Đề thi chọn học sinh giỏi văn quốc gia năm 2022
Hai câu hỏi trong đề văn đều là các câu hỏi mở cho phép học sinh trình bày suy nghĩ, quan điểm cá nhân về những vấn đề liên quan tới "nhận diện giá trị".
"Một hòn đá không thể sử dụng để xây bậc lên xuống, không làm được điêu khắc hay là vật để vò, giặt quần áo. Nhưng đó là hòn đá rơi từ vũ trụ xuống đã mấy trăm năm. Nó vô giá trị trong đời sống thường ngày nhưng quý giá với nhà khoa học". Đó là tình huống được nêu trong đề văn để yêu cầu học sinh bày tỏ ý kiến.
Cùng với đó, câu hỏi nghị luận văn học đặt ra vấn đề giá trị của văn học "dẫn dắt con người vượt lên giá trị nhất thời, vươn tới các giá trị bền vững".
Một số giáo viên có kinh nghiệm trong dạy học sinh có năng khiếu môn văn cho rằng đây là một đề thi an toàn và có phần cũ kỹ về cách đặt vấn đề.
Cô Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên môn ngữ văn, Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, cho rằng: Ở câu nghị luận văn học, cách tiếp cận vấn đề không mới. Yêu cầu bàn về giá trị văn học là khái niệm kinh điển, khá an toàn, có trong sách giáo khoa ngữ văn lớp 12, tập 2.
Vấn đề nêu ra có thể cũ, nhưng vẫn phải hướng học sinh đến việc tìm ra cái mới thì mới là đề thi chọn học sinh giỏi văn cấp quốc gia. Theo cô Tuyết, với đề thi này khó có thể có những bài văn độc đáo, sáng tạo.
Ngoài ra, nội dung đưa vào câu hỏi nghị luận xã hội đã vô hình trung khích lệ cho sự bị động, thụ động. Vì viên đá từ vũ trụ đó nếu không có nhà thiên văn vô tình đi ngang qua nhìn thấy, mang về thì nó vẫn nằm im vô tri. Trong khi điều cần hướng đến là tính chủ động, nỗ lực hữu dụng tự thân.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng với một đề mở, học sinh hoàn toàn có thể đặt vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau: khen, chê, đồng tình, ủng hộ để có những sự "nhận diện giá trị" khác nhau phù hợp với thời cuộc theo quan điểm cá nhân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận