​Để trẻ bớt hung hăng

BS NGUYỄN HỮU CÁT
BS NGUYỄN HỮU CÁT

TT - Gần đây hiện tượng bạo lực trong trường học được ghi nhận ngày càng nhiều. Riêng về mặt sức khỏe tâm thần, hiện tượng này là do hung tính của thanh thiếu niên không được kiểm soát.

Ảnh cắt từ clip học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn đánh
Ảnh cắt từ clip học sinh lớp 7 ở Trà Vinh bị bạn đánh

Hiện tượng bạo lực xảy ra ở nhiều nơi trong xã hội, trường học chỉ là một địa điểm nhạy cảm được đề cập nhiều hơn.

Theo Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ, có 6-10% trẻ em có những rối loạn về hạnh kiểm và hành vi chống đối. Đây là một vấn đề sức khỏe trên toàn thế giới, chứ chẳng riêng của nước nào.

Nguyên nhân

Về mặt tâm lý, các hành vi bạo lực thường được cho là có yếu tố gia đình và sự phát triển tâm lý của bản thân trẻ bị lệch lạc.

Những trẻ trái tính và có các rối loạn về hành vi là những trẻ có nhiều nguy cơ có hành vi bạo lực khi lớn lên. Đây là vấn đề của quá trình phát triển của trẻ, quá trình này gắn liền với môi trường gia đình và xã hội, như thiếu sự quản lý, giám sát của ba mẹ, trẻ không được rèn luyện về mặt luân lý, đạo đức, theo băng nhóm...

Hình thức bạo lực trong trường

Ở trường học bạo lực được thể hiện bằng các hình thức như tung tin đồn xấu cho bạn học, hình thức này đã làm nhiều học sinh tự tử.

Thường gặp hơn là bắt nạt, cô lập bạn bè, đe dọa bằng lời nói hoặc hành động, trấn lột... và cuối cùng là thách đấu, đánh nhau.

Những trẻ từ nhỏ đã có những lời nói đe dọa bạn, về sau thường phát triển đến mức thượng cẳng tay hạ cẳng chân.

Các hành vi bạo lực thường có mầm mống từ lúc còn nhỏ, xu hướng này thường kéo dài, lớn lên sẽ hình thành những tính cách chống xã hội, làm trái ý người lớn cũng như các quy tắc đạo đức.

Khi trưởng thành các đối tượng này thường có những hành vi phạm pháp như trộm cắp, nghiện ma túy và các hành vi phá hoại khác...

Những trẻ trái tính, hạnh kiểm xấu, chống đối thường có những trải nghiệm tiêu cực với thầy cô hoặc bạn bè.

Điều này làm cho quá trình xử lý những thông tin xã hội bị rối loạn, chúng phải dựa vào các giải pháp hung bạo để giải quyết các xung đột.

Các em này không hiểu được các tình huống xã hội một cách chính xác, cho nên mới có chuyện cho rằng cách nhìn của người khác là nhìn đểu, rồi gây sự, đánh nhau...

Việc học hành kém cỏi càng làm cho mối quan hệ với thầy cô và bạn bè xấu đi, càng xô đẩy các em đi theo bạn xấu trong trường, trốn học, sử dụng ma túy, bị đuổi học...

Các yếu tố nguy cơ khác như gia đình bất hòa làm gia tăng hành vi bạo lực, sống trong nghèo khổ, hàng xóm không tốt...

Muốn trẻ ngoan phải để cho trẻ được hạnh phúc, điều này thì các nhà giáo dục hay y tế không thể thực hiện được, mà là sự góp công của cả gia đình và xã hội.

Điều trị thế nào?

Các nhà tâm lý học đã đề ra những phương pháp điều trị như liệu pháp nhóm ở các cơ sở điều trị tập trung. Hiệu quả cũng tương tự như liệu pháp tâm lý cá nhân.

Các liệu pháp này còn được chỉ định cho cả những đối tượng có nguy cơ xuất hiện bạo lực để ngăn ngừa các hậu quả xấu sau này.

Mục tiêu điều trị không chỉ nhắm đến trẻ mà còn cho cả ba mẹ, giúp họ có những kỹ năng quản lý, theo dõi con cái tốt hơn, rèn chúng đi vào nề nếp, cải thiện các mối quan hệ trong gia đình để tăng cường sự gắn kết của các thành viên.

Thay đổi cách thức giao tiếp với con cái, trẻ rất nhạy cảm với lời nói yêu thương hay thô tục của người lớn. Huấn luyện các em kỹ năng thảo luận, biết lắng nghe ý kiến trái chiều, không nên vì trái ý mà nổi nóng ngay, rèn luyện kỹ năng thương lượng để khỏi phải dùng đến vũ lực nhằm đạt mục tiêu.

Nhờ vậy trẻ tăng cường được kỹ năng đối phó với sự việc không như mong muốn, giải quyết xung đột với người khác, biết cách giải quyết vấn đề có hiệu quả và kiềm chế cơn giận dữ, tăng cường khả năng tự kiểm soát bản thân bằng phương pháp thư giãn.

Để trẻ nói suy nghĩ của mình

Đối với thanh thiếu niên ta phải đối xử theo các phương châm sau: không có trẻ lúc nào cũng xấu xa cả, nhân chi sơ tính bổn thiện, do hoàn cảnh mà có những hành vi lệch lạc. Phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của trẻ, không nên cho rằng trẻ con thì biết gì.

Nếu trẻ bị bỏ quên do ba mẹ bận công việc làm ăn hay có em bé, trẻ thường có những phản ứng tiêu cực.

Không nên nổi nóng với các em mà kiếm cách giải quyết ôn hòa. Bắt chúng làm cam kết những điều được và không được làm để điều chỉnh hành vi, khi làm được việc tốt nên có thưởng. Xây dựng nội quy ở gia đình, lớp học; các nội quy này phải có những nội dung giảm tính bạo lực, xử phạt phù hợp.

Ở trường cũng như ở nhà phải tạo cho học sinh những diễn đàn hay cơ hội thảo luận, nói ra những tâm tư, suy nghĩ của mình để cùng nhau giải quyết bằng những kỹ năng giao tiếp, thảo luận và thương lượng, tránh tình trạng khi họp lớp không nói gì đến khi ra khỏi lớp lại đánh nhau.

Tóm lại ngoài việc cần có những tác động tích cực của nhà trường và xã hội, vai trò của ba mẹ cũng rất quan trọng. Ba mẹ phải làm gương, không nói lời thô tục, không bạo hành trong gia đình, không say sưa cờ bạc... Nếu không, thầy thuốc và thầy giáo cũng bó tay với hung tính của trẻ.

BS NGUYỄN HỮU CÁT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên