09/05/2017 16:15 GMT+7

​Để trẻ không bị thiếu vi chất dinh dưỡng

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai

Dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, hợp lý giúp trẻ phát triển tốt về thể chất và trí tuệ, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi. Do đó, các bà mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để giúp trẻ phát triển toàn diện và khỏe mạnh.

Ảnh hưởng của việc thiếu vi chất dinh dưỡng

Dinh dưỡng đúng là khi trẻ nhận đủ các nhóm chất dinh dưỡng gồm chất bột đường, chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước. Tuỳ theo tuổi mà chế độ ăn thay đổi cho phù hợp và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.

Theo các nhà dinh dưỡng, sự phát triển của trẻ cần được chú ý trong 1.000 ngày đầu tiên, tính từ trong thời kỳ bà mẹ mang thai đến 2 năm đầu đời của trẻ và các mốc phát triển tăng tốc.

Đối với trẻ việc thiếu hụt bất cứ vi chất dinh dưỡng nào đều gây nên những ảnh hưởng không tốt đối với sự phát triển của trẻ. Nếu thiếu vitamin A không những làm giảm thị giác, thị lực, mà nó còn là nguyên nhân dẫn đến chậm phát triển thể chất, làm giảm sức đề kháng của cơ thể.

Thiếu vitamin A cũng cũng là nguyên nhân của bệnh quáng gà, nghiêm trọng hơn, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.

Biểu hiện lâm sàng thiếu vitamin A thường gặp là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp, đường tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc nhiễm trùng da tái đi tái lại. Do đó, các bà mẹ có trẻ nhỏ từ 6 đến 36 tháng tuổi nên đưa trẻ đến trạm y tế để được uống vitamin A hai lần vào ngày 1-6 và 1-12 hàng năm.

Thiếu sắt là một nguyên nhân căn bản dẫn đến thiếu máu. Thiếu máu khiến da trẻ trở nên xanh xao, cơ thể luôn trong tình trạng mệt mỏi, ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển trí tuệ, thể chất ở trẻ em.

Còn tình trạng thiếu Iốt trong thời kỳ niên thiếu có thể gây ra bệnh bướu cổ, chậm lớn, chậm phát triển trí tuệ...

Các vi chất dinh dưỡng và khoáng chất khác như kẽm, vitamin nhóm B, manganese, selenium, canxi, phospholipide... nếu thiếu cũng ảnh hưởng đến chức năng nhận thức của trẻ.

Chế độ ăn hợp lý phòng thiếu vi chất dinh dưỡng

Để phòng ngừa suy dinh dưỡng và thiếu vi chất ở trẻ nhỏ, các bà mẹ cần chú ý theo dõi sự phát triển của trẻ về cân nặng và chiều cao theo biểu đồ tăng trưởng, trong đó cân nặng là chỉ số thay đổi sớm nhất, dễ nhận biết nhất giúp bà mẹ điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp. Các bà mẹ có thể cho trẻ ăn với chế độ như sau:

- Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Bú sữa mẹ hoàn toàn là tốt nhất cho trẻ, vì sữa mẹ cung cấp dinh dưỡng đầy đủ, cân đối nhất, trong đó nguồn vitamin và nước đủ nhu cầu cho trẻ nên trẻ bú mẹ không cần uống thêm thức uống gì khác.

Ngoài ra chỉ có sữa mẹ mới cung cấp kháng thể giúp trẻ chống lại bệnh tật thường gặp như viêm đường hô hấp, bệnh đường tiêu hoá... Trẻ cần bú mẹ nhiều lần trong ngày, mỗi cử bú kéo dài khoảng 20 phút, bú cả ngày lẫn đêm theo nhu cầu.

- Trẻ từ 6 tháng đến 12 tháng tuổi: Trẻ tiếp tục bú mẹ nhiều lần trong ngày kèm chế độ ăn dặm, khi trẻ được 6 tháng tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng trong việc tập thói quen ăn uống sau này của trẻ, bắt đầu từ ăn bột ngọt (bột sữa) đến bột mặn (bột thịt rau củ), ăn từ loãng đến đặc, từ ít đến nhiều.

Đến 7 tháng trẻ ăn cháo cà nhuyễn (hoặc bột) với đủ 4 nhóm thực phẩm cháo, thịt, rau củ, dầu mỡ và trái cây tươi tán nhuyễn. Chú ý không nêm thêm muối, nước mắm vào cháo, bột của trẻ vì lượng muối trong thực phẩm đã cung cấp đủ cho nhu cầu.

- Trẻ từ 13 tháng đến 24 tháng tuổi: Trẻ tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng tuổi vì lượng sữa mẹ cung cấp khoảng một phần ba nhu cầu năng lượng. Trẻ ăn cháo nguyên hạt, thực phẩm nên thay đổi đa dạng thường xuyên mỗi ngày như ăn cháo, nui, bún... để tránh tình trạng biếng ăn và phòng thiếu vi chất.

- Trẻ từ 2 tuổi đến 5 tuổi: Trẻ bắt đầu chế độ ăn cơm với thực phẩm đa dạng hơn. Duy trì chế độ sữa bổ sung hàng ngày khoảng 500 ml.

- Trẻ trên 5 tuổi: Lượng thức ăn tăng dần theo nhu cầu tuổi, gần giống chế độ ăn như người lớn, uống thêm sữa 2-3 ly mỗi ngày.

Bên cạnh dinh dưỡng cân bằng, đầy đủ chất dinh dưỡng, chế độ ăn luôn thay đổi hợp lý, trẻ nhỏ cần hoạt động thể lực thường xuyên phù hợp lứa tuổi để tăng cường phát triển thể chất.

Trẻ cần được chủng ngừa đầy đủ theo lịch để giảm nguy cơ mắc bệnh, vì khi trẻ bệnh là nguyên nhân gây biếng ăn dẫn đến suy dinh dưỡng.

Sự nuôi nấng chăm sóc tốt sẽ tạo tình cảm gắn bó và trẻ được sống trong môi trường cảm thấy an toàn thì sự phát triển sẽ tốt hơn rất nhiều.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đồng Nai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên