Đêm "Nam Nhi" Ngô Hồng Quang (áo dài trắng) biểu diễn cùng beatboxer Trung Bảo (giữa) cùng ngũ tấu đàn dây - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đêm Nam nhi mở ra với phần độc tấu đàn tính mang tên Tình đàn của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang. Với ngón đàn điêu luyện, ngay từ lúc mở màn Ngô Hồng Quang đã dễ dàng dẫn dắt khán giả vào thế giới âm nhạc của anh.
Khi Quang trình diễn hết một nửa tác phẩm, beatboxer Trung Bảo xuất hiện sau mành tre, góp giọng hòa tấu với đàn tính. Màn trình diễn của hai nghệ sĩ ngay lập tức cuốn hút khán giả, phá vỡ sự nghi ngại beatbox khó hòa quện với dân ca.
Sự phối hợp có tính toán, nhưng vẫn dành đất cho ngẫu hứng của hai thứ âm nhạc tưởng như trái ngược: beatbox (hiện đại, nặng tính tiết tấu, và kích động) với quan họ (dân gian, đầy chất trữ tình, mềm mại) đã tạo nên một trải nghiệm "vượt biên" cho khán giả.
Ngô Hồng Quang rất giỏi khi anh vẫn giữ được chất của quan họ, xẩm, dân ca Mông. Mặt khác anh cải biến âm nhạc truyền thống bằng cách tìm những khoảng hở của âm nhạc dân gian để cho beatbox len vào.
Ngô Hồng Quang "phiêu" cùng cây đàn tính - Ảnh: HUY THÔNG
Sự phối ngẫu của những thanh âm này đã tạo nên một thứ âm nhạc "lai" lạ lùng, vừa khơi gợi ký ức của khán giả về âm nhạc truyền thống. Mặt khác thách thức, trêu ghẹo khán giả bằng tiết tấu, lôi họ ra khỏi thói quen thưởng thức thông thường.
Đêm Nam Nhi của Ngô Hồng Quang và Trung Bảo gồm 11 tác phẩm, chia thành hai phần. Phần một rất sôi động với tác phẩm Tình đàn; Đi tìm, Mục hạ vô nhân, Về đồi non.
Ngô Hồng Quang là một nghệ sĩ đa tài hiếm có. Anh không chỉ là một nhạc sĩ có khả năng sáng tác, phối khí, biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân gian độc đáo, mà còn là một ca sĩ, một nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp.
Trong phần một, Ngô Hồng Quang chơi đàn tính, đàn nhị, đàn môi, chiêng dây (một nhạc cụ hình tròn gồm 13 dây, có gắn chì, mô phỏng cái chiêng) đưa khán giả đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác.
Beatboxer Trung Bảo đã đem lại sắc thái hiện đại cho đêm "Nam Nhi" - Ảnh: HUY THÔNG
Giọng hát của Ngô Hồng Quang cũng được tính là một loại nhạc cụ. Sau nhiều năm rèn luyện, giọng hát của Quang như một dòng suối sau nhiều ngày tháng len lỏi trong vùng đất hẹp đã tìm đường hòa vào biển khơi, mang theo hơi thở tràn ngập tự do.
Mỗi lần Quang "phiêu", khán giả không có cách nào khác là im lặng đắm chìm trong những thanh âm kì lạ và trả lại anh những tràng pháo tay không dứt.
Trong mỗi tác phẩm, Ngô Hồng Quang đều dành ra thời lượng nhất định để beatbox đối thoại với dân ca Việt Nam.
Ngô Hồng Quang dùng kèn môi đối thoại với beatboxer Trung Bảo - Ảnh: HUY THÔNG
Sau những phần "song đấu" giữa beatboxer Trung Bảo với đàn nhị, đàn tính, chiêng dây của Ngô Hồng Quang thường là những tràng pháo tay tán thưởng, những tiếng hú đầy phấn khích của khán giả.
Phần hai giới thiệu những ca khúc trong album mới nhất của Ngô Hồng Quang. Album Nam nhi là album Quan họ cổ trình diễn cùng Ngũ tấu đàn dây, với cách hòa âm phối khí độc đáo.
Ngô Hồng Quang đã chọn Ngồi tựa mạn thuyền, Lên tiên cung, Đêm qua nhớ bạn, Mười nhớ trong album Nam nhi để chiêu đãi khán giả Hà Nội.
Vẫn giữ lối luyến láy đặc trưng của Quan họ, nhưng hát trên nền hòa âm phối khí hoàn toàn mới, Ngô Hồng Quang dễ dàng tiếp cận với khán giả ngày nay hơn.
Những lời ca tha thiết yêu đương, khát khao hạnh phúc của Quan họ cổ vì thế vẫn có thể chạm đến những ngóc ngách tâm hồn sâu kín của người nghe hiện đại, nhắc họ nhớ âm nhạc dân tộc đẹp đẽ, tinh tế đến nhường nào.
Trong phần trình diễn Quan họ với ngũ tấu đàn dây, Ngô Hồng Quang đều dành thời lượng để beatboxer Trung Bảo đối thoại với violin, viola, đàn nhị. Những phần solo này phấn khích không thua kém phần solo trống trong các đêm nhạc hiện đại.
Đêm nhạc hài hước với "đốt đèn đi đãi đỗ"
Phần cuối của chương trình, các nghệ sĩ đem đến một cảm xúc hiếm có đối với âm nhạc, đó là tính hài hước.
Để cảm ơn hai chú chim họa mi hót véo von suốt ba ngày Ngô Hồng Quang cùng nghệ sĩ Nguyên Lê đi điền dã tại Hà Giang, Ngô Hồng Quang đã viết tác phẩm Chim họa mi.
Tác phẩm này anh viết cho đàn nhị và ngũ tấu đàn dây, kết hợp thêm beatbox. Khán giả đã rất bất ngờ khi cây đàn nhị có khả năng mô phỏng tiếng chim thánh thót.
Beatboxer Trung Bảo (trái) và nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - Ảnh: HUY THÔNG
Phần phấn khích nhất của tác phẩm là lúc Ngô Hồng Quang dùng nhị "hót" cùng với violin, lúc thì quay sang "hót" cùng cello tạo ấn tượng như hai chú chim vui tươi đang hót véo von trong vườn.
Phần trình diễn này đã khiến rất nhiều khán giả mở to mắt, trầm trồ, lắc lư người theo giai điệu và cười tươi.
Tác phẩm cuối cùng đã tặng khán giả tràng cười sảng khoái. Beatboxer Trung Bảo nhận thấy âm Đ là âm rất đặc biệt trong tiếng Việt, đã viết ca khúc Đom đóm đen. Ca khúc này đã tận dụng những vần thơ vui toàn chữ Đ: "Đêm đông đốt đèn đi đãi đỗ đen".
Tam tấu Ngô Hồng Quang cùng beatboxer Trung Bảo và violin Thiện Minh thể hiện tác phẩm "Đom đóm đen" đã làm khán giả không thể ngừng nhảy nhót và cười vui cùng họ - Ảnh: NGỌC DIỆP
Đêm nhạc kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội. Phần lớn khán giả cảm thấy thực sự mãn nguyện.
Ngô Hồng Quang tốt nghiệp Khoa Nhạc cụ truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, biết chơi rất nhiều nhạc cụ dân tộc. Không chỉ có thế, Quang còn là một người có giọng hát trời phú. Tháng 6-2016, Quang hoàn thành bằng thạc sĩ tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Hà Lan, chuyên ngành sáng tác âm nhạc đương đại.
Du học đã mở ra cho Quang cơ hội trở thành một nghệ sĩ quốc tế. Anh hiện đang hoạt động như một nghệ sĩ độc lập ở châu Âu và thường xuyên tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nghệ sĩ gốc Việt và trở về nước trình diễn.
Năm 2016 anh đã kết hợp với nghệ sĩ múa đương đại Vũ Ngọc Khải thực hiện show Nón. Ở đó Ngô Hồng Quang phối khí toàn bộ tác phẩm, anh hát, chơi nhạc cụ cho Vũ Ngọc Khải múa đương đại.
Năm 2017, Ngô Hồng Quang thực hiện đêm Hanoi Duo với nghệ sĩ guitar Pháp gốc Việt tài năng Nguyên Lê.
Năm 2018, anh quyết định kết hợp với beatboxer Trung Bảo, quán quân giải đấu danh giá World Beatbox Camp 2017 và ngũ tấu đàn dây để thực hiện đêm Nam Nhi tại Hà Nội.
Anh đã ra ba album: Song hành, Hà Nội Duo, Nam Nhi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận