
Lực lượng cảnh sát giao thông tổ địa bàn quận Bình Thạnh, TP.HCM xử phạt người vượt đèn đỏ - Ảnh: MINH HÒA
Diễn đàn Chủ nhật của Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh đề xuất này.
- Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Có thể áp dụng thêm chế tài hình sự

Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm. Thực tiễn áp dụng các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cho thấy mức phạt hành chính cao nhất trong từng lĩnh vực sẽ bị giới hạn bởi quy định của luật này.
Nhiều hành vi vi phạm phổ biến, diễn ra liên tục, thậm chí tái phạm nhưng mức xử phạt theo quy định hiện nay không đủ sức răn đe. Việc Chính phủ đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi tăng mức phạt tiền vi phạm giao thông đường bộ tối đa lên 150 triệu đồng là cần thiết.
Với những hành vi của người say xỉn mà điều khiển ô tô gây tai nạn chưa đến mức hậu quả nghiêm trọng hoặc đi lùi, đi ngược chiều trên đường cao tốc… và một số hành vi vi phạm giao thông tương tự, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mức phạt tối đa 150 triệu nếu áp dụng sẽ phù hợp.
Mức phạt tối đa này nếu áp dụng với các hành vi vi phạm này sẽ thể hiện tính răn đe mạnh mẽ, tránh những hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, nghiên cứu để sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự để có thể áp dụng chế tài hình sự đối với một số trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ mà chưa gây ra hậu quả thiệt hại vật chất.
- TS NGUYỄN VĂN THANH (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):
Có dấu hiệu "nhờn luật" dù mức phạt đã nâng lên

Thực tế hiện nay với nhiều lỗi vi phạm, dù mức xử phạt đã được nâng lên rất cao ở nghị định 168 của Chính phủ nhưng một bộ phận người tham gia giao thông có dấu hiệu "nhờn luật".
Tình trạng chở hàng cồng kềnh, đi ngược chiều, uống rượu bia rồi điều khiển xe vẫn xảy ra… Do đó việc nâng mức phạt tiền tối đa là phù hợp, nhằm tạo răn đe, xử lý nghiêm minh hơn với các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm, uy hiếp đến an toàn giao thông.
Tuy nhiên, Chính phủ cần lý giải rõ hơn, cụ thể hơn về lý do, cơ sở để tăng mức phạt tối đa lên như đề xuất nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, nên nghiên cứu đưa ra quy định ở văn bản dưới luật về các hành vi vi phạm cụ thể sẽ bị phạt mức tối đa 150 triệu đồng.
Có thể nghiên cứu nâng mức phạt tối đa này với các hành vi tài xế sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông dù nghiêm trọng hay không, điều khiển xe đi ngược chiều trên cao tốc dù có gây tai nạn hay không, chở hàng quá tải, quá khổ, tài xế sử dụng ma túy, chất cấm…
- Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội):
Cần nghiên cứu, tính toán kỹ

Việc có những chế tài xử phạt nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa vi phạm là hoàn toàn cần thiết. Nhưng việc đề xuất nâng mức phạt tối đa từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng thì cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ.
Mức phạt tối đa 150 triệu đồng có lẽ chỉ áp dụng với các hành vi vi phạm của tài xế ô tô. Tuy nhiên, hiện nay không ít tài xế chạy xe dịch vụ chỉ chạy những chiếc xe chỉ 300 - 500 triệu đồng.
Nhiều người phải đi vay mượn, hoàn cảnh kinh tế cũng không phải quá tốt. Nếu bị phạt tối đa đến mức 150 triệu đồng thì có thể họ phải bán xe, bỏ nghề.
Việc này vô hình trung có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, an sinh xã hội. Do vậy cơ quan chức năng cần có khảo sát thêm, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, nhận được sự đồng thuận của người dân.
- Anh NGUYỄN TẤN THUẬN (ngụ Bình Thuận):
Hành vi nào nên tăng mức phạt?
Cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê những hành vi nào là nguyên nhân gây ra nguy cơ tai nạn giao thông. Từ đó phân loại các hành vi cần phải tăng mức xử phạt, chứ không nên tăng "đại trà" tất cả các hành vi.
Nếu tăng mạnh mức xử phạt thì cần tăng vào các nhóm các hành vi vi phạm như xe ben chở quá tải gây hư hỏng đường sá; đua xe trái phép; chạy xe lạng lách, đánh võng trên đường; phóng nhanh vượt ẩu; vượt đèn đỏ; đi ngược chiều trên cao tốc; xe dùng biển giả; xe khách, xe hợp đồng trá hình chạy sai hành trình vào các bãi xe tự phát, dừng đỗ, lập bến "cóc" đón trả khách sai quy định…
Đây là những hành vi vi phạm phổ biến và khi xảy ra tai nạn đều để lại những hậu quả nghiêm trọng. Đây cũng là các hành vi gây khó khăn cho công tác quản lý, điều tiết giao thông. Với hành vi xe chở quá tải gây hư hỏng đường sá; xe khách, xe hợp đồng trá hình chạy sai hành trình… ngoài phạt nặng, nếu gây tai nạn, gây nguy hiểm cho xã hội thì cần phải tịch thu xe, truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Tài xế BÙI MINH TUẤN (ngụ TP.HCM):
Đèn tín hiệu, biển báo phải rõ ràng, tránh phạt oan
Các hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, nhất là đi ngược chiều trên cao tốc gây nhiều hệ lụy như tai nạn, ùn tắc, hậu quả cực kỳ lớn, cần phải tăng mức phạt. Tuy nhiên cơ quan chức năng cần rà soát, xem xét nhiều tuyến đường đã xuống cấp, biển báo không rõ ràng, tài xế rất dễ "dính" phạt nếu không chú ý.
Mức phạt tăng cao đồng nghĩa với việc nếu tài xế dính lỗi sẽ khiến tài xế mất nửa năm thu nhập. Việc đề xuất tăng thêm mức phạt làm ý thức người tham gia giao thông tốt hơn nhưng cũng cần xem xét hạ tầng, đèn đường, biển báo. Một lỗi phạt oan dễ khiến tài xế, người dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
Xem xét khả năng thực thi

Việc tăng mạnh mức phạt trong quy định của nhiều luật hiện nay nhằm tạo sức răn đe đủ lớn, ngăn chặn các hành vi nguy hiểm và coi thường pháp luật, góp phần lập lại trật tự, kỷ cương, phù hợp với mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Tuy nhiên, mức phạt 150 triệu đồng có thể gây tác động tiêu cực đến người thu nhập thấp và doanh nghiệp nhỏ.
Đây là một phần của xu hướng tăng mức phạt ở nhiều lĩnh vực khác, đặt ra câu hỏi về sự phù hợp với mọi đối tượng và nguyên tắc "lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm" theo nghị quyết 66-NQ/TW.
Tăng mạnh mức phạt có thể gây phản ứng trái chiều, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Vì thế cần giải thích rõ lý do, đánh giá tác động và lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để tạo đồng thuận xã hội.
Một trong những nguyên tắc cơ bản xây dựng pháp luật được nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh đó là xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn.
Quy phạm pháp luật trực tiếp tác động tới cuộc sống hằng ngày của người dân thì càng phải phù hợp với mức sống, mức thu nhập mới phát huy hiệu quả quản lý, răn đe, phòng ngừa.
Ngoài ra, so sánh với chế tài hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" thì đề xuất mức phạt nói trên cũng không phù hợp và tương ứng với các luật khác điều chỉnh cùng một lĩnh vực.
Cụ thể, điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định hình phạt tiền ở khoản 1 với mức từ 30-100 triệu đồng.
Chế tài hình sự là chế tài nghiêm khắc nhất, tác động nặng nề lên đối tượng vi phạm. Nếu chế tài hành chính mà vượt quá chế tài hình sự về cùng một lĩnh vực điều chỉnh thì có đảm bảo nguyên tắc thống nhất không?
Do đó, dự thảo nên tăng mức phạt từ 75 triệu lên 100 triệu là phù hợp, đảm bảo nguyên tắc tính hợp pháp và tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ khi đó mức xử phạt mới phát huy tác dụng tích cực, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền và thúc đẩy phát triển bền vững.
LÊ THIẾT HÙNG
(phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận