Nhiều địa phương thống nhất đề nghị quy định vào hiến pháp hai mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về thực quyền và đề xuất nâng vị thế, chức năng của hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành.
Ông Nguyễn Đình Bích, phó chủ tịch HĐND TP Hải Phòng, cho rằng chính quyền đô thị chỉ cần ba cấp: trung ương, thành phố, quận. Vấn đề của phường sẽ do cán bộ hành chính của quận cử xuống giải quyết. Chính quyền nông thôn phân tán hơn thì có thể bốn cấp. Thực tế quy định hiện tại quyền của HĐND rất to nhưng theo ông Bích, phần lớn là hình thức.
Một năm HĐND tỉnh chỉ họp hai kỳ, mỗi kỳ 3-4 ngày nên ông Bích đề nghị nên cho HĐND tỉnh, thành có cơ quan thường trực thường xuyên, như kiểu Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, cần tăng số lượng đại biểu HĐND chuyên trách để tránh những ràng buộc khi hoạt động kiêm nhiệm.
Đại diện tỉnh Vĩnh Phúc nêu mười đề nghị, trong đó có đề xuất tăng thẩm quyền người đứng đầu cơ quan hành chính và tăng trách nhiệm; quy định định kỳ bỏ phiếu tín nhiệm với các chức danh do HĐND bầu; đổi tên ủy ban nhân dân thành ủy ban hành chính để rõ chức năng hành chính...
Theo PGS.TS Phạm Hữu Nghị - tổng biên tập tạp chí Nhà Nước Và Pháp Luật, hiến pháp của VN ngày càng to, nhiều điều khoản. Song, theo ông Nghị, dù hiến pháp thế nào cũng phải bảo vệ quyền nhân dân. Đặc biệt, ông Nghị đề xuất trong phần lời nói đầu cần có những áng văn hùng tráng, nêu rõ những mục tiêu như toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Hiến pháp mới cũng cần căn cứ truyền thống lập hiến của VN từ năm 1946, tính cả đến hiến pháp các nước trên thế giới để học hỏi thêm.
Ông Nghị cho rằng cơ chế bầu cử cũng cần tính toán kỹ để tránh việc đại biểu Quốc hội làm tốt hay làm không tốt cũng không sao, thậm chí cả nhiệm kỳ không phát biểu cũng không sao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận