Xem toàn cảnh thông tin về vụ việc bà Đặng Thị Hoàng Yến
Phóng to |
Hội nghị có sự tham dự của bà Tòng Thị Phóng - ủy viên Bộ Chính trị, phó chủ tịch QH và trưởng Ban công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ QH) Nguyễn Thị Nương.
Vi phạm tư cách
Bản thông báo ngắn gọn được Đoàn chủ tịch cho phát đi ngay sau khi kết thúc hội nghị nêu rõ: “Hội nghị tiến hành xem xét tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến, đại biểu QH khóa XIII thuộc Đoàn đại biểu QH tỉnh Long An. Sau khi nghe đại diện Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ VN trình bày các nội dung liên quan, các đại biểu nêu nhiều ý kiến thảo luận với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, phân tích rõ những vấn đề mà bà Đặng Thị Hoàng Yến đã vi phạm tư cách đại biểu QH theo quy định của pháp luật. Hội nghị biểu quyết với 100% ý kiến tán thành kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét và trình QH bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến”. Thông báo cho biết “sẽ khẩn trương phản ánh kết quả của hội nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật”.
"Những vấn đề về đời tư tôi không bình luận, chỉ riêng vấn đề nếu là đảng viên rồi nhưng lại không khai trong lý lịch thì đây là sự không trung thực Ông Lê Như Tiến " |
Vỡ ra nhiều vấn đề
Nội dung nhận được nhiều ý kiến phát biểu sôi nổi tại hội nghị, theo ông Phạm Quốc Anh, là “đằng sau vụ bà Yến mới vỡ ra nhiều vấn đề trong công tác bầu cử cần phải rút kinh nghiệm”. Ông cho rằng để xảy ra tình trạng thiếu trung thực trong hồ sơ ứng cử của bà Yến có trách nhiệm của Ủy ban bầu cử và MTTQ VN tỉnh Long An, nhưng đại diện Ủy ban MTTQ VN tỉnh Long An trả lời mình không thiếu sót là không đúng. “Bà Yến sống tại đó, kinh doanh ở đó, những vấn đề dư luận đặt ra, dư luận xì xào thì các cơ quan phụ trách bầu cử phải lập tức thẩm tra, xem xét, làm rõ. Đằng này hồ sơ của bà Yến có những khoảng trống về đảng tịch, về một số giai đoạn làm gì, ở đâu không ghi rõ mà không được xem xét kỹ thì Ủy ban bầu cử và MTTQ VN ở địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Đây là bài học cho thấy rằng việc xem xét, thẩm tra hồ sơ, nhân thân ứng cử viên đại biểu QH cần phải làm kỹ hơn nữa” - ông Quốc Anh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngay sau hội nghị, ông Lê Truyền - ủy viên Đoàn chủ tịch - nhận xét: “Những vấn đề liên quan đến bà Yến được báo chí, dư luận đặt ra ngay khi bầu cử và trước kỳ họp thứ nhất của QH nhưng đến nay mới xử lý được là chậm, chưa đáp ứng mong mỏi của nhân dân”. Theo ông Truyền, với các vấn đề nêu trên, nếu các cơ quan chức năng quyết liệt thì hoàn toàn có thể xác minh, kết luận sớm và xem xét ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Đồng tình với ông Phạm Quốc Anh, ông Lê Truyền nói: “Cần rút kinh nghiệm nhiều mặt đối với các cơ quan chức năng tiến hành cuộc bầu cử. Ví dụ, xung quanh vấn đề lập hồ sơ thì phải kiểm tra, xác minh rõ ràng lý lịch, nhân thân, sự trung thực của bản kê khai tài sản và nguồn gốc tài sản. Cơ quan nội vụ tiếp nhận hồ sơ phải có xác minh, chứ không phải chỉ là việc tiếp nhận hành chính thông thường. Phải chú ý lắng nghe dư luận, cử tri nơi cư trú, nơi công tác trước khi hiệp thương lần cuối cùng. Làm sao để đến khi dân chọn, dân bầu thì dân phải có đầy đủ thông tin”.
Có thể giải quyết trong kỳ họp QH tới
Về trình tự xem xét tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến tiếp sau hội nghị Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN, ông Lê Như Tiến (phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH) cho biết: “Hiện Ủy ban Thường vụ QH đang họp đến hết ngày 20-4. Nếu MTTQ VN kịp thời có kiến nghị thì có thể được Ủy ban Thường vụ QH xem xét ngay, hoặc chờ đến phiên họp tiếp theo của Ủy ban Thường vụ QH”.
Theo ông Tiến, Ủy ban Thường vụ QH là nơi quyết định có hay không việc trình QH bãi nhiệm đại biểu Đặng Thị Hoàng Yến. “Tôi tin tưởng khi Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN đã thảo luận, phân tích kỹ lưỡng và thể hiện sự đồng thuận cao như vậy, một số cơ quan khác từ địa phương đến trung ương cũng đã có ý kiến, chắc rằng Ủy ban Thường vụ QH sẽ thể hiện quan điểm rõ ràng. Về mặt thời gian, các công việc liên quan hoàn toàn có thể được thực hiện từ nay cho đến kỳ họp QH vào cuối tháng 5 và được quyết định bởi QH trong kỳ họp đó” - ông Tiến nói.
Ông Tiến cho biết theo quy định của luật, đại biểu QH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân thì tùy mức độ phạm sai lầm mà bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm. Trong trường hợp QH bãi nhiệm đại biểu QH, việc bãi nhiệm phải được ít nhất 2/3 tổng số đại biểu QH biểu quyết tán thành. “QH trước đây từng bãi nhiệm hai trường hợp là đại biểu Mạc Kim Tôn (nguyên giám đốc Sở Giáo dục - đào tạo tỉnh Thái Bình) và đại biểu Lê Minh Hoàng (nguyên giám đốc Công ty Điện lực TP.HCM). Căn cứ vào thực tế quy trình bãi nhiệm hai trường hợp này cũng như theo các quy định hiện hành, sau khi Ủy ban Thường vụ QH có tờ trình ra QH và được QH nhất trí đưa vào chương trình kỳ họp, việc bãi nhiệm sẽ được thảo luận tại các đoàn đại biểu QH, tiếp đó Ủy ban Thường vụ QH họp để cho ý kiến về báo cáo kết quả thảo luận ở đoàn đại biểu QH và cuối cùng đưa ra QH bỏ phiếu bãi nhiệm”-ông Tiến nói.
Ông Tiến còn cho rằng việc xác minh thông tin liên quan đến ứng cử viên đại biểu QH cũng như các bước hiệp thương để đi đến bầu cử thường được thực hiện rất chặt chẽ. Như vậy cần làm rõ trách nhiệm ở khâu nào khi xảy ra vấn đề liên quan đến bản khai lý lịch của đại biểu QH. “Đơn cử như đã từng kết nạp Đảng thì không thể nói là không ai biết, mà sao qua các vòng hiệp thương vẫn không phát hiện” - ông Tiến nhấn mạnh.
Bà Yến giải thích như vậy là ngụy biện
Theo bà Hoài Thu, bà Hoàng Yến vi phạm tiêu chuẩn đầu tiên của ứng cử viên đại biểu QH đó là tính trung thực. Bà Hoài Thu nói: “Việc bà Hoàng Yến giải thích trên báo Lao Động ngày 18-4 cho rằng mình đã là đảng viên nhưng do bận làm ăn, bận đi Mỹ tìm hiểu thị trường nên không có thời gian sinh hoạt Đảng, không chuyển hồ sơ Đảng về địa phương. Do không sinh hoạt Đảng quá lâu nên bà tự thấy mình không còn là đảng viên nên không khai và làm như vậy là trung thực với bản thân mình... Tôi cho rằng giải thích như vậy là ngụy biện”. Bà Hoài Thu cho biết yêu cầu quan trọng nhất của ứng cử viên là trung thực, tức là mọi chuyện đều phải khai một cách trung thực. Bà Hoàng Yến bận làm ăn mà không sinh hoạt Đảng thì chắc chắn không có thời gian để làm đại biểu QH vì làm đại biểu QH ít nhất phải dành 1/3 thời gian cho công việc. QH là nơi tập hợp những người ưu tú nhất chứ không phải chỉ tập hợp đảng viên. Bác sĩ Trần Thành Trai, bác sĩ Trần Đông A từng là đại biểu QH nhưng không phải là đảng viên. Có người từng làm việc cho chế độ cũ trúng cử đại biểu QH và cũng làm rất tốt. Do đó việc bà Hoàng Yến né tránh, không khai rõ từng là đảng viên rồi bỏ sinh hoạt Đảng thời gian dài và cuối cùng khai hồ sơ ứng cử viên không đề cập gì tới Đảng là không trung thực. Còn chuyện bà có chồng nhưng đã ly hôn thì cũng phải khai rõ ràng, chứ không ai bảo phải khai thêm hay khai bớt đi. “Bà Hoàng Yến hoàn toàn không trung thực với chính bản thân bà. Vậy thì làm sao trung thực với QH, với cử tri?” - bà Hoài Thu nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận