04/07/2016 09:38 GMT+7

Đề thi Sử hỏi tuổi trẻ cần làm gì cho đoàn kết dân tộc

NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ

TTO CẬP NHẬT - Mời bạn đọc xem bài giải môn Sử THPT quốc gia 2016. Đề thi Sử gồm có 4 câu, trong đó có câu về chiến dịch Điện Biên Phủ và cuộc cách mạng khoa học- công nghệ nửa sau thế kỷ XX, đại đoàn kết dân tộc.

Phụ huynh đón con tại ĐH sư phạm Hà Nội - Ảnh:  NAM TRẦN
Phụ huynh đón con tại ĐH sư phạm Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

BÀI GIẢI MÔN SỬ:

Câu I:

- Nguồn gốc của cuộc cách mạng khoa hoc - công nghệ nửa sau thế kỷ XX:

Nguồn gốc sâu xa dẫn đến cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ hai là do con người muốn cuộc sống ngày càng được nâng cao nên phải cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất.

Con người cần tồn tại và phát triển nên phải tìm cách giải quyết các vấn đề: dân số bùng nổ, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm bằng công cụ mới, năng lượng mới, vật liệu mới.

Những thành tự khoa học - kỹ thuật cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tạo tiền đề dẫn đến cuộc cách mạng khoa học - kỹ thuộc lần hai.

Các nước tham gia chiến tranh thế giới hai có nhu cầu sản xuất vũ khí hiện đại để sát hại đối phương.

- Đặc điểm lớn nhất của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ nửa sau thế kỷ XX:

Từ thập kỷ 40 đến nửa đầu những năm 70: diễn ra trên lĩnh vực khoa học và kỹ thuật.

Từ năm  1973 đến nay chủ yếu diễn ra trên lĩnh vực công nghệ, còn được gọi là cuộc cách mạng khoa học - công nghệ.

Khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ. Khoa học - Kỹ thuật gắn bó chặt chẽ với nhau, mọi phát minh kỹ thuật đều bắt nguồn từ nghiên cứu khoa học. Khoa học đi trước mở đường cho kỹ thuật. Kỹ thuật lại đi trước mở đường cho sản xuất.

Như vậy, khoa học đã tham gia trực tiếp vào sản xuất, trở thành nguồn gốc chính của những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ.

Câu II:

1. Hai khuynh hướng cứu nước đó là: Khuynh hướng dân chủ tư sản và khuynh hướng vô sản.

- Khuynh hướng dân chủ tư sản: Đảng Lập Hiến, Việt Nam Quốc Dân Đảng.

- Khuynh hướng dân chủ vô sản: Quốc tế Cộng sản, Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, tác phẩm đường Kách mệnh, Đông Dương Cộng sản Đảng, An nam Cộng sản Đảng, Cộng sản Đoàn,  Đảng Cộng sản Việt Nam, Công hội bí mật tại nhà máy Ba Son.

2. Vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đối với cách mạng Việt Nam:

- Truyền bá lí luận giải phóng dân tộc theo khuynh hướng vô sản vào Việt Nam.

- Giác ngộ, nâng cao ý thức chính trị cho giai cấp công nhân. Thúc đẩy phong trào công nhân phát triển sang giai đoạn tự giác.

- Sự chuẩn bị về chính trị, tổ chức đội ngũ cán bộ cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Câu III:

1a. Những tác động của cuộc Tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954:

- Bước đầu làm thất bại kế hoạch quân sự của Pháp – Mĩ nhằm “kết thúc chiến tranh trong danh dự”;

- Tiêu diệt sinh lực địch ở những hướng quan trọng về chiến lược mà địch tương đối yếu, giải phóng đất đai, buộc địch phải phân tán lực lượng để đối phó;

- Chuẩn bị về vật chất và tinh thần cho quân và dân ta mở cuộc tiến công quyết định vào Điện Biên Phủ.

1b. Tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ở Việt Nam:

- Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava, cố giành thắng lợi quân sự quyết định, buộc ta phải đàm phán với những điều kiện có lợi cho chúng nhằm kết thúc chiến tranh ở Việt Nam

- Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Đông Dương

- Chiến dịch Điện Biên Phủ đóng vai trò quan trọng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao của nước ta giành thắng lợi, mở ra khả năng giải quyết bằng con đường hòa bình cuộc chiến tranh ở Đông Dương.

2. Ý kiến về quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (12-1953):

Quyết định của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam mở chiến dịch Điện Biên Phủ (12-1953) và trước đó là kế hoạch quân sự trong đông – xuân 1953-1954 đã cho thấy:

- Sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn và chủ trương kịp thời, quyết liệt của Đảng trước các diễn biến thời cuộc và trước âm mưu của địch, làm nên thắng lợi vẻ vang “chấn động địa cầu” của chiến dịch Điện Biên Phủ;

- Thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng đối với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Việt Nam

- Củng cố niềm tin tưởng mạnh mẽ của nhân dân ta đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.      

Câu IV:

1. Phát biểu suy nghĩ về chủ trương “thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc” của Đảng :

 - Chủ trương “Đại đoàn kết dân tộc” là một chiến lược quan trọng nhất dẫn đến sự thành công của Đảng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và ở thời kì đổi mới.

- Tục ngữ Việt Nam có câu “đoàn kết thì sống, chia rẻ thì chết”, để có thể thành công trong tất cả mọi lĩnh vực như văn hóa, chính trị, kinh tế… thì không thể thiếu sự đoàn kết.

2. Hiện nay thế hệ trẻ Việt Nam cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc:

- Quán triệt tư tưởng đại đoàn kết là vấn đề sống còn của dân tộc.

- Không phân biệt các dân tộc, tôn giáo, các giai cấp, các ngành nghề trong một mặt trận dân tộc thống nhất.

- Cùng với tổ chức Đoàn thanh niên tuyên truyền tư tưởng đại đoàn kết dân tộc trong các lĩnh vực văn hóa, kinh tế và an ninh quốc phòng. Cương quyết chống lại những ý kiến xuyên tạc, gây mất đoàn kết trong nhân dân.

- Thực hiện chính sách đối ngoại, hòa bình hữu nghị, hợp tác với tinh thần “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”, thực hiện mở cửa, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế, đoàn kết trong chủ trương và hành động cùng bảo vệ chủ quyền đất nước.

Phạm Thu Hà (Trung tâm LTĐH Vĩnh Viễn - TP.HCM)

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Giáo viên nhận định đề hay và ý nghĩa

Theo thầy Phan Đông Xuân, tổ trưởng Tổ Sử, Trường THPT Giồng Ông Tố, TPHCM, đề thi môn sử năm nay có nội dung khá hay, cả phần sử Việt Nam và thế giới. 

Cụ thể, những câu hỏi thuộc phần sử Việt Nam yêu cầu thí sinh viết về phong trào dân tộc - dân chủ; chính sách đại đoàn kết dân tộc; sử thế giới thì yêu cầu thí sinh viết về cuộc cách mạng khoa học công nghệ nửa sau thế kỷ XX.

Tôi cho rằng ban ra đề có ý đồ kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai khi quyết định nội dung đề như trên. Bởi hiện tại, việc kêu gọi, thức tỉnh lòng tự hào dân tộc cũng như thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là vô cùng cần thiết và đặc biệt có ý nghĩa đối với thế hệ trẻ.

Ngay cả nội dung của phần sử thế giới cũng là một lời nhắc nhở với giới trẻ ngày nay: chúng ta không thể đứng ngoài cuộc cách mạng khoa học công nghệ.

Nhìn chung, đề thi năm nay có những câu dành cho thí sinh dễ lấy điểm để xét tốt nghiệp THPT (câu I, II) nhưng cũng có những câu phân loại thí sinh (câu III, IV) đòi hỏi người làm bài phải hiểu bài và biết vận dụng kiến thức mới làm tốt được. 

--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------

THÍ SINH NGHĨ GÌ VỀ ĐỀ THI SỬ? 

Một trong những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - Ảnh: THU HẰNG
Một trong những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - Ảnh: THU HẰNG

Hà Nội: Thích câu hỏi dành cho tuổi trẻ

Theo các thí sinh, đề Sử năm nay bám sát nội dung chương trình trong sách giáo khoa, riêng đề mở không đánh đố thí sinh quá. Thí sinh Trương Diệu Linh tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nói bạn làm được khoảng 6 điểm.

Em Nguyễn Thu Thuỷ, thí sinh tại cụm ĐH Thuỷ lợi Hà Nội

Em Nguyễn Thu Thủy, thí sinh tại cụm ĐH Thuỷ lợi Hà Nội "hào hứng với câu hỏi tuổi trẻ cần làm gì cho đất nước": "Đó là câu dễ viết, gỡ điểm cho bài thi. Nhưng em cũng thích vì câu hỏi gần gũi với chúng em và có thể liên hệ được với các vấn đề chúng em quan tâm gần đây - Ảnh: Vĩnh Hà

Các thí sinh khối quân đội rời phòng thi ngay sau khi hết 2/3 thời gian - Ảnh: CHÍ TUỆ
Các thí sinh khối quân đội rời phòng thi ngay sau khi hết 2/3 thời gian - Ảnh: CHÍ TUỆ

Tại điểm trường ĐH Thủy Lợi, các thí sinh đầu tiên bước ra cổng trường với nụ cười tươi và gương mặt rạng rỡ. Theo các thí sinh, đề thi năm nay không đòi hỏi quá nhiều mốc thời gian lịch sử nên khá... dễ thở.

Thí sinh Tạ Quang Thiết, thí sinh ra phòng thi đầu tiên, cho biết đề có tất cả 4 câu, khó nhất ở câu 1 và 2 đòi hỏi một phần kiến thức ở lớp 11. Nhưng Thiết tự tin bản thân làm được 75% và thoải mái nộp hồ sơ thi vào các trường đại học mình mong muốn.

Thí sinh Lê Thị Nga, quê ở Thanh Oai cho hay đề không đòi hỏi nhiều mốc lịch sử nên thí sinh dễ đạt điểm 7. “Em lựa chọn môn lịch sử để lựa chọn tổ hợp một môn thi môn sử, dù không nắm chắc lịch sử nhưng với đề này em nghĩ mình làm tốt. Với nhiều thí sinh, sử đòi hỏi nhiều kiến thức nên các bạn không chọn, với lại khung chương trình không phù hợp nên Bộ GD-ĐT cần thay đổi cho phù hợp”, Nga tâm sự.

Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - Ảnh: Thu Hằng
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội - Ảnh: Thu Hằng

Còn thí sinh Hoàng Văn Công (quê Thanh Oai) cũng tự tin mình đạt 70%. Em lựa chọn môn thi này để tốt nghiệp, lựa chọn vào thi Học viện cảnh sát. Với em Sử không hề khó, theo ý hiểu của mình có thể làm được, không phải tính toán nhiều như các môn học tự nhiên.

Tại điểm trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội: Thí sinh đầu tiên ra khỏi điểm thi Dương Văn Tùng (Lĩnh Nam, Hà Nội) chia sẻ: "Em thấy đề thi năm nay khá là mở, đặc biệt là câu 4 nói về trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với đất nước. Em làm tương đối tốt câu đó. Tuy nhiên, các câu khác em làm không tốt lắm."

Thi sinh Bùi Lê Minh Trang (Đống Đa, Hà Nội) - chia sẻ: "Em thấy đề năm nay không có tính phân loại cao. Hầu hết các câu hỏi không phải là những giai đoạn lịch sử quá quan trọng. Em thích và làm tốt nhất câu nói về cuộc Tiến công chiếc lược Đông Xuân. Còn câu cuối cùng, câu hỏi mở, dễ ăn điểm nhất. Em nghĩ là câu đó có thể là câu để thoát điểm chết."  

Nét mặt trầm lắng của các thí sinh tại điểm thi trường ĐH sư Phạm Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦN
Nét mặt trầm lắng của các thí sinh tại điểm thi trường ĐH sư Phạm Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦN

Khoảng 9g30, thí sinh dự thi môn Sử tại ĐH Sư phạm Hà Nội bắt đầu ra khỏi phòng thi. Khác với môn Địa, không khí và nét mặt thí sinh trầm lặng hơn. Nhiều thí sinh bất ngờ vì đề ra nhiều phần trong nước, đề không khó nhưng đạt điểm cao thì không dễ. Học khá sẽ chỉ đạt khoảng 7 điểm  

Tại điểm thi Đại học Kinh tế Quốc dân, lúc 10g15 vẫn còn nhiều thí sinh chưa ra khỏi phòng thi. Ông Hoàng Văn Mười (Phú Xuyên, Hà Nội) ngồi chờ con thi nhận xét công tác tổ chức thi 2 năm nay có những cái thay đổi tích cực. "Nó không ồn ào như các năm trước, từ đường sá, các em sinh viên cho đến khâu sắp xếp", ông nói.

Ông cũng cho biết con trai Hoàng Văn Tuân thi khá tốt các môn trước, riêng môn Sử em chịu khó tự tìm tòi và am hiểu Lịch sử nên ông yên tâm khi con đi thi. (N.H.THANH - CHÍ TUỆ - DƯƠNG LIỄU - VĨNH HÀ - THU HẰNG - NAM TRẦN)

Thí sinh Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦN
Thí sinh Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦN

TP.HCM: Đề Sử bất ngờ!

Thí sinh có vẻ bất ngờ với đề thi Sử. - Ảnh: Phương Nguyễn
Thí sinh có vẻ bất ngờ với đề thi Sử. - Ảnh: Phương Nguyễn

Hết 2/3 thời gian, hơn 30 thí sinh thi tại điểm trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Q.Bình Thạnh) đã hoàn thành bài thi môn Sử. Em Nguyễn Khánh Duy, trường THPT Tân Phú (Q.9), lo lắng nói: “Em không làm được nhiều. Em dự đoán mình chỉ làm được 50%”.

Cùng tâm trạng với Duy, thí sinh Nguyễn Võ Hồng Ngọc, trường THPT Đào Sơn Tây (Q.9), chia sẻ: "Em đã ôn hết đến 90% kiến thức trong sách giáo khoa nhưng lại không làm tốt lắm. Em thấy đề hơi lạ vì thi Sử nhưng yêu cầu kiến thức mở nhiều. Đề ra những cái mà em bỏ qua, không ôn. Em làm chắc được khoảng 5 điểm thôi.” - Ngọc nói. 

Khoảng 9g30, nhiều thí sinh ra về tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn. Các thí sinh nhận định đề vừa sức, mở và một số câu đòi hỏi tư duy phân tích sự kiện, nằm ngoài sách giáo khoa.

Thí sinh Phạm Khánh Đặng, THPT Long Thượng cho biết em gặp khó khăn ở câu đầu tiên về đặc điểm lớn nhất của nguồn gốc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật sau thế kỷ XX. (NGỌC TUYỀN)

Tại hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM (Q.5) đã có rất đông thí sinh ra khỏi phòng thi sớm với vẻ mặt nhẹ nhõm. Theo nhận định của nhiều thí sinh, đề dù hơi dài nhưng tương đối dễ, thí sinh có thể dễ đạt được 6-7 điểm. Trong đó, câu cuối được nhiều thí sinh cho là ấn tượng, khơi gợi được cảm xúc khi làm bài.

"Em thấy đề thi năm nay hơi khó hơn so với năm ngoái, nhưng em nghĩ mình làm được khoảng 60%. Các bạn khác nếu học bài cẩn thận cũng dễ được điểm cao. Câu hỏi về giới trẻ rất hay và gần gũi với thực tế, gợi lên tinh thần yêu nước của học sinh", thí sinh Lê Trần Trung Hiếu, Trường THPT Nguyễn Thái Bình, nhận định.

Em Huỳnh Như, học sinh Trường THPT Tân Túc thì cho biết em khá bất ngờ vì trong phần lịch sử thế giới không ra về nước Mỹ. "Cô giáo em có dặn nhớ lưu ý đến sự kiện Tổng thống Obama sang năm VN nhưng trong đề thi lại không ra về vấn đề này như em dự đoán. Em nghĩ mình được 6 điểm", Như chia sẻ. 

Một số thí sinh tỏ ra khá buồn sau khi kết thúc môn Sử. - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN
Một số thí sinh tỏ ra khá buồn sau khi kết thúc môn Sử. - Ảnh: PHƯƠNG NGUYỄN

Tại điểm thi Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), thí sinh Thái Hà Ái Linh, trường THPT Trung Phú, huyện Củ Chi, cho biết: "Đề không như em dự đoán nhưng chủ yếu là kiến thức xã hội nên em vẫn làm bài tốt. Nếu bạn nào chỉ học thuộc đề cương thôi thì hơi khó để làm bài". 

Thí sinh vui vẻ vì làm được bài. - Ảnh: Đàm Na
Thí sinh vui vẻ vì làm được bài. - Ảnh: Đàm Na

Tuy nhiên, cũng có thí sinh cho rằng đề thi nhẹ, dễ làm. Tại điểm thi Trường THPT Trưng Vương, mới hết 2/3 giờ làm bài mà đã có nhiều thí sinh phấn khởi ùa ra khỏi cổng trường.

Thí sinh Võ Tấn Kiệt, học sinh Trường THPT Marie Curie vui vẻ nói: “Đề sử năm nay em nghĩ mấy bạn yêu môn sử sẽ thấy rất dễ thương, làm khá dễ. Đề có 3 điểm học thuộc thôi, còn lại là mở rộng. Riêng câu thứ hai rất dễ vì đã cho sẵn một bảng dữ liệu, chỉ cần mình chọn đúng là đã có điểm. Em cũng chọn thí Sử để xét tuyển thêm ĐH, CĐ”. (KIM LIÊN -THANH THẢO - ĐÀM NA - PHƯƠNG NGUYỄN - HẢI QUÂN) 

Bình Dương: nhăn nhó với đề Sử

Thí sinh Nguyễn Lý Hùng là người đầu tiên ra khỏi điểm thi trường ĐH Thủ Dầu Một - Ảnh: XUÂN AN
Thí sinh Nguyễn Lý Hùng là người đầu tiên ra khỏi điểm thi trường ĐH Thủ Dầu Một - Ảnh: XUÂN AN

So với các địa phương khác trên cả nước, số lượng thí sinh đăng ký môn Sử tại Bình Dương khá đông (hơn 1.400 thí sinh). Hết 2/3 thời gian thi, một số thí sinh đã bắt đầu rời khỏi phòng thi với tâm trạng không thoải mái.

Thí sinh Nguyễn Lý Hùng, người đầu tiên ra khỏi phòng thi cho rằng đề thi Sử hơi khó, có thể với các bạn thí sinh THPT thì có thể làm được nhưng với những thí sinh tự do thì hơi quá sức. Một thí sinh khác cho rằng, đề thi năm nay hơi dài, chỉ làm được khoảng 60% của đề.

Về lý do chọn môn Sử để thi, đa số thí sinh đều nói rằng do đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ khối C nên mới thi môn này. Nếu chỉ để để thi tốt nghiệp thì sẽ không chọn. (XUÂN AN)

An Giang: Thí sinh than khó vì đề ra bên ngoài nhiều

Hàng loạt thí sinh ra về sớm - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hàng loạt thí sinh ra về sớm - Ảnh: BỬU ĐẤU

Khoảng 9g30, hàng loạt thí sinh tại điểm thi số 4, cụm thi 59 trường Đại học An Giang ồ ạt rời khỏi điểm thi. Nhiều em cho rằng đề thi có một phần trúng tủ và dễ nhưng để đạt điểm tuyệt đối thì khó.

Bước ra khỏi trường đầu tiên, thí sinh Châu Minh Tuấn cho biết: “Đề thi năm nay khó hơn năm rồi vì cho bên ngoài nhiều. Chủ yếu là cho chiến dịch Điện Biên phủ. Tại em đam mê nghề công an nên mới chọn thi Sử. Năm nay chắc em làm khoảng 7 điểm”.

Thí sinh Dương Bích Phương, huyện Phú Tân, cho biết so với các môn thi trước đó thì môn Sử và Địa lý thì em làm được hơn. “Em không giỏi tính toán nên em chọn thi môn Sử. Vì đề năm nay cho bên ngoài nhiều nên môn này chắc em đạt khoảng 5 điểm” - em Phương nói.

Thí sinh Huỳnh Thị Thiện Như, huyện Phú Tân, cho biết có một phần trúng vào “tủ” nhưng đề ra bên ngoài nhiều nên hơi khó. “Bản thân em làm chừng 5 điểm. Sở dĩ em chọn môn Sử vì em học bài được hơn. Em hy vọng môn này đạt trên điểm trung bình là mừng rồi” - em Như nói.  

Theo báo cáo từ Hội đồng thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2016 tại Cụm thi trường Đại học An Giang cho biết, trong đợt thi môn Sử sáng nay 4 – 7, có 2 điểm thi (3 và 4) với tổng số thí sinh thi là 2.483 em, đạt tỷ lệ 93,70%. (BỬU ĐẤU) 

Đà Nẵng: Sử có nhiều câu “cho điểm”, thí sinh ra sớm

Nhiều thí sinh thi sử tại Đà Nẵng ra sớm khi vừa hết 2/3 thời gian thi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Nhiều thí sinh thi sử tại Đà Nẵng ra sớm khi vừa hết 2/3 thời gian thi - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại điểm thi trường CĐ Lương thực thực phẩm Đà Nẵng, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi khi mới hết 2/3 giờ thi môn lịch sử. Theo nhiều thí sinh, đề thi sử năm nay dễ, nhiều câu “cho điểm” nên thí sinh làm được.

Thí sinh Ngô Thị Xuân Vy cho biết đề thi dễ vì không nặng về việc nhớ các mốc thời gian mà đòi hỏi thí sinh tư duy phân tích. “Em thấy chỉ có một vài câu là phải học thuộc như câu “nêu vai trò của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên”, câu “nguồn gốc cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật” còn lại các câu khác thí sinh có kiến thức thì đều làm được. Với đề thi này thì chắc là điểm 5 sẽ nhiều và không có điểm liệt”, Vy nói.

Trong khi đó thí sinh Dương Thị Ngọc Vy lại nhận định đề có nhiều câu “cho không điểm”: “Em thấy như câu phân tích về “đại đoàn kết” hay câu về sự tác động của chiến dịch Điện Biên Phủ là những câu cho không thí sinh điểm. Đề dễ vì ra toàn kiến thức cơ bản, chỉ cần hiểu ý là có điểm liền”.

Thí sinh Lê Huỳnh Việt, người ra khỏi phòng thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Trần Phú - Ảnh: TẤN LỰC
Thí sinh Lê Huỳnh Việt, người ra khỏi phòng thi đầu tiên tại điểm thi Trường THPT Trần Phú - Ảnh: TẤN LỰC

Tại điểm thi Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng, nhiều thí sinh cũng ra về sau 2/3 thời gian làm bài thi. Thí sinh Lê Huỳnh Việt (Trường THPT Phan Chu Trinh) cho biết đề Lịch sử ngắn gọn. Phần lịch sử thế giới cũng "dễ nhằn" với nội dung hỏi về cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đầu thế kỷ XX.

Theo Việt, đề Lịch sử năm nay ra theo hướng mở. Thí sinh không cần phải học thuộc bài, chỉ cần am hiểu một chút và có tư duy xâu chuỗi sự kiện, đưa ra nhận định tốt là có thể làm được.

Thí sinh Trần Ngọc Anh (Trường THPT Thái Phiên), cho hay trước khi bước vào thi môn Lịch sử đã ôn kỹ các nội dung về biển đảo và các sự kiện cách mạng thời gian 1945. Dù "trật tủ" nhưng Anh vẫn tự tin vào kết quả thi vì đề không quá khó. 

Tuy nhiên thí sinh Nguyễn Thị Thanh Phương (Trường THPT Trần Phú), lại cho rẳng đề thi Lịch sử khó hơn năm ngoái. Theo Phương, với kiểu ra đề này đòi hỏi thí sinh phải thư duy nhiều hơn, bản thân Phương chỉ làm được khoảng 6 điểm nên cảm thấy lo lắng. (TRƯỜNG TRUNG - TẤN LỰC)

Đắk Nông: đề thi bất ngờ, thí sinh “xoay không kịp”

Thí sinh kết thúc môn thi Sử tại trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Ảnh: THÁI THỊNH
Thí sinh kết thúc môn thi Sử tại trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Ảnh: THÁI THỊNH

Hết 2/3 thời gian thi môn Sử, tại điểm thi trường THPT Gia Nghĩa (Đắk Nông) đã có lác đác thí sinh bước ra. Đa số đều chung một nhận định rằng đề Sử năm nay khó hơn mọi năm và gây bất ngờ.

“Phần lịch sử Việt Nam thì trước nay bọn em học ở trường đều tập trung học ở phần lịch sử từ năm 2000 trở lại. Nhưng đề năm nay lại ra chính sách của Đảng hiện nay, Việt Nam cách mạng thanh niên nên bọn em đều không làm được câu này. Còn phần thế giới lại ra về khoa học gây bất ngờ, môn thi này em chỉ mong được 5 điểm”, thí sinh Hoài Lâm (trường THPT Chu Văn An, thị xã Gia Nghĩa) nói.

Thí sinh Nguyễn Thị Mỹ Linh (Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng) cũng nói đề năm nay "làm khó" thí sinh, những phần bạn tập trung ôn từ trước đến nay đều không có trong đề. (THÁI THỊNH)

Đắk Lắk: Đề dễ hơn tưởng tượng

Sau 2/3 thời gian thí sinh Đắk Lắk đã ra về gần hết - Ảnh: Lĩnh Hồng
Sau 2/3 thời gian thí sinh Đắk Lắk đã ra về gần hết - Ảnh: Lĩnh Hồng

Sau 2/3 thời gian thi, thí sinh tại điểm thi Trường ĐH Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã về gần hết. Theo đánh giá chung của các thí sinh, đề Sử khá dễ và "chỉ cần học thuộc lòng là đủ".

Thí sinh Bùi Thị Thu Hà vui vẻ cho biết: "Đề dễ hơn tưởng tượng. Nếu ai học thuộc lòng thì chẳng cần hết 2/3 đã chép xong" - Hà vui vẻ nói.

Còn thí sinh H' út Êban thì cho biết đề có mở ở câu cuối nhưng không quá khó. "Câu bốn yêu cầu trình bày suy nghĩ về đại đoàn kết dân tộc. Với câu mở này thì vừa tầm chứ không quá khúc mắc. Nói chung đề khá dễ"- H'út cười tươi nói. (LĨNH HỒNG)

Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi môn Lịch sử tại trường ĐH Nha Trang (Khánh Hoà) - Ảnh: TIẾN THÀNH
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi môn Lịch sử tại trường ĐH Nha Trang (Khánh Hoà) - Ảnh: TIẾN THÀNH
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi môn Lịch sử tại trường ĐH Nha Trang (Khánh Hoà) - Ảnh: TIẾN THÀNH
Những thí sinh đầu tiên ra khỏi phòng thi môn Lịch sử tại trường ĐH Nha Trang (Khánh Hoà) - Ảnh: TIẾN THÀNH

 

Thái Nguyên: Không cần học thuộc cũng có thể lấy điểm trung bình
 

Một trong những thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi ĐH Sư phạm Thái Nguyên sau môn thi Lịch sử - Ảnh: Quang Thế
Một trong những thí sinh ra sớm nhất tại điểm thi ĐH Sư phạm Thái Nguyên sau môn thi Lịch sử - Ảnh: Quang Thế

Sau 2/3 thời gian nhiều thí sinh tại điểm thi ĐH Sư phạm Thái Nguyên đã ra về. Đa phần thí sinh đánh gia đề không quá khó và nội dung thi cũng không phải học thuộc nhiều.

Thí sinh Nguyễn Trọng Nam (trường THPT Định Hóa) cho biết sau kì thi sẽ dùng môn Sử xét tuyển vào ngành công an. Nam đánh giá thí sinh ở mức trung bình cũng có thể lấy điểm cao vì đề không ưu cầu phải học thuộc, máy móc.

Thí sinh Chu Bảo Linh (TP. Yên Bái, Yên Bái) có nguyện vọng xét tuyển khối C trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết đề thi ở mức trung bình, các bạn không học chuyên Sử cũng có thể làm hết do đề thi mang tính mở hơn, giảm đi đáng kể tỷ lệ nội dung học thuộc lòng.

Thí sinh Nguyễn Thu Trang (THPT Đào Duy Từ, TP. Thái Nguyên) hào hứng chia sẻ về câu 4 trong đề thi mang nội dung mở khi hỏi về đại đoàn kết dân tộc và trách nhiệm của giới trẻ trong vấn đề này. Điều này làm cho môn Sử gần gũi hơn với thực tế xã hội cuộc sống.

Thí sinh Công Thị Loan (xã Long Phúc, huyện Bảo Yên, Lào Cai) cho rằng đề thi không khó, có thêm câu hỏi mở rất hay. Loan xét tuyển khối D. Môn Sử không phải thế mạnh nhưng vẫn có thể làm tốt nội dung đề thi. (HOÀI NAM - QUANG THẾ)

Cần Thơ: đề Sử quá khô

Thí sinh trao đổi sau khi thi môn Sử - Ảnh: T.TRANG
Thí sinh trao đổi sau khi thi môn Sử - Ảnh: T.TRANG

Tại cụm thi trường ĐH Cần Thơ, hầu hết thí sinh than đề Sử năm nay khó hơn năm rồi, đồng thời khô khan, không hấp dẫn.

Thí sinh Đào Hoàng Thương, trường THPT Châu Văn Liêm cho biết đề thi năm nay đòi hỏi thí sinh phải vận dụng kiến thức nhiều bài học trong sách giáo khoa, điển hình câu hỏi về cuộc tổng tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, và chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Những thí sinh nào không nắm rõ sẽ dễ sa bẫy vì câu hỏi mặc dù nói giai đoạn nhưng mình phải luận ra cả quá trinh, hơi phức tạp để rút lại”, Thương than.

Thí sinh Nguyễn Thị Minh Phúc, học sinh trường THPt chuyên Lý Tự Trọng thì cho rằng đề Sử năm nay quá khô, bạn nào học tủ sẽ dễ trật vì đề thi dàn trải nhiều giai đoạn. Nhất là câu hỏi cuối về đại đoàn kết là câu hỏi mở, lại là phần cuối của sách giáo khoa nên ít ai chú ý. (THÙY TRANG)

Quảng Nam: thí sinh khen câu hỏi mở hay

Thí sinh Quảng Nam vui vẻ sau giờ thi môn Sử - Ảnh: LÊ TRUNG
Thí sinh Quảng Nam vui vẻ sau giờ thi môn Sử - Ảnh: LÊ TRUNG

Tại điểm thi trường ĐH Quảng Nam, nhiều thí sinh thi môn Sử nộp bài thi ra khỏi phòng khá sớm, ngay khi hết 2/3 giờ làm bài thi. Nhiều thí sinh cho hay đề Sử năm nay có phần dễ thở hơn năm ngoái.

Thí sinh Nguyễn Thành Nam nói đề khó nhất chỉ có câu 3 về phân tích chiến lược Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ, đa phần thí sinh gặp khó khăn trong câu này vì nó không chỉ yêu cầu thuộc bài mà còn phải có tư duy sâu.

“Còn câu 4 xoáy sâu vào vấn đề đại đoàn kết dân tộc là câu hỏi mở, đa phần thí sinh có thể viết theo lối mở. Em thấy hay nhất là phần hỏi thế hệ trẻ cần phải làm gì để phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, vì rất gần gũi, đó cũng là trách nhiệm của chúng em, những thế hệ trẻ của đất nước”,Nam nói.

Còn thí sinh Đoàn Ngọc Sơn cho biết đề thi năm nay vừa sức với thí sinh. Đề vừa mở mà vừa vận dụng kiến thức, quá trình làm bài khá nhanh gọn. “Em thấy đề năm nay rất hay, em tự tin làm khoảng hơn 75%”, Sơn "khoe" (LÊ TRUNG)

Quảng Ngãi: Để Sử mở, thí sinh thể hiện khả năng viết lách

Hai nữ thí sinh hào hứng bước ra khỏi điểm thi Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Trần Mai
Hai nữ thí sinh hào hứng bước ra khỏi điểm thi Võ Nguyên Giáp - Ảnh: Trần Mai

Tại điểm thi trường THPT Võ Nguyễn Giáp, thí sinh Lê Mai Anh Thư cho biết rất bất ngờ với đề Sử bởi đề mở không bám sát vào sách giáo khoa. Câu cuối rất thú vị khi thí sinh thể hiện được tinh thần yêu nước của mình bằng cách thể hiện quan điểm của người trẻ với tinh thần đoàn kết bao đời của dân tộc Việt Nam.

“Em thấy rất thú vị, cách tổ chức đề cũng không quá nhiều trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, tụi em phải nhớ sự kiện mới có thể làm được. Đây là một cách tổ chức đề bất ngờ”, Trang nói.

Phần đông thí sinh nở nụ cười khi bước ra khỏi phòng thi dù thời tiết rất nắng nóng. Thí sinh Bùi Quốc Bảo, học sinh trường THPT chuyên Lê Khiết, cho rằng đề Sử na ná đề Văn, hai câu đầu dễ lấy điểm, còn những câu sau có cả kiến thức giáo khoa lẫn kinh nghiệm sống và suy nghĩ của từng thí sinh đưa vào bài viết. Còn câu cuối cùng thí sinh thỏa mái thể hiện suy ngh

“Đây là một đề thi Sử thể hiện tư duy và khả năng viết lách của từng bạn. Phân loại thí sinh không phải từ việc học thuộc bài mà căn cứ vào sự hiểu biết thời cuộc. Nói chung em hài lòng với đề và hất hứng thú”, Bảo nói. (TRẦN MAI)

Phụ huynh đón con tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Vinh sau bài thi môn Sử -Ảnh: DOÃN HÒA
Phụ huynh đón con tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Vinh sau bài thi môn Sử -Ảnh: DOÃN HÒA
Thí sinh trao đổi bài môn Lịch sử tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA
Thí sinh trao đổi bài môn Lịch sử tại điểm thi Trường ĐH Công nghiệp Vinh - Ảnh: DOÃN HÒA
Phụ huynh đợi con thi tại điểm thi ở Đắk Lắk - Ảnh: LĨNH HỒNG
Phụ huynh đợi con thi tại điểm thi ở Đắk Lắk - Ảnh: LĨNH HỒNG
Mẹ nghe con kể chuyện làm bài sau giờ thi - Ảnh: LÊ TRUNG
Mẹ nghe con kể chuyện làm bài sau giờ thi - Ảnh: LÊ TRUNG
Phụ huynh đón con tại điểm thi trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Ảnh: XUÂN AN
Phụ huynh đón con tại điểm thi trường ĐH Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Ảnh: XUÂN ANNét mặt trầm lắng của các thí sinh tại điểm thi trường ĐH sư Phạm Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦNCác thí sinh tại điểm thi trường ĐH sư Phạm Hà Nội sau khi hoàn thành môn Sử - Ảnh: NAM TRẦN
NHÓM PHÓNG VIÊN TUỔI TRẺ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên