Ngân hàng Nhà nước dự kiến giảm tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% vào năm 2021 hoặc 2022. Ảnh minh hoạ khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đề xuất này được nêu ra tại dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 36 quy định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Theo phương án 1, tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn theo mức 40% chỉ duy trì đến hết ngày 30-6-2020, từ ngày 1-7-2020 đến hết ngày 30-6-2021, tỉ lệ này sẽ giảm xuống mức 35%.
Còn từ ngày 1-7-2021, tỉ lệ tối đa sẽ là 30%.
Nếu theo phương án 2, lộ trình giảm sẽ chia ra thành nhiều giai đoạn, cụ thể sẽ xuống mức 37% từ 1-7-2020 đến hết 30-6-2021, sau đó sẽ về mức 34% từ 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022.
Từ 1-7-2022, tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn sẽ là 30%.
Ngân hàng Nhà nước cho rằng việc giảm tỉ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn hàng năm 5% không tác động lớn đến hoạt động của ngân hàng, và nhu cầu vốn trung, dài hạn của nền kinh tế.
Quy định này cũng đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp không phụ thuộc vào vốn ngân hàng, chủ động tiếp cận các nguồn vốn khác như: Phát hành cổ phiếu tăng vốn, phát hành trái phiếu hay hợp tác thực hiện dự án với các đối tác nước ngoài...
Từ đầu năm 2019, tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn cũng đã giảm từ mức 45% xuống 40%.
Theo đánh giá của các chuyên gia, với việc giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và nâng tỉ lệ rủi ro với các khoản cho vay bất động sản, "van" tín dụng bất động sản ngày càng trở nên hẹp hơn.
Lãi suất với các khoản cho vay bất động sản cũng sẽ nhích lên do cho phí để huy động vốn tăng lên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận