29/04/2015 10:40 GMT+7

​Đề phòng trẻ ngạt nước

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
BS NGUYỄN THÀNH ÚC

TT - Chỉ một chút sơ suất, hai đứa trẻ bị ngạt nước, trong đó có một bé nguy cơ để lại di chứng.

Bé H.M.T., 26 tháng tuổi, ở huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, theo ghe của gia đình đi bán tạp hóa dọc sông Tiền, đến Mỹ Tho thì neo ở bến sông. Trong lúc mẹ đang giặt quần áo, bé ngồi kế bên chơi thì lọt tõm xuống sông. Một lúc sau bé mới được cứu lên.

Lúc nhập viện bé hôn mê sâu, phải thở máy, đồng tử hai mắt giãn rộng. Nếu bé được cứu sống cũng để lại di chứng thần kinh. Còn bé N.T.N., 16 tháng tuổi, nhà ở Tiền Giang, may mắn hơn. Bé N. được anh trông coi. Một lúc sau mẹ bé N. phát hiện bé bị chúi đầu vào xô nước, bất động.

Mẹ bé N. bế con ra khỏi xô rồi xốc nước, thấy con khóc được nên đưa vào bệnh viện. Sau hai ngày điều trị bé N. thoát qua cơn hiểm nghèo.

Khi sơ cứu người ngạt nước, nếu nạn nhân bị ngạt nước tại sông, suối, rạch... cần kiểm tra xem có vật gì trong miệng và nhanh chóng lấy ra bằng tay, tiếp đến là hà hơi thổi ngạt.

Thổi hai cái có hiệu quả (thổi có hiệu quả là nhìn thấy lồng ngực nạn nhân nhô lên theo nhịp thổi, hoặc thổi năm cái với nhịp bình thường). Nếu nạn nhân ngưng tim thì nhanh chóng ấn tim ngoài lồng ngực.

Ấn vào vùng nửa dưới xương ức của nạn nhân, nếu trẻ dưới 1 tuổi dùng hai ngón tay cái ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú khoảng bằng bề ngang một ngón tay, ấn tim năm cái, thổi ngạt một cái.

Nếu trẻ trên 1 tuổi và người lớn, dùng hai bàn tay đặt chồng lên nhau ấn vào phía trên mỏm ức khoảng hai lần bề ngang của ngón tay, ấn 15 cái, thổi hai cái.

BS NGUYỄN THÀNH ÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên