16/04/2025 07:50 GMT+7

Đề xuất liên quan yêu cầu 'không tử hình' tội phạm bị dẫn độ

Hôm qua (15-4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về bốn dự án Luật Dẫn độ, Luật Chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Luật Tương trợ tư pháp về dân sự, Luật Tương trợ tư pháp về hình sự.

luật dẫn độ - Ảnh 1.

Lực lượng công an dẫn độ tội phạm - Ảnh: BCA

Bốn dự luật trên được xây dựng trên cơ sở tách ra từ Luật Tương trợ tư pháp hiện hành.

Cần sớm có Luật Dẫn độ

Trình bày tờ trình dự án Luật Dẫn độ, trung tướng Lê Văn Tuyến, thứ trưởng Bộ Công an, cho hay qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, quy định về dẫn độ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập.

Ông Tuyến cho hay các quốc gia như: Trung Quốc, Ấn Độ, Anh, Nhật Bản, Thái Lan... đều đã xây dựng và ban hành luật riêng về dẫn độ. Liên hợp quốc cũng đã thông qua Luật mẫu về dẫn độ (năm 2004) để làm cơ sở cho các quốc gia tham khảo, xây dựng pháp luật trong nước.

Vì vậy, việc ban hành Luật Dẫn độ là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước nhằm đẩy mạnh chiến lược hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp và tăng cường hội nhập quốc tế nói chung cũng như lĩnh vực dẫn độ nói riêng.

Đáng chú ý, dự luật quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan báo cáo Chủ tịch nước.

Căn cứ ý kiến của Chủ tịch nước, Bộ Công an hoặc Bộ Ngoại giao thông báo cho nước ngoài về việc không thi hành hình phạt tử hình. Trường hợp Việt Nam yêu cầu nước ngoài không thi hành hình phạt tử hình đối với người bị yêu cầu dẫn độ, Bộ Công an đề nghị nước ngoài đưa ra cam kết bằng văn bản về nội dung này.

Bổ sung quy định chi tiết hơn

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết ủy ban này tán thành dự thảo quy định trường hợp nước ngoài yêu cầu Việt Nam không thi hành hình phạt tử hình với người bị yêu cầu dẫn độ.

Việc bổ sung quy định trên nhằm bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, xử lý những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn thi hành.

Ông Tùng cho hay có trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam đưa ra cam kết không áp dụng hình phạt tử hình. Tuy nhiên, dự luật chưa có quy định để xử lý trường hợp này. Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định cụ thể phương án xử lý trường hợp phía nước ngoài yêu cầu Việt Nam cam kết không áp dụng hình phạt tử hình.

Ngoài ra có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định trên, bởi vì sẽ ảnh hưởng nhất định đến tính độc lập của tòa án.

Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị làm rõ các nguyên tắc dẫn độ, cần bổ sung quy định chi tiết hơn về các nguyên tắc, như bình đẳng, chủ quyền, định danh kép, hành vi tội phạm theo luật của cả hai nước, không dẫn độ công dân Việt Nam trong một số trường hợp để tránh áp dụng tùy tiện.

Đồng thời quy định rõ hơn việc từ chối dẫn độ với lý do đặc biệt như nhân đạo, chính trị để giảm thiểu sự phụ thuộc vào ý chí chủ quan cũng như cơ quan thẩm quyền... Tăng cường ký kết hiệp định song phương với các quốc gia chưa có thỏa thuận để mở rộng phạm vi hợp tác, đặc biệt là nước có lượng lớn công dân Việt Nam sinh sống.

Sẽ trình Quốc hội miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến 2030

Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất trình Quốc hội xem xét dự thảo nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến năm 2030.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc tiếp tục miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2030 sẽ không làm giảm thu do đây là chính sách đang được thực hiện trên thực tế. Với đề xuất kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp như quy định hiện hành đến hết ngày 31-12-2030 thì số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỉ đồng/năm.

Đây sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp tới người nông dân, là nguồn đầu tư tài chính trực tiếp cho khu vực nông nghiệp - nông dân - nông thôn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, qua đó giúp tạo công ăn việc làm cho người nông dân, cải thiện cuộc sống.

Đề xuất liên quan yêu cầu "không tử hình" tội phạm bị dẫn độ - Ảnh 2.Cân nhắc kỹ khi bỏ tử hình với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ

Thêm ý kiến góp ý về đề xuất của Bộ Công an về việc bỏ phạt tử hình, thay bằng phạt tù chung thân không xét giảm án với tội tham ô tài sản, nhận hối lộ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên