình trong bốn mùa lên sóng - nhạc sĩ Huy Tuấn - cho rằng đây là “năm được mùa tài năng Việt” với những màn trình diễn công phu về dàn dựng, đa dạng về tài năng.  

Nhóm tài năng hát có những ứng viên nặng kí như bé Quỳnh Anh đến từ Hà Tĩnh với chất giọng cực kì chín mùi, ngọt ngào dù em mới chỉ 12 tuổi. Nhóm nhảy đèn led 218 ngoài sự sôi động thường thấy còn có sự đầu tư bài bản về câu chuyện, khi muốn mang hình ảnh và bản sắc Việt Nam đi xa.

Nhóm ảo thuật đường phố với đại diện là hai anh em Văn Lam - Đức Lợi khiến người xem vừa cười vừa khóc bởi lối dẫn dắt hài hước và câu chuyện của người anh trai cố gắng tìm cách đưa đứa em tật nguyền hòa nhập vào cuộc sống thông qua ảo thuật.

Ấn tượng hơn cả là những tài năng chơi nhạc cụ với những “mầm xanh” đáng mong chờ. Trọng Nhân - tay trống nhí làm “điên đảo” nhiều khán giả sau mỗi phần trình diễn của mình - “bật mí” trước đêm chung kết rằng: “Con sẽ chơi cho đã và không lo lắng gì hết!”.

Tay trống kì cựu Vũ Quốc Bình của ban nhạc Anh Em đánh giá Trọng Nhân "là một thần đồng âm nhạc! Trọng Nhân bắt đầu chơi trống từ năm 7 tuổi và học hoàn toàn bằng cách copy từ trên mạng. Nhân chơi được các kĩ thuật khó”.

Trọng Nhân - Ảnh tư liệu.

Các sinh viên không chuyên đến từ ĐH Yersin Đà Lạt cũng thuyết phục người xem bằng tài múa bóng độc đáo. Là một nhóm nhỏ gồm 13 thành viên trẻ măng trong độ tuổi từ 18-22, các sinh viên chưa hề được học múa, học diễn xuất này đã tề tựu cùng nhau để lập ra một nhóm múa bóng với kĩ thuật học được từ những clip của nước ngoài.

Đỗ Loan - một thành viên trong nhóm, cũng là cô giáo dàn dựng của nhóm - chia sẻ: “Từ những đạo cụ rất đơn sơ, rẻ tiền như vải, hay giấy roky, chúng tôi tự sắp xếp, dàn dựng, chọn đề tài và muốn gửi đi những thông điệp có ý nghĩa sau mỗi màn trình diễn. Trung bình để có một vài phút trên sân khấu, nhóm phải mất một tháng để tập luyện và lên ý tưởng”.

Không quên Thi Kiều - cô gái vừa thổi saxophone vừa hát và trình diễn đầy lôi cuốn trên sân khấu và Trung Lương - chàng trai 19 tuổi đang theo học khoa nhạc cụ dân tộc tại Nhạc viện Hà Nội kết hợp giữa âm thanh của đàn nguyệt và dòng nhạc điện tử thời thượng EDM, là hai biệt tài chơi nhạc cụ khác.

Nhạc sĩ Đức Trí, giám đốc âm nhạc chương trình - cho biết: “Khả năng trình diễn của các bạn ở ngưỡng cửa của sự bắt đầu nhưng tiềm năng để vươn xa là vô cùng cao. 

Có lẽ khi khoác lên mình cái áo hơi rộng từ tên gọi của chương trình là Tìm kiếm tài năng Việt Nam mà Vietnam’s Got Talent nhiều mùa qua luôn gặp phải những ý kiến trái chiều từ khán giả, khi cho rằng tài năng đâu chẳng thấy, nếu có chỉ là tài lẻ!

Dưới góc độ cá nhân, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng: “Nếu các bạn không đào bới trong lòng đất từ những viên ngọc thô thì khi nào mới có những viên kim cương lấp lánh?

Tôi nghĩ từ những thứ tài lẻ, năng khiếu bẩm sinh do ông trời ban cho thì sự mài dũa, học hỏi và lao động cật lực cùng với một môi trường lý tưởng để phát triển, chúng ta mới có được những tài năng thực thụ.

Phải thẳng thắn mà nhìn nhận thì những môi trường như thế chúng ta còn quá thiếu cho những người có tài có thể phát huy. Từ cách giảng dạy ​về các môn nghệ thuật ​trong trường học​ phổ thông​ cho đến những sân chơi để họ thể hiện chính mình, đều hạn hẹp.

Ngay đến thái độ nhút nhát, không dám thể hiện cái tôi của hầu hết chúng ta khi đứng trước một đám đông cũng vậy”.

*Xem clip Múa bóng tuyệt đẹp tại Vietnam's Got Talent

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên