19/07/2012 08:44 GMT+7

Đề nghị xử lý tài chính 21.700 tỉ đồng

CẦM VĂN KÌNH
CẦM VĂN KÌNH

TT - Tập đoàn Điện lực VN (EVN) không hạch toán hàng ngàn tỉ đồng, Bộ GD-ĐT thu học phí vượt quy định hàng chục tỉ đồng, nhiều địa phương cho mượn đất, đầu tư sai quy định...

Thông tin này được Kiểm toán Nhà nước (KTNN) công bố ngày 18-7.

kZ1tQYWN.jpgPhóng to
Hàng tỉ đồng cho thuê cột điện đã không được EVN hạch toán vào nguồn thu - Ảnh: Châu Anh

Tại buổi công bố kết quả kiểm toán năm 2011 về ngân sách năm 2010, KTNN cho biết năm 2011 cơ quan này đã kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010 của 268 doanh nghiệp thuộc 21 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

EVN không hạch toán hàng nghìn tỉ đồng

Trong khi EVN luôn kêu lỗ, thì nổi bật trong phần kiến nghị của KTNN là thông tin khá bất ngờ: EVN đã không hạch toán hàng ngàn tỉ đồng và họ còn có thể giảm giá thành.

Bộ Tài chính phải trả nợ thay ngày càng nhiều

Theo KTNN, số tiền Bộ Tài chính phải ứng ra trả nợ thay cho các dự án, đơn vị được Chính phủ bảo lãnh đến

ngày 31-12-2009 là 1.300 tỉ đồng. Năm 2010 đã tăng lên trên 1.600 tỉ đồng, năm 2011 trên 2.400 tỉ đồng. KTNN còn “nhắc” đến năm 2010 Luật quản lý nợ công đã có hiệu lực một năm nhưng chưa có hướng dẫn, nên hầu hết các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh vẫn... không có phương án trả nợ.

Về nợ công, KTNN đánh giá Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ, chưa công khai thông tin đầy đủ về tổng nợ công...

Cụ thể, quy chế tài chính hiện hành của EVN đã bỏ các khoản thu có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện như: thu từ công suất phản kháng, cho thuê cột điện, thanh lý, nhượng bán vật tư sản xuất kinh doanh điện, lãi từ hoạt động tài chính, lãi từ liên doanh liên kết và sản xuất khác... KTNN cho rằng các khoản lãi trên phải được hạch toán giảm giá thành điện.

Theo ông Lê Minh Khái, phó tổng KTNN, các khoản cho thuê cột điện, nhượng bán vật tư... được tới trên 400 tỉ đồng, nếu hạch toán vào thu thì sẽ giúp giảm giá thành khoảng 5 đồng/kWh điện. Lãi khoản đầu tư, kinh doanh khác được tới trên 2.900 tỉ đồng, nếu hạch toán cũng giúp giảm được 29 đồng/kWh. Tổng hợp, nếu tính đủ các khoản thu kể trên, có thể giảm giá thành điện tới 34 đồng/kWh. Ông Khái cho biết đã yêu cầu EVN rà soát để báo cáo Bộ Tài chính các khoản thu này.

KTNN cũng cho biết đa số tập đoàn, tổng công ty có đầu tư ngoài ngành. Có doanh nghiệp đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính vượt cả vốn điều lệ, một số tổng công ty như ximăng, hàng hải, điện lực, than... đầu tư ra ngoài ngành bằng 4-12% vốn điều lệ.

Về việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách, đa số doanh nghiệp nhà nước kê khai các khoản phải nộp chưa đầy đủ. Số thuế và các khoản còn phải nộp ngân sách đến ngày 31-12-2010 của các tập đoàn, tổng công ty đã được KTNN xác định phải nộp thêm lên tới trên 7.500 tỉ đồng.

Học phí thu vượt quy định gần 60 tỉ đồng

Điều đáng suy nghĩ là trong phần chấp hành quy định nộp ngân sách, báo cáo của KTNN nêu rõ tình trạng phổ biến của hạch toán thiếu doanh thu, đưa vào chi phí những khoản không hợp lý, tính sai diện tích khi xác định tiền sử dụng đất... dẫn đến việc nộp vào ngân sách thấp so với thực tế. KTNN cho biết đã phải kiến nghị tăng nộp ngân sách với Bộ GD-ĐT gần 53 tỉ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM gần 24 tỉ đồng, Đài truyền hình VN 12,8 tỉ đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội 7,3 tỉ đồng...

KTNN cũng cho rằng một số bộ, ngành chưa khắc phục những sai sót từ năm trước trong quản lý thu nên đã thu nhiều khoản vượt quy định. KTNN nêu đích danh Bộ Công thương đã thu học phí vượt mức quy định tới 146,5 tỉ đồng, Bộ GD-ĐT thu học phí vượt quy định 59,1 tỉ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu vượt trên 37 tỉ đồng. Bộ GD-ĐT cũng thu ngoài chế độ tới gần 36 tỉ đồng, Đại học Quốc gia TP.HCM thu ngoài chế độ gần 10 tỉ đồng, Đại học Quốc gia Hà Nội thu ngoài chế độ 2,6 tỉ đồng...

Đồng loạt chi vượt dự toán

Theo KTNN, năm 2010 đã có 34/34 tỉnh thành được kiểm toán đều chi vượt dự toán chi thường xuyên, trong đó có 8/34 tỉnh thành có mức vượt trên 25%. Đáng lưu ý, các tỉnh thành đã dùng tới gần 800 tỉ đồng tiền tăng thu từ thu tiền sử dụng đất, tiền dùng để cải cách tiền lương... để chi thường xuyên sai quy định.

Về mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, KTNN cho biết 18/34 địa phương quản lý tài sản thiếu chặt chẽ, để xảy ra sai phạm như mua sắm tài sản không đúng quy định Luật đấu thầu, chưa theo dõi đầy đủ tài sản cố định... Điển hình là Cần Thơ mua tài sản không đúng Luật đấu thầu, trang bị tài sản không cần thiết.

KTNN cũng nêu có bộ, ngành, địa phương vẫn bố trí vốn đầu tư dàn trải, thậm chí còn đưa vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, không đúng đối tượng. Hải Phòng dùng trên 61 tỉ đồng ngân sách chi cho việc không thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của địa phương; Ninh Thuận sử dụng nguồn tài trợ tạm ứng cho công trình nhà khách UBND tỉnh không thuộc danh mục dự án đầu tư tới 10 tỉ đồng...

Kết quả chung, KTNN đề nghị xử lý tài chính tới 21.700 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ USD). KTNN cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có khuyết điểm, sai phạm được nêu...

Sai sót của cơ sở

Trao đổi về kết quả kiểm toán liên quan đến Bộ GD-ĐT, ông Bùi Hồng Quang, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính, giải thích việc thu học phí vượt quy định 59,1 đồng tỉ và thu ngoài chế độ 36 tỉ đồng là sai sót của các cơ sở giáo dục trực thuộc Bộ GD-ĐT. Bộ đã có văn bản nhắc nhở gửi tới từng cơ sở giáo dục để rút kinh nghiệm, đồng thời khi duyệt quyết toán của năm kế tiếp bộ cũng kiểm tra việc thực hiện nhắc nhở trên để không tái diễn việc thu vượt, thu sai.

Cần Thơ không sai

Liên quan đến báo cáo kiểm toán năm 2011 trong đó có nêu Cần Thơ mua tài sản không đúng Luật đấu thầu, trang bị tài sản không cần thiết, ông Lê Văn Thống - phó giám đốc Sở Tài chính Cần Thơ - cho biết địa phương không mua sắm tài sản trái với Luật đấu thầu. Tuy nhiên, ông Thống thừa nhận việc bố trí phương tiện công (ôtô) đi lại cho các đơn vị Liên minh HTX, Hội Văn học nghệ thuật... là đặc thù và đúng quy định.

CẦM VĂN KÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên