Đảo Lofoten, Na Uy - một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - Ảnh: CNN
Tháng 7-2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết 65/309 "Hạnh phúc: Hướng tới một định nghĩa toàn diện về phát triển" kêu gọi các nước đo lường mức độ hạnh phúc của người dân và sử dụng các dữ liệu đó để giúp hướng dẫn chính sách công.
Tất nhiên, không phải cứ nước giàu hay công nghiệp hóa... sẽ hạnh phúc, và ngược lại GDP/đầu người không được cao lại kém hạnh phúc, tỉ như Bhutan.
Thế là từ năm 2012 tới năm nay, Liên Hiệp Quốc cứ đến tháng 3, 4 lại công bố báo cáo hạnh phúc. Mỗi báo cáo, ngoài bản danh sách "chấm điểm" toàn cầu còn là một "đại khảo luận" mà mỗi chương trong từng bản báo cáo hằng năm vừa giải thích cho những người "làm chính sách" ở các nước vừa hướng họ đến suy nghĩ các vấn đề vừa được nghiên cứu trong năm vừa qua.
Có những chủ đề rất cần được chiêm nghiệm, tỉ như chương 4 của Báo cáo hạnh phúc 2015: "Hoạch định chính sách như thế nào khi hạnh phúc là mục tiêu?". Chương này cổ xúy một cách phân tích mới để đánh giá tỉ lệ lợi ích/chi phí của các chi tiêu của chính phủ: hãy thiết lập thêm yêu cầu "mức độ hạnh phúc gia tăng" khi thiết kế các dự án.
Nghĩa là các nhà hoạch định chính sách, nếu chính phủ đó nhất định chọn "hạnh phúc" làm bảng hiệu của mình, không chỉ đề ra dự án này dự án kia thuần lợi lộc kinh tế, mà còn phải ưu tiên nghĩ đến làm sao tăng hạnh phúc cho những ai đang hạnh phúc, đồng thời giảm bớt đau khổ của những người khốn khổ, cũng như các gánh nặng đối với hạnh phúc của các thế hệ tương lai.
Những truy cứu trách nhiệm về những mất mát "đổ xuống sông, xuống biển" của các dự án tỉ USD đầu tư trong lĩnh vực dầu khí, gang thép... ở Việt Nam sẽ chỉ có ý nghĩa đầy đủ một khi được tiếp nối bằng một cách tư duy mới, "dự án này có đem lại hạnh phúc cho đại đa số người dân hay không, đến đâu, có làm khổ những ai?".
Một chương khác, chương 8, "Đầu tư vào vốn xã hội", cũng đang cần được phóng chiếu vào trong thực tế của những người cần được bảo vệ như phụ nữ và trẻ em. Chương này cổ xúy hãy "duy xã hội" bằng các hành vi ủng hộ xã hội: trung thực, nhân từ, hợp tác và tính đáng tin cậy.
Các nhà nước được khuyến nghị đầu tư vào vốn xã hội thông qua giáo dục, hướng dẫn đạo đức, quy tắc ứng xử chuyên nghiệp, trừng phạt công khai, lên án những người vi phạm niềm tin của công chúng như vụ phạt "như đùa" 200.000 đồng người đàn ông cưỡng hôn cô gái trong thang máy mới đây.
Các chính sách, luật lệ, quy định pháp luật và cả xu hướng truyền thông, giáo dục... ở Việt Nam cần chú trọng "duy xã hội" như Liên Hiệp Quốc gợi ý. Các báo cáo hạnh phúc này cũng cần được đọc như là cẩm nang quản trị để người dân hạnh phúc như ở các nước khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận