29/02/2016 10:22 GMT+7

"Đánh luôn! Đây là lệnh của cấp trên!"

HÀ MI (sondinh@tuoitre.com.vn)
HÀ MI (sondinh@tuoitre.com.vn)

TT - Trong hai ngày 26 và 27-2, nhiều cán bộ lực lượng quản lý bảo vệ rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Long Thành (Đồng Nai) đến phá chòi canh tôm ở rừng đước trên sông Thị Vải, đánh đập chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc, trói cha của chị vì cho rằng chị xây nhà giữ tôm kiên cố!

Ông Nguyễn Văn Ni (giữa) bị người mặc đồng phục bảo vệ rừng khống chế trước khi trói lại vào trưa 26-2 - Ảnh: H.M.
Ông Nguyễn Văn Ni (giữa) bị người mặc đồng phục bảo vệ rừng khống chế trước khi trói lại vào trưa 26-2 - Ảnh: H.M.

Chị Ngọc, 34 tuổi, cho biết: “Tôi xây cái chòi nhỏ bằng ximăng giữa đùng nuôi tôm. Bảo vệ rừng không đồng ý rồi liên tục kéo vào chòi gây áp lực, chửi mắng, khủng bố tinh thần gia đình tôi”.

Trói cha, đánh con vì bị tố thả nổi cho “cát tặc”?

 

Theo chị Ngọc, trước khi chị bị hành hung, nhiều người lạ mặt và có người mặc đồng phục bảo vệ rừng đi vào chòi giữ tôm của chị ở khu vực rạch Ông Trúc (ấp Bà Trường, xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) đòi dỡ nhà, sau đó đập gãy cột hiên. Chị phải nhờ đến công an can thiệp. Sáng 26-2, Công an xã Phước An cử người đến lấy lời khai của chị rồi đi về. Sau khi công an xã vừa rời đi thì có khoảng 15 người mặc đồng phục bảo vệ rừng xông vào nhà đòi phá chòi tôm. “Tôi cự cãi thì những người mặc đồ bảo vệ rừng khống chế trói cha tôi rồi đánh tôi” - chị nói.

Ông Nguyễn Văn Ni (66 tuổi, cha chị Ngọc) kể khoảng 13g ngày 26-2, nhiều người đi ghe, vỏ lãi mặc đồng phục bảo vệ rừng xông vào chòi và yêu cầu gia đình chị Ngọc phải phá dỡ ngôi nhà được xây trong đùng tôm. “Khi con Ngọc cự cãi đòi biên bản, quyết định cưỡng chế thì có người mặc đồ bảo vệ rừng đòi đánh nó. Tôi nói không được đánh con tôi thì có ba người lao tới khống chế, bóp cổ tôi. Con tôi la lên thì bị quật ngã và bị đánh bằng dùi cui màu đen” - ông Ni kể.

Nhận được tin kêu cứu, vài giờ sau PV Tuổi Trẻ tiếp cận được chị Ngọc giữa rừng đước, chúng tôi thấy trên người chị có nhiều vết bầm do bị đánh. Chị mếu máo: “Một số bảo vệ rừng ở trạm bảo vệ rừng Tắc Hông và cán bộ ở đội bảo vệ rừng cơ động đè tôi xuống đánh”. Khi Công an xã Phước An tiếp tục quay lại làm việc, chị Ngọc và ông Ni đều khai bị lực lượng bảo vệ rừng khống chế bằng cách trói tay, đánh đập. Chị còn khai bị một số người mặc đồng phục bảo vệ rừng ném hai cái điện thoại di động, khoảng 50 bao ximăng, sắt thép và gạch xuống đùng tôm rồi bỏ đi.

Nhưng tại sao xảy ra câu chuyện buồn này? Chị Ngọc cho biết chị được ủy quyền ký hợp đồng giao khoán nuôi trồng thủy sản ở đoạn rạch Ông Trúc. Ban đầu, mối quan hệ giữa chị với các nhân viên bảo vệ rừng rất tốt. “Khi đó họ thường ghé chòi tôm tôi chơi bình thường. Nhưng gần đây chứng kiến nạn cát tặc hoành hành ở khu vực rạch Ông Trúc, tôi chụp ảnh làm chứng cứ rồi gửi đơn tố cáo đến các cấp. Trong đơn, tôi có nói rằng lực lượng bảo vệ rừng đã không làm tròn trách nhiệm, thả nổi cho cát tặc, không đứng về phía dân bảo vệ môi trường thì họ vào vây ráp rồi đánh tôi. Chuyện tôi xây chòi giữ tôm vi phạm chỉ là cái cớ. Nếu tôi sai, Nhà nước phải lập biên bản, nếu cưỡng chế phải có quyết định, đằng này họ lấy cái cớ đó để khủng bố tinh thần, đánh đập gia đình tôi” - chị Ngọc nói.

Ngày 27-2, PV Tuổi Trẻ đã chứng kiến cảnh khoảng 10 cán bộ bảo vệ rừng xông vào chòi tôm của chị Ngọc. Hoảng hốt, cả gia đình chị gồm cha, chồng và chị Ngọc phải tháo chạy khỏi chòi tôm của mình. Ngay sau đó, bảo vệ rừng đã đưa vỏ lãi và dụng cụ vào đập căn nhà chừng 6m2 được cho là xây trái phép giữa đùng tôm rồi bỏ đi mà không có đại diện chính quyền địa phương.

Khi nghe công an đến làm việc, người đàn bà nhỏ thó, lấm lem bùn đất mới dám cùng cha, chồng chèo vỏ lãi trở về căn chòi nuôi tôm của mình. Vừa bước lên chòi, chị chỉ vào thân thể của mình, nói với công an xã: “Họ nói tôi xây chòi trái phép. Tôi nói cứ lập biên bản nhưng họ không làm. Họ đánh tôi ê hết cả người. Chắc là họ ức tôi vì tôi nói họ buông lỏng để cát tặc gây ô nhiễm”. Sau khi nói, khuôn mặt chị Ngọc trở nên hốt hoảng khi nhìn ra con rạch lại thấy lực lượng bảo vệ rừng hùng hậu neo ghe đứng canh chừng bên ngoài...

Chuyện xảy ra ở Long Thành (Đồng Nai). Nhân viên bảo vệ rừng đứng ở chòi tôm của chị Ngọc nói: “Đất lâm trường là của tui. Chị chỉ là người làm mướn”  - Ảnh cắt từ clip
Chuyện xảy ra ở Long Thành (Đồng Nai). Nhân viên bảo vệ rừng đứng ở chòi tôm của chị Ngọc nói: “Đất lâm trường là của tui. Chị chỉ là người làm mướn” - Ảnh cắt từ clip

“Anh em có hành vi chưa hoàn chỉnh!”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về cách hành xử “giang hồ” của lực lượng bảo vệ rừng, ông Nguyễn Anh Tuấn - giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành - cho biết: “Bà Ngọc lợi dụng làm ăn rồi xây công trình trong rừng nên chúng tôi phải xử lý”. Khi được hỏi cách hành xử với dân như vậy có đúng không, ông Tuấn đáp: “Tôi đang bệnh, không nắm hết diễn biến dưới đó nhưng chắc chắn trong quá trình xử lý, thi hành công vụ anh em để xảy ra đụng chạm và có những hành vi chưa hoàn chỉnh. Nhưng dứt khoát chúng tôi phải xử lý công trình trái phép”.

Chúng tôi tiếp tục liên lạc với ông Trần Văn Tròn - đội trưởng đội cơ động Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành - về việc ông bị tố cáo đánh, trói và ném điện thoại của gia đình chị Ngọc xuống đùng tôm, ông Tròn nói: “Tôi không trả lời được đâu. Có lãnh đạo tôi đang giải quyết”. Chúng tôi tiếp tục hỏi: “Sao đòi đánh què chân dân?” thì ông Tròn cúp máy.

Trong ngày 28-2, đề cập về thái độ thi hành công vụ của lực lượng bảo vệ rừng, ông Phạm Minh Đạo - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai (đơn vị quản lý) - cho biết: “Tôi đã cử người đi cùng phóng viên Tuổi Trẻ để âm thầm ghi nhận thái độ ứng xử của anh em bảo vệ rừng rồi. Đầu tuần, tôi nghe lực lượng thanh tra báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với các cán bộ có dấu hiệu vi phạm công vụ. Nếu đủ cơ sở chứng minh chuyện đánh dân, hủy hoại tài sản của dân, tôi sẽ có văn bản gửi cơ quan công an đề nghị xử lý đến nơi đến chốn”.

Công an thụ lý vụ việc

Ngày 28-2, Công an huyện Nhơn Trạch xác nhận ban đầu đã thụ lý, ghi nhận vụ việc chị Nguyễn Thị Ánh Ngọc tố cáo lực lượng bảo vệ rừng thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành xông vào chòi trói, đánh bà và cha chị là ông Nguyễn Văn Ni. Hiện Công an xã Phước An cũng đã mời chị Ngọc, ông Ni và chồng chị Ngọc là anh Đỗ Kỳ Phong lên lấy lời khai ban đầu, tiến hành điều tra vụ việc. Cùng ngày, chị Ngọc xác nhận công an xã thông báo mời chị đến hiện trường chòi nuôi tôm - nơi xảy ra việc chị bị đánh và bị hủy hoại tài sản - để cùng công an huyện và các cơ quan chức năng xác minh vụ việc nhưng chị bận việc chưa về kịp.

“Bà đánh đổ chén cơm của tụi tôi”

PV Tuổi Trẻ đã ghi âm được đoạn đối thoại “nảy lửa” giữa chị Ngọc với lực lượng bảo vệ rừng sau khi chị bị đánh và áp giải cha chị lên ghe vào chiều 26-2:

- Chị Ngọc: “Đánh tôi, ném điện thoại tôi xuống sông sao tôi liên lạc với người nhà?”.

- Lực lượng bảo vệ rừng: “Đ.M. Tôi làm lâm trường 30 năm rồi. Tôi không bao giờ ác nhưng hôm nay tại bà làm cho tôi ác!”.

- “Tôi đi theo người thân của tôi” (chị Ngọc khóc).

- “Không cho xuống ghe. Có thưa thì cứ thưa tôi đi”.

- “Nhưng sao anh đánh tui?”.

- “Đánh? Có đánh luôn! Đây là lệnh của cấp trên!”.

- “Lệnh nào của cấp trên mà liệng điện thoại của dân?”.

- “Anh em rút đi. Bà mà quay tôi là tôi quăng cổ xuống sông đó. Bà mà đốn đước (cây đước) là tôi quánh què chân rồi. Tôi rất là hiền, mà Đ.M kiểu đó là không được. Cao lắm là ở tù. Bà đánh đổ hết chén cơm manh áo của tụi tui...”.

Mời bạn đọc xem clip về cách hành xử của lực lượng bảo vệ rừng trên tv.tuoitre.vn.

HÀ MI (sondinh@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên