15/04/2021 08:59 GMT+7

Để mỏ cát lại cho con cháu

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Vụ đấu thầu mỏ cát 2.811 tỉ đồng ở An Giang đang "hot". Nhưng có một vụ cũng liên quan đến tài nguyên xứng đáng được dư luận quan tâm, đó là Hà Tĩnh quyết tâm 'khai tử' dự án mỏ sắt Thạch Khê lớn nhất Đông Nam Á.

Theo thông tin trên báo chí, tỉnh chấp nhận giải quyết nhiều tồn tại, kể cả trình cấp cao để quyết định đóng cửa mỏ, đó là "nguyện vọng của người Hà Tĩnh để phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của địa phương" và bởi "khai thác mỏ sắt Thạch Khê hệ lụy sẽ rất lớn".

Cần nhắc lại, dự án mỏ sắt Thạch Khê tại 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà, cách TP Hà Tĩnh 8km; do Công ty CP sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư, vốn đầu tư 14.500 tỉ đồng trên diện tích 4.820ha, đã triển khai từ năm 2008. 

Theo tính toán ban đầu, dự án ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân nhưng sau chục năm chỉ di dời được một số ít, hiện dự án đình trệ ảnh hưởng nặng nề đến môi trường và cuộc sống người dân vùng dự án. Hà Tĩnh đã phải trả giá cho quyết định mở mỏ sắt này và nay không chấp nhận phóng lao phải theo lao mà dừng lại trước khi quá muộn.

Thử tưởng tượng, mỏ sắt Thạch Khê nằm gần bờ biển, cho khai thác âm hơn trăm mét so với mực nước biển, không chỉ ảnh hưởng đến khu vực bờ biển mà còn xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền, ảnh hưởng đến địa chất các hang động có rất nhiều trong khu vực... 

Thật ra người Hà Tĩnh đã lắng nghe rất nhiều, nhất là từ các nhà khoa học để đi đến kết luận, đóng cửa mỏ "thiệt ít, được nhiều", đặc biệt là vì mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh của địa phương. Đóng cửa, mỏ còn đó, chẳng mất đi đâu, khi nào có công nghệ khai thác tiên tiến, tính sau cũng chẳng muộn.

Bài học từ mỏ sắt Thạch Khê để lại nhiều suy nghĩ cho việc khai thác các mỏ cát ở ĐBSCL. Nhiều năm qua, ĐBSCL luôn gắn với hai chữ "sạt lở". Sạt lở đã thành họa với nhiều người dân ở nơi này. 

Cũng nhiều năm qua, các chuyên gia liên tục cảnh báo cát và phù sa về theo nước sông Mekong đã giảm, không còn dồi dào như trước do hệ lụy của nhiều đập thủy điện trên dòng sông này. Thế nhưng những cảnh báo này chưa đủ để thay đổi thói quen khai thác tài nguyên thiên nhiên ở ĐBSCL. Nhiều nơi vẫn cho khai thác mỏ cát, bên cạnh nạn khai thác trộm.

Đành rằng, đã gọi là mỏ, có thể khai thác. Nhưng khai thác trong điều kiện và hoàn cảnh nào? Khai thác bây giờ, còn gì cho mai sau? Cho khai thác trong bối cảnh sạt lở diễn ra khắp nơi, nghe khó xuôi tai. 

Đừng vì các xáng cạp, sà lan đang chịu cảnh thất nghiệp neo đậu hàng dài ở khắp vùng sông nước mà mủi lòng cho phép mở mỏ cát. Đừng vì ít tiền thuế mà cho khai thác cát. Cũng đừng vì cả vùng đang thiếu cát, giá cát tăng mà tiếp tục chiều chuộng thói quen xây dựng, san lấp bằng cát sông. 

Chỉ có đóng mỏ cát mới thúc đẩy nhanh quá trình tìm vật liệu thay thế cho xây dựng và san lấp. Chỉ có đóng mỏ cát mới hóa kiếp cho những sà lan chuyên đi hút cát trộm bừa bãi trên sông - thủ phạm góp phần gây ra sạt lở ở ĐBSCL...

Hãy mạnh dạn thay đổi. An Giang có thể đi đầu để mọi người biết tiếng "dám" để mỏ cát lại cho con cháu, thay vì vụ lùm xùm đấu giá mỏ cát "tiền khủng".

Vụ mỏ cát hơn 2.800 tỉ đồng: Sẽ kiểm tra năng lực tài chính của doanh nghiệp trúng đấu giá Vụ mỏ cát hơn 2.800 tỉ đồng: Sẽ kiểm tra năng lực tài chính của doanh nghiệp trúng đấu giá

TTO - Chiều 13-4, ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh An Giang - ký thông cáo báo chí xung quanh việc đấu giá mỏ cát sông Tiền hơn 2.811 tỉ đồng gây xôn xao dư luận vừa qua.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên