Lương bình quân của 12.000 công nhân Tổng công ty May 10 trong 8 tháng đầu năm 2019 đạt bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng - Ảnh: ĐỨC BÌNH
Trong khi đó, quan điểm của cơ quan soạn thảo Bộ luật lao động sửa đổi (Bộ LĐ-TB&XH) và Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) là giữ nguyên giờ làm việc tuần là 48 giờ...
Việt Nam có ngày nghỉ thấp nhất thế giới?
Trao đổi với báo chí chiều 17-9, ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) - cho biết Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ VN trong tuần qua đã họp và thống nhất sẽ đề xuất tăng thêm không chỉ 1 ngày nghỉ lễ vào dịp Tết dương lịch như báo chí đã đề cập, mà cơ quan này sẽ đề xuất thêm 2 ngày nghỉ nữa.
"Đoàn chủ tịch thống nhất rằng Tổng LĐLĐ VN sẽ đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ/năm vào các dịp Tết dương lịch, Ngày gia đình Việt Nam (28-6) và dịp Quốc khánh 2-9" - ông Hiểu nhấn mạnh, đồng thời cho biết tại Trung Quốc - quốc gia có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, người lao động thậm chí được nghỉ cả tuần vào dịp quốc khánh.
Đây cũng là dịp chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới nên nếu thêm ngày nghỉ dịp Quốc khánh, người lao động sẽ có thời gian chăm sóc con cái, chuẩn bị cho ngày đến trường. "Từ tháng 6 đến tháng 9 hằng năm cũng không có ngày nghỉ nên chúng tôi đề xuất nghỉ Ngày gia đình VN 28-6. Ngày nghỉ tăng thêm thứ 3 là vào dịp Tết dương lịch" - ông Hiểu nói.
Cũng theo ông Hiểu, với 10 ngày nghỉ/năm, Việt Nam là nước có số ngày nghỉ thấp trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc có 21 ngày nghỉ, Campuchia 28 ngày, Indonesia 16 ngày, Philippines 19 ngày, Malaysia 13 ngày, Nhật Bản và Thái Lan đều nghỉ 16 ngày/năm... "Việt Nam chỉ 10 ngày, nếu thêm 3 ngày nghỉ như chúng tôi đề xuất, lên 13 ngày, cũng không phải là cao" - ông Hiểu giải thích.
Về giờ làm việc chính thức, ông Hiểu cho biết với 48 giờ/tuần, Việt Nam cũng nằm trong 40 nước áp dụng giờ làm việc trong tuần khá cao. Nếu tính "giờ làm việc thực tế" cả năm, Việt Nam có số giờ làm việc cao thứ 3 thế giới, với 2.339 giờ/năm. Số ngày nghỉ phép (khởi điểm) của Việt Nam chỉ 12 ngày/năm cũng là ít.
Theo ông Hiểu, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã có công ước quy định tuần làm việc 40 giờ/tuần. Hiến pháp Việt Nam cũng quy định "người làm công ăn lương được đảm bảo các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi".
Nếu người lao động không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, nguồn nhân lực sẽ bị cạn kiệt, chắc gì đã làm việc được đến tuổi nghỉ hưu, và khi đó gánh nặng xã hội sẽ rất lớn.
"Đừng trút khó khăn, gánh nặng về năng suất lao động, cạnh tranh quốc gia lên đầu người lao động nữa. Các nước xung quanh Việt Nam cũng có số giờ làm việc/tuần thấp, ngày nghỉ phép cũng như ngày nghỉ cao hơn Việt Nam nhưng sức cạnh tranh và năng suất lao động cũng rất cao" - ông Hiểu nói.
Không giảm giờ làm, không tăng giờ làm thêm
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có buổi gặp gỡ, trao đổi, cùng ăn cơm trưa với lao động dệt may, giáo viên để tìm hiểu nguyện vọng người lao động.
Tại buổi trao đổi, hầu hết công nhân Tổng công ty May 10 cùng giáo viên mầm non đều cho rằng dệt may là ngành đặc thù, sản xuất theo mùa vụ và hợp đồng nên cần bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc thực tế/ngày, tức là được phép làm 12 giờ/ngày. Tổng giờ làm việc trong tuần vẫn giữ nguyên ở mức không quá 48 giờ.
Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang kiến nghị tăng tối đa thỏa thuận làm thêm giờ trong năm từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm. Về tiền lương làm thêm giờ, cần giữ nguyên cách tính như hiện hành, tức làm thêm ngày thường sẽ hưởng 150% lương, làm thêm ngày thứ bảy và chủ nhật hưởng 200% lương, làm thêm ngày lễ tết được hưởng 300% lương.
Trước đó, tại buổi làm việc với bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH và chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp vào chiều 16-9, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật lao động sửa đổi, ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết: "Về cơ bản sẽ không tăng thời gian làm thêm từ 300 giờ/năm lên tối đa 400 giờ/năm, và cũng sẽ không giảm thời gian làm việc trong tuần xuống 44 giờ, mà vẫn giữ nguyên 48 giờ/tuần".
Trước đó, VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp đều đề xuất giữ nguyên giờ làm việc tuần là 48 giờ, đồng thời tăng giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm, thậm chí có thể tăng giờ làm thêm lên 600 giờ/năm đối với một số ngành nghề, lĩnh vực, thời điểm.
"Doanh nghiệp là "ân nhân" của Chính phủ khi tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Năng suất lao động không cao, tức GDP không cao. Đất nước đang cần dấn lên để đẩy GDP mà Bộ luật lao động lại quy định giảm giờ làm thì thật là khó. Giảm 4 giờ/tuần phải tuyển lao động, mà hiện giờ đến doanh nghiệp Nhật Bản còn khó tuyển lao động, thì lấy đâu ra để tuyển lao động" - ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, để hài hòa cho các bên, Chính phủ đang muốn kiến nghị Quốc hội cho phép Chính phủ giải quyết vấn đề làm thêm giờ chỉ trong một số ngành nghề, lĩnh vực rất đặc biệt và phải điều chỉnh tiền lương theo lũy tiến.
Theo ông Dung, vấn đề này sẽ do Quốc hội quyết định nhưng quan điểm của ủy ban thẩm tra là không đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm. Bên cạnh đó cũng không thể giảm thời giờ làm việc từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần.
Thăm dò ý kiến
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất tăng thêm 3 ngày nghỉ vào dịp Tết dương lịch, Ngày gia đình và Quốc khánh. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận