01/03/2016 08:32 GMT+7

Đề nghị công an điều tra vụ bảo vệ rừng bắt trói, đánh người

HÀ MI
HÀ MI

TT - Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai đã có văn bản gửi Công an huyện Nhơn Trạch đề nghị làm rõ, xử lý theo pháp luật vụ nhân viên bảo vệ rừng ngang nhiên trói và đánh người.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành - Ảnh: Hà Mi
Ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành - Ảnh: Hà Mi

Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc bảo vệ rừng phá chòi canh tôm ở rừng đước trên sông Thị Vải, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành - cho rằng nhân viên của mình đập nhà dân vì... nóng ruột và ông sẽ “chịu trách nhiệm trước sai sót của cấp dưới”.

Trói, đánh người có phải là công vụ?

Sáng 29-2, ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai - đã ký văn bản gửi Công an huyện Nhơn Trạch về vụ việc gia đình chị Ngọc bị nhân viên ban quản lý rừng đánh, trói và hủy hoại tài sản.

Theo đó, ông Đạo đề nghị Công an huyện phối hợp với Sở NN&PTNN điều tra, làm rõ những thông tin báo Tuổi Trẻ nêu và có biện pháp xử lý.

Cùng ngày, ông Đạo cũng có văn bản chỉ đạo gửi giám đốc ban quản lý rừng yêu cầu phải kiểm tra, làm rõ những nội dung mà báo Tuổi Trẻ đã phản ánh.

Văn bản ghi: “Trước khi báo Tuổi Trẻ đăng bài phản ánh, lãnh đạo sở đã nhận được thông tin phản ánh việc chị Ngọc bị đánh nên cử cán bộ của sở phối hợp cùng phóng viên Tuổi Trẻ đến hiện trường nắm thông tin”.

Chiều cùng ngày, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành đã có văn bản gửi Tuổi Trẻ và cho rằng sự việc xảy ra do “bà Nguyễn Thị Ánh Ngọc chống người thi hành công vụ nên lực lượng bảo vệ rừng đã áp dụng biện pháp tạm giữ một số dụng cụ phục vụ việc thi công và dẫn giải ba thợ xây về Công an xã Phước An”.

Cũng theo văn bản này, trong ngày 27-2 lực lượng bảo vệ rừng phát hiện chị Ngọc đóng thêm côppha trên công trình nên đã tháo dỡ và phá hủy một số bao ximăng xây dựng trái phép.

Chúng tôi hỏi ông Phạm Minh Đạo việc ngang nhiên trói, đánh người và phá hủy tài sản của dân có phải là “công vụ” của nhân viên bảo vệ rừng hay không?

Ông Đạo nói: “Tôi đã xem hết thông tin trên báo và Truyền hình Tuổi Trẻ rồi. Phải xem lại chứ công vụ gì trong trường hợp này! Cần phải xem lại là bảo vệ rừng có chức năng tháo dỡ nhà không? Ăn nói với dân có chuẩn mực chưa?

Chúng tôi đang chờ báo cáo cụ thể để xử lý. Tôi không nói là xử lý nghiêm, mà phải xử lý đến nơi đến chốn theo mức độ vi phạm. Không có chuyện bao che ở đây”.

Ông Nguyễn Văn Ni (giữa) - cha chị Ngọc - bị người mặc đồng phục bảo vệ rừng khống chế trước khi trói lại vào trưa 26-2 - Ảnh: H.M.

“Anh em nóng ruột nên... đập nhà”

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng trường hợp chị Ngọc xây dựng công trình trái phép trong đùng tôm sau khi được người khác ủy quyền là vi phạm pháp luật.

Tuổi Trẻ hỏi: “Nếu xây dựng trái phép, sao ban quản lý không làm theo trình tự như lập biên bản yêu cầu tháo dỡ mà xông vào đập phá, hủy hoại tài sản rồi đánh chửi bà Ngọc?”. Ông Tuấn nói: “Chúng tôi cũng báo UBND xã rồi, nhưng vì anh em nóng ruột rồi vào đập”.

Ông Tuấn cho rằng: “Cái gì sai, tôi yêu cầu anh em sửa chữa, nhận khuyết điểm”. Ông cũng nói: “Tôi sẵn sàng bồi hoàn mấy chục bao ximăng mà anh em liệng xuống sông, nhưng cũng phải nhìn nhận nguyên nhân sâu xa là công trình xây dựng trái phép, anh em sợ trách nhiệm nên ức chế...”.

Còn ông Trần Văn Tròn (đội trưởng đội bảo vệ rừng cơ động) - người bị tố cáo đánh chị Ngọc - giải thích: “Ngày 26-2 chúng tôi đi hơn 10 người vào chòi tôm chị Ngọc để ngăn cản hành vi xây dựng thì chị Ngọc lớn tiếng và xảy ra xô xát. Anh em có đè chị Ngọc chứ không đánh”.

Về việc vì sao ném ximăng của chị Ngọc xuống sông, ông Tròn nói: “Tôi thả mấy chục bao ximăng xuống đùng tôm để ngăn chặn việc xây dựng trái phép”.

HÀ MI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên