15/06/2024 08:30 GMT+7

Đề xuất áp thuế VAT 5% có làm tăng giá phân bón?

Việc mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) đang khiến cho ngành sản xuất phân bón trong nước gặp khó khăn do không được khấu trừ đầu vào và gây thiệt đơn, thiệt kép với cả doanh nghiệp lẫn người nông dân.

Sản phẩm phân bón hiện nay đang thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ thuế, làm tăng giá thành sản phẩm - Ảnh: NAM TRẦN

Sản phẩm phân bón hiện nay đang thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng nên doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ thuế, làm tăng giá thành sản phẩm - Ảnh: NAM TRẦN

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm: "Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động doanh nghiệp" vừa được báo Đầu Tư tổ chức. 

Theo đó, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) dự kiến trình Quốc hội, phân bón được đưa vào diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) 5%, thay vì không chịu thuế như quy định hiện hành (Luật 71/2014) đang đặt ra những băn khoăn về việc áp thuế có thể làm tăng giá phân bón và tác động đến người nông dân, sản xuất nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn Tổng cục Thuế, cho hay đã từng có những tranh luận về việc áp thuế VAT với phân bón ở mức 5% có lợi hay không chịu thuế là có lợi. 

Tại thời điểm đó, ông Phụng có khuyến cáo không thể đưa về 0% do theo thông lệ và cam kết quốc tế, chúng ta chỉ áp dụng cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, theo đúng nguyên tắc của thuế GTGT. 

Tuy nhiên, tại thời điểm ban hành Luật 71, do không có đủ thông tin nên mặt hàng này từ diện chịu thuế VAT 5% đã không phải chịu thuế.

Tăng giá thành phân bón, thiệt người nông dân

Từ thực tiễn thực hiện việc áp thuế suốt 10 năm qua, ông Nguyễn Trí Ngọc, phó chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho hay việc phân bón không thuộc diện chịu thuế VAT đã phát sinh nhiều bất cập. Trong đó, ngành nông nghiệp thiệt đơn thiệt kép và cuối cùng, người nông dân là đối tượng gánh chịu.

Cụ thể, ông Ngọc phân tích phân bón thuộc đối tượng "không chịu thuế GTGT" nên các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. 

Điều này dẫn tới các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

"Vật tư đó chiếm khoảng 40-60% giá thành của các sản phẩm nông nghiệp, mà nó là sản phẩm thiết yếu đầu vào không thể thiếu được. Như vậy, nó tác động trực tiếp tới giá thành sản phẩm mà người nông dân làm ra. Cuối cùng người nông dân phải gánh chịu" - ông Ngọc nói.

Phân bón trong nước đang chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài vì thuộc diện không chịu thuế - Ảnh: NAM TRẦN

Phân bón trong nước đang chịu sự cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài vì thuộc diện không chịu thuế - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Nguyễn Hoàng Trung, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần DAP - Vinachem, cho hay ngay sau khi Luật 71 ra đời, doanh nghiệp đã nhận thấy khó khăn và kiến nghị xem xét điều chỉnh. Dẫn chứng từ doanh nghiệp, toàn bộ chi phí đầu vào phải tính vào giá thành sản xuất, với mỗi năm làm tăng thêm khoảng 7-8%. 

Như vậy, ước tính mỗi năm mất khoảng 100 tỉ đồng và trong suốt 10 năm nay số lũy kế lên tới hàng nghìn tỉ.

"Giá thành sản xuất tăng mà giá bán không điều chỉnh được, vì có sự cạnh tranh bất bình đẳng giữa hàng sản xuất trong nước và nhập khẩu. 

Phân bón nhập khẩu không phải chịu thuế, nên ngành sản xuất phân bón trong nước thời gian qua không làm chủ được thị trường. Phân bón nhập khẩu hình thành mặt bằng chung cho giá trên thị trường, chúng tôi bắt buộc phải chấp nhận theo" - ông Trung cho hay.

Sản xuất phân bón trong nước khó cạnh tranh

Ngoài ra, ông cho biết Luật thuế 71 dẫn tới tất cả chi phí đầu tư nâng cấp nhà máy, nâng cao chất lượng sản phẩm đều không được hoàn thuế. Tất cả các khoản chi phí đầu vào của chi phí đầu tư cộng vào tổng mức đầu tư, đã làm hạn chế tính hiệu quả của dự án. 

Thực tế trong 10 năm qua không có nhiều doanh nghiệp phân bón lớn có quy mô được đầu tư, mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ.

Việc sửa đổi Luật thuế 71 được nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị trong nhiều năm nay - Ảnh: NAM TRẦN

Việc sửa đổi Luật thuế 71 được nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị trong nhiều năm nay - Ảnh: NAM TRẦN

Phân tích về việc tăng thuế phân bón liệu có làm tăng giá bán, một chuyên gia trong ngành cho rằng nếu dự thảo Luật thuế GTGT được thông qua tại kỳ họp thứ 8, tháng 10-2024 và áp dụng từ năm 2025 thì dự báo thị trường phân bón bị ảnh hưởng trong quý 4-2024 do các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón sẽ tăng cường lượng nhập khẩu phân bón nhằm tránh nộp thuế GTGT.

Với lượng dự trữ phân bón vào cuối năm 2024 ở mức cao nên khi phân bón được chuyển sang đối tượng chịu thuế GTGT từ ngày 1-1-2025 với mức thuế suất 5%, giá phân bón tại thị trường Việt Nam nhiều khả năng sẽ không tăng lên tương ứng 5% mà có thể phải điều chỉnh giảm khi tồn kho đang ở mức cao.

Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón được đánh giá là không có nhiều tác động đến giá phân bón - Ảnh: NAM TRẦN

Việc áp dụng thuế giá trị gia tăng 5% với phân bón được đánh giá là không có nhiều tác động đến giá phân bón - Ảnh: NAM TRẦN

Bên cạnh đó, do các doanh nghiệp trong nước được giảm chi phí thuế GTGT đầu vào, giảm giá thành dẫn tới có thể giảm giá phân bón nhằm cạnh tranh với phân bón nhập khẩu, bình ổn giá trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân yên tâm sản xuất.

Theo đại diện Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), việc chịu thuế GTGT 5% sẽ giúp nông dân mua phân bón sản xuất trong nước với giá thấp nhờ vào việc các nhà sản xuất được hoàn thuế GTGT. 

Nguồn thu ngân sách cũng tăng lên do phân bón nhập khẩu phải chịu thuế GTGT; tăng khả năng cạnh tranh doanh nghiệp trong nước để từ đó có đóng góp thuế nhiều hơn.

Các doanh nghiệp mong muốn sớm sửa đổi việc áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón để cạnh tranh với hàng nhập khẩu - Ảnh: NAM TRẦN

Các doanh nghiệp mong muốn sớm sửa đổi việc áp thuế giá trị gia tăng với mặt hàng phân bón để cạnh tranh với hàng nhập khẩu - Ảnh: NAM TRẦN

Vinachem khẳng định luôn đồng hành với người nông dân trên cơ sở hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật canh tác, sử dụng phân bón thông minh và nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón; thực hiện rất nhiều chương trình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, tư vấn khoa học công nghệ, sử dụng phân bón thông minh; tư vấn, phổ biến quy trình sản xuất tiên tiến thích ứng với biến đổi khí hậu…

Ngoài ra, một số đơn vị có chủ trương bán sản phẩm phân bón chậm trả theo phương thức tín chấp cho nông dân trên địa bàn các tỉnh thông qua hệ thống các nhà phân phối như Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao; Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền...

Phân bón Cà Mau chia cổ tức 20%, tiếp tục đầu tư nhiều dự án mớiPhân bón Cà Mau chia cổ tức 20%, tiếp tục đầu tư nhiều dự án mới

Ngày 11.6, Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, Hose: DCM) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2024. Đại hội thông qua việc chia cổ tức 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, cao hơn 4% so với kế hoạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên