02/03/2013 03:34 GMT+7

Để tránh lãng phí nhân lực trình độ cao 10 5

HẢI THI
HẢI THI

TT - Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành ủy TP.HCM khởi động từ năm 2001 nhằm tạo nguồn cán bộ trình độ cao, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thành phố.

z3wVM7Ud.jpgPhóng to
Các đại biểu của chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP.HCM thảo luận nhóm tại khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi sáng 1-3 - Ảnh: Minh Đức

Đến nay, sau hơn 10 năm triển khai, hơn 400 cán bộ đã hoàn thành đào tạo, đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ và được bố trí công tác tại các cơ quan, ban ngành nhà nước. Đây là nguồn “tài sản quý báu”, là hạt nhân quan trọng trong việc xây dựng, phát triển TP.HCM theo những mục tiêu đề sẵn - theo lời ông Nguyễn Ngọc Hòa, chủ tịch HĐQT, bí thư Đảng ủy Liên hiệp HTX Thương mại thành phố (Saigon Co.op).

Tuy nhiên, trong buổi họp mặt sáng 1-3 của hơn 300 thạc sĩ, tiến sĩ tại khu di tích địa đạo Củ Chi (huyện Củ Chi, TP.HCM), nhiều trí thức trẻ đã bày tỏ sự lo ngại nguy cơ lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao nếu Thành ủy cũng như đơn vị tiếp nhận nhân lực không có sự bố trí, bổ nhiệm hợp lý, phát huy hết khả năng chuyên môn của lực lượng này.

Theo anh Nguyễn Quốc Dương (bí thư Đảng ủy P.5, Q.6), cần phải tính thật kỹ đầu ra trước khi quy hoạch đầu vào, rà soát kỹ lưỡng nhu cầu xã hội trước khi đưa cán bộ đi đào tạo để cung cấp nhân lực phù hợp với nhu cầu và mục tiêu phát triển chung.

Một thực trạng được anh Nguyễn Đông Hòa (phó tổng giám đốc khách sạn Caravelle, Tổng công ty Du lịch Sài Gòn) đưa ra là nhiều cán bộ sau khi hoàn tất chương trình lại “nhảy” đi làm bên ngoài, không phục vụ trong các cơ quan, ban ngành nhà nước như quy hoạch ban đầu.

“Nhiều bạn trở về đơn vị thì vị trí cũ đã có người khác đảm nhiệm, các bạn được bố trí sang vị trí khác không phù hợp với chuyên ngành đào tạo, hoặc do các chính sách đãi ngộ, môi trường làm việc không phù hợp, không kích thích phát huy khả năng... nên không ít bạn đã ra ngoài làm!” - anh Hòa cho biết.

Về những nhiệm vụ, giải pháp cho chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ giai đoạn 2012-2015 được Ban tổ chức Thành ủy đề ra thảo luận, các trí thức trẻ đã thống nhất cao ở nội dung tăng cường luân chuyển cán bộ, nhằm tạo cơ hội học hỏi tốt hơn cho trí thức, giúp sàng lọc nhân tố phù hợp cho từng đơn vị.

“Điều chuyển cán bộ từ khối cơ quan nhà nước sang khối doanh nghiệp và ngược lại, giữa các đơn vị với nhau... sẽ giúp bộ máy hoạt động trơn tru, hiệu quả hơn, do cán bộ nắm được tính chất của từng loại thiết chế. Điều đó cũng tạo nên môi trường học tập, trưởng thành tốt hơn cho trí thức trẻ thành phố”, chị Nguyễn Thị Hoàng Liên (trưởng phòng trung tâm thông tin khoa học công nghệ, Sở Khoa học - công nghệ) chia sẻ ý kiến.

Nên nâng cao cơ chế đãi ngộ, đề ra tiêu chí đánh giá phù hợp, chuẩn hóa đầu vào cho chương trình... cũng là một số đề xuất được các bạn đóng góp cho Ban tổ chức Thành ủy tại buổi họp mặt.

Dù còn một số nội dung cần điều chỉnh, các chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ trẻ của TP.HCM đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thành phố. Đại diện các đơn vị tiếp nhận cán bộ, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết 50% số thạc sĩ, tiến sĩ hiện nắm giữ chức vụ cao tại Saigon Co.op được lấy nguồn từ chương trình. Bà Trần Mỹ An (trưởng phòng quy hoạch đào tạo Ban tổ chức Thành ủy) cũng cho biết: 99,9% cán bộ của chương trình hoàn thành tốt nhiệm vụ tại đơn vị, trong đó gần 50% hoàn thành xuất sắc.

Theo đại diện Ban tổ chức Thành ủy, đến cuối năm 2015 thành phố sẽ tiếp tục xét tuyển và đào tạo thêm 300 thạc sĩ, tiến sĩ thuộc các ngành khoa học chính trị và xã hội, khoa học kỹ thuật, kinh tế, quản lý đô thị, quản lý dự án, quản lý nhà nước các lĩnh vực, các ngành luật... để đáp ứng cơ bản nhu cầu của địa phương, đơn vị.

HẢI THI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
😀😁😂🤣😃😄😅😆😉😊😋😎😍😘🥰😗😙😚🙂🤗🤩🤔🤨😐😑😶🙄😏😣😥😮🤐😯😪😫😴😌😛😜😝🤤😒😓😔😕🙃🤑😲☹️🙁😖😞😟😤😢😭😦😧😨😩🤯😬😰😱🥵🥶😳🤪😵😡😠🤬😷🤒🤕🤢🤮🤧😇🤠🤡🥳🥴🥺🤥🤫🤭🧐🤓😈👿👹👺💀👻👽🤖💩😺😸😹😻😼😽🙀😿😾
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên