09/05/2018 12:58 GMT+7

Đề nghị lãnh đạo cao nhất lên tiếng về Biển Đông

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Các đại biểu Quốc hội phát biểu cũng đanh thép đấy, nhưng chưa đủ. Tôi vẫn chưa thấy những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước lên tiếng về vấn đề biển Đông, một cử tri ở Q. 9 (TP.HCM) nhận xét.

Đề nghị lãnh đạo cao nhất lên tiếng về Biển Đông - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (trái) lắng nghe một trường hợp cử tri phản ánh - Ảnh: MAI HOA

Cử tri Q.9 (TP.HCM) đã đặt vấn đề như trên tại buổi tiếp xúc cử tri diễn ra sáng nay 9-5. Tổ đại biểu Quốc hội gồm bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP; ông Phan Nguyễn Như Khuê - phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án TAND TP.HCM, tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIV dự kiến diễn ra từ ngày 21-5 đến 14-6.

Biển Đông mình không lên tiếng, quốc tế không ủng hộ được

Năm nay đã 80 tuổi, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Duy nói rất đau lòng khi những ngày này nghe tin Trung Quốc đưa tên lửa, máy bay ra Trường Sa. Ông đề nghị Quốc hội phải có ý kiến, để Đảng và Nhà nước bằng mọi cách buộc Trung Quốc phải rút vũ khí và quân đội khỏi địa phận Việt Nam.

Một cử tri khác thì đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết phản đối Trung Quốc chiếm đảo và đem phương tiện quân sự ra.

Đề nghị lãnh đạo cao nhất lên tiếng về Biển Đông - Ảnh 2.

Cử tri phát biểu đề nghị Quốc hội có nghị quyết phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: MAI HOA

"Vừa rồi tôi thấy các đại biểu phát biểu trên diễn đàn Quốc hội cũng đanh thép, gay gắt. Nhưng tôi thấy cũng chưa đủ sức. 

Chúng ta không đấu tranh bằng quân sự, thì bằng chính trị. Tôi mới thấy chỉ đại biểu Quốc hội, người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng phản đối, còn những người lãnh đạo cao nhất của đảng nhà nước chưa thấy lên tiếng", cử tri này nêu ý kiến.

Ông Duy còn nhấn mạnh thêm, lãnh thổ của ta bị xâm phạm, ta phản đối thì bạn bè quốc tế mới có cớ để lên tiếng ủng hộ. Chứ lãnh thổ của mình, mà mình không nói thì họ cũng không thể nói.

Buộc cán bộ kê khai, công khai tài sản kéo dài quá

Cử tri Nguyễn Thị Dung (P. Tăng Nhơn Phú A) nêu ý kiến rằng chỉ có công khai, minh bạch hóa mới chống được chạy chức chạy quyền.

Bà Dung nói: Khi phát biểu về công khai tài sản, thu nhập của cán bộ, trong một lần tiếp xúc cử tri, tôi có hỏi quan điểm của các đại biểu Quốc hội TP.HCM cần thực hiện việc công khai tài sản của các cán bộ tại địa bàn cư trú, thậm chí công khai trên mạng để người dân giám sát.

"Tuy nhiên các đại biểu Quốc hội đã không trả lời câu hỏi của tôi. Chúng tôi muốn biết quan điểm của các đại biểu Quốc hội về công khai tài sản của cán bộ?", bà Dung hỏi.

Đề nghị lãnh đạo cao nhất lên tiếng về Biển Đông - Ảnh 3.

Cử tri Nguyễn Thị Dung hỏi quan điểm của tổ ĐBQH về công khai tài sản cán bộ - Ảnh: MAI HOA

Trả lời cử tri, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm giải thích: dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi ban đầu dự kiến được thảo luận, thông qua sau hai kỳ họp. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng đây là luật quan trọng, khó, người dân đang rất quan tâm nên đã đề nghị thảo luận thêm trong một kỳ họp nữa.

Theo bà Tâm, đó là sự thận trọng, cũng là nhận thức rõ tình hình tham nhũng và vấn đề hành lang pháp lý phải thực sự tốt và để đại biểu có điều kiện nghiên cứu sâu hơn và lắng nghe ý kiến nhân dân.

Về nội dung công khai tài sản, bà Tâm cho biết, khi tham gia thảo luận, đoàn ĐBQH TP.HCM đã phát biểu rất nhiều ý kiến trên cơ sở thực tiễn TP và tiếp thu ý kiến cử tri.

Bà Tâm nói, tài sản của cán bộ khi kê khai thì phải công khai, vấn đề công khai tới đâu để người giám sát mình biết điều đó. Đảm bảo công khai minh bạch, người dân biết được, nhưng cũng phải đảm bảo quyền công dân, cán bộ nhưng cũng là công dân nữa, vậy nên luật phải tính toán cho hài hòa.

"Và truyền thống giữ tài sản của người Việt Nam cũng khác với các nước cũng khác. Vậy khi kê khai, công khai rồi thì an ninh, đảm bảo an toàn như thế nào cũng là câu hỏi đáng quan tâm", bà Tâm cho biết thêm.

Không chấp nhận được Đại biểu Mỹ Thanh bị kỷ luật còn đi tiếp xúc cử tri

Về việc Phó bí thư tỉnh ủy Đồng Nai Phan Thị Mỹ Thanh bị kỷ luật, cử tri Nguyễn Thị Dung cho rằng: Bà Thanh sai phạm nghiêm trọng, đã bị kỷ luật mà còn nhân danh trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc cử tri thì chúng tôi thấy rằng không thể chấp nhận được. Tất nhiên nếu chiếu theo luật bà có quyền làm như vậy. Nhưng nếu là một người có lòng tự trọng thì không nên làm như vậy. Cử tri ngồi bên dưới cũng cảm thấy bức xúc.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên