21/01/2023 09:33 GMT+7

Để mèo được thương

Một sáng cuối tuần vợ chồng tôi lên phố. Bỗng nhiên một chú mèo từ trong lùm cây chạy ra hoảng loạn. Chiếc xe máy đi trước đâm ngang thân chú mèo tội nghiệp rồi chạy ù đi.

Để mèo được thương - Ảnh 1.

Dilo khi được cứu hộ tại Trạm và Dilo sau 9 tháng về với chủ mới Ảnh: CPAPS - MAI THƯƠNG

Chú mèo đau đớn và sợ hãi. Tôi bế nó lên, phần thân èo uột như bị gãy xương, không thể đứng vững được, hơi thở yếu dần.

Ôm mèo qua phòng khám gần nhất, chú mèo cứ lịm dần trong tay. Phóng nhanh đến phòng khám, bác sĩ thú y bảo em đã qua đời. 

Chồng tôi an ủi có lẽ chú mèo đáng thương này đến lúc được hóa kiếp để cho em có một đời sống khác bớt bất hạnh hơn. 

Cũng có một nơi khác cho những chú mèo đáng thương như em bớt bất hạnh mà không cần phải đợi đến một kiếp sống sau, đó là Center of Pet Animal Protections and Studies (CPAPS) - còn được biết đến là trạm cứu hộ chó mèo đầu tiên ở Hà Nội.

Giành giật từng chú mèo từ tay tử thần

Đây là Dilo. Nhìn những tấm hình này, không ai có thể tưởng tượng được chỉ cách đây hơn một năm, Dilo gần như đã nằm gọn trong tay tử thần. Tối 27-10, Dilo bị một người đàn ông đặt vào ba lô, đổ dầu hỏa và châm lửa đốt tại phố Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa, Hà Nội) vì xích mích tình cảm với bạn gái. 

Sau khi gây ra vụ cháy, thủ phạm nhanh chóng lên xe, rời khỏi hiện trường. Người cứu Dilo nhìn thấy em chạy vào nhà với cả ngọn lửa trên lưng. Sau khi dập tắt lửa, Dilo được đưa tới trạm cứu hộ và bắt đầu quá trình chữa trị để giúp em bớt đi những đau đớn về thể xác và cả những khủng hoảng tinh thần.

Những người biết đến câu chuyện của Dilo đều gọi em là chú mèo nghị lực. Bị thiêu sống khiến em bị bỏng nặng hai tai và bốn bàn chân. Vốn là giống mèo tai cụp nhưng do lửa, phần chỏm tai ban đầu sưng phồng, cụp xuống vì bọng nước bỏng, sụn tai bị chín hỏng nên phần chỏm liên tiếp bị rụng ra. 

Nghiêm trọng nhất là vết thương vùng bụng và đùi, vết thương vỡ ra, hồng đào được một thời gian ngắn rồi lại làm mủ ướt. Các bộ phận này được đánh giá bị bỏng cấp độ 3 do hôm em bị thiêu, lửa bùng từ dưới bụng lên nhiều nhất nên cấu trúc da phần bụng bị phá hủy nhiều.

Chú mèo Dilo khi mới được cứu

Chú mèo Dilo khi mới được cứu

Trải qua năm tháng chữa trị và được những thành viên trong trạm cứu hộ yêu thương, Dilo dần hồi phục các vết thương và được đón vào tháng 3-2022. 

Chủ mới của em, bạn Dương Linh, cho biết khi mới về, Dilo gầy nhom, phần lông xơ xác và thường xuyên tè bậy do di chứng vết bỏng từ lòng bàn chân khiến em có cảm giác ghê ghê khi phải giẫm chân lên cát. 

Nhưng Dilo bây giờ đã là một chú mèo bụ bẫm, có bộ lông dài mượt mà, thích ăn gà xé phay và hồn nhiên như cây cỏ.

Dilo chỉ là một trong số những chú mèo được trạm cứu hộ mang đến một cuộc đời mới trong hơn 11 năm hoạt động.

#Code_1 là câu chuyện về ca cứu hộ có hệ thống đầu tiên của trạm, ngày 21-6-2013. 

#Code_1 là một bé mèo con được 1 tháng 6 ngày tuổi. Em mèo này bị viêm trực tràng, hậu môn bị tịt, đã được phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu. 

Tuy nhiên sau khi phẫu thuật, vết mổ sau hậu môn ngày càng bị bịt nhỏ lại khiến em gặp khó khăn trong khi đi vệ sinh. Sau khi về với trạm, em được chăm sóc và phẫu thuật lần hai. Đến ngày 30-6, vết thương sau mổ của em đã lành hẳn, em ăn khỏe, hiếu động, quấn người và rất tình cảm. 

Những tưởng sẽ có một kết thúc tốt đẹp thì đến ngày 10-7, em bị đi ngoài, tình trạng kéo dài lâu ngày. Tin tức cuối cùng về em là vào sáng 2-8, sau khi ăn uống xong, em bị nấc nghẹn rồi mất.

Lan Trinh là bé mèo mang #Code_6532 của trạm. Em vốn là mèo có chủ nhưng sống một đời lang thang. Lan Trinh đẻ hai lứa con hoang không được chăm bẵm, có mèo con rơi xuống mái nhà, nằm chết dưới mưa. 

Có bạn sinh viên sống cùng ký túc xá với chủ cũ của em, vì thương quá nên nhặt mèo con đem đi chôn, rồi "bắt cóc" em ở lại phòng bạn ấy, nuôi nấng em cùng đàn con bốn đứa béo ú béo nần, nhờ vào thức ăn hạt cùng cát mà trạm gửi tới. 

Vì sống một thời gian dài thiếu tình thương nên Lan Trinh gặp khó khăn trong việc hòa nhập ở nhà mới. Khi bắt đầu quen thân thì lại muốn độc chiếm chủ, sẵn sàng đánh nhau với các bạn cùng nhà để tranh giành sủng ái. 

Những bé mèo bị bỏ rơi, không được chăm sóc bằng tình thương dễ dàng gặp các vấn đề về tâm lý và cần nhiều kiên nhẫn, bao dung hơn khi quyết định nhận nuôi chúng về nhà. Lan Trinh vẫn "ế", vẫn ở lại trạm và chờ đến ngày được về nhà mới để không phải giành ăn từng bữa cũng như "tranh sủng" với các bạn mèo khác ở nhà chung.

Để mèo được thương - Ảnh 2.

Dilo trên lịch 2023 của Trạm cứu hộ

Trạm hiện có hơn 600 mèo và gần 300 chó. Hơn nửa số đó đã ổn định sức khỏe để tìm gia đình mới. Thay vì đi mua ngoài cửa hàng thú cảnh, nếu bạn nhận nuôi các bé sẽ mang tới một cuộc sống tốt hơn cho chúng, giúp tụi mình san sẻ gánh nặng cứu hộ và chăm sóc với số lượng không ngừng tăng lên trong một không gian giới hạn.
Đó là thông tin thường thấy xuất hiện trên trang cá nhân của trạm

Trách nhiệm "đèo bòng"

Hơn 11 năm hoạt động, những khó khăn chất chồng không phải là thứ có thể dùng câu chữ để kể được hết. Trạm đang có hơn 600 mèo và gần 300 chó ở cả ba nhà chung tại Hà Nội và Sài Gòn, nhà tình nguyện viên foster và các phòng khám đối tác. 

Một con số không nhỏ những số phận mà trạm phải gánh gồng mỗi ngày, từ chuyện sinh hoạt hằng ngày như cho ăn, tắm rửa, dọn dẹp vệ sinh cho đến việc lo lắng, chăm sóc khi chúng bị bệnh và tìm chủ mới để những chú chó mèo này có được cuộc sống mới tốt đẹp hơn.

Áp lực từ việc phải lo đến nơi đến chốn cho những chú chó mèo được cứu hộ cho đến thứ trách nhiệm vô hình mà cộng đồng đặt lên khiến những thành viên của trạm không còn thời gian để dành cho bản thân mình. 

Họ cũng chỉ là những con người - thậm chí là nhiều người trẻ cũng phải đi học, đi làm, cũng sống trong nỗi lo cơm áo gạo tiền và đèo bòng thêm cả trách nhiệm đối với những công việc chẳng mấy dễ dàng như là chăm sóc hàng trăm chú chó mèo tại nhà chung và tiếp nhận thêm trung bình gần 100 ca cứu hộ mỗi tháng.

"Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng" nhưng đôi khi thứ họ nhận về không phải là sự công nhận từ cộng đồng mà lại là sự phê phán, soi xét. "Mình biết trạm mình hay bị chửi vì thái độ, và từ đó bị quy chụp nhiều thông tin chả biết tại sao người ta có thể nghĩ ra được. Mình thừa nhận trạm chưa bao giờ hành xử khéo léo. 

Dù bây giờ các điều phối đều là người mới, không còn ai thuộc team cũ nữa, nhưng cảm xúc bốc đồng hơn thua của người trẻ thì đúng là thế hệ nào cũng vậy. Thi thoảng sa đà quá mới giật mình nhìn lại rồi tự dặn lòng, đừng vì sự hiếu thắng của bản thân mà ảnh hưởng tới chó mèo.

"Thắng - thua" thực ra chẳng quan trọng bằng sự yên ổn cho chó mèo. Cứ suốt ngày kêu không có thời gian mà lại đi gây chiến trên mạng thì không phải cách hành xử đúng đắn. 

Vậy nên, mỗi lần có "phốt" thái độ là một lần tụi mình biết nhìn nhận cái sai mà rút kinh nghiệm. Thay vì mất thời gian cãi nhau không đáng, tụi mình sẽ chăm chỉ chăm chó mèo hơn", đại diện của trạm tâm sự.

Dilo được thương

Dilo được thương

Không phải chú mèo nào cũng có may mắn như Dilo, không phải chú mèo nào cũng có cơ hội sống tiếp sau những đớn đau, không phải chú mèo nào cũng được nhận nuôi bởi chủ mới và lớn lên trong đủ đầy pa tê cùng ôm ấp.

Trạm cứu hộ cũng cần được "cứu hộ"

Không chỉ áp lực về trách nhiệm, nhân sự và kinh phí cũng là những nỗi lo mà trạm cứu hộ luôn phải tìm cách xoay xở để có thể hoạt động được đến hiện tại mà không phải ngừng tiếp nhận những ca cứu hộ hằng tháng. CPAPS là trạm cứu hộ chó mèo đầu tiên ở Hà Nội có giấy phép hoạt động.

Để minh bạch thông tin, các hoạt động và tình hình tài chính, trạm có Kiểm toán AASC đồng hành từ năm 2018 đến nay.

Thế nhưng, đã có khoảng thời gian số ca cứu hộ và số tiền quyên góp được từ cộng đồng tỉ lệ nghịch với nhau, khiến trạm rơi vào tình trạng "nợ xấu". Nỗi lo lắng về kinh phí để tiếp tục luôn luôn thường trực với các thành viên của trạm.

Một thành viên trạm cứu hộ chia sẻ có những thời điểm khó khăn, tổng số nợ của trạm lên tới con số 1 tỉ đồng.

Dương Linh và Dilo

"Phòng khám thì nhắc nếu tốc độ trả nợ không nhanh hơn (dồn nợ 2-3 quý) thì từ tháng sau sẽ không thể nhận điều trị quá nhiều ca cứu hộ cùng một lúc nữa, vì họ không đủ tiền trả nhân viên tăng ca và thuốc men cũng như vật dụng hao mòn.

Petshop bán thức ăn cho nhà chung cũng kêu khó khăn, lúc đó tiền trạm mua nợ hạt khô và pa tê rơi vào khoảng 150 triệu đồng, nếu trạm không trả nợ thì họ không có vốn quay vòng".

May mắn là đến nay, tình hình tài chính của trạm khả quan hơn, không còn nợ xấu dù vẫn còn nợ nhiều và cần nhiều kinh phí để duy trì trạm mỗi tháng.

Các hoạt động gây quỹ được ủng hộ nhiều hơn, đây cũng là năm thứ 9 trạm bán lịch với hình những chú chó mèo xinh xắn từ trạm để có thêm kinh phí lo cho hàng trăm miệng ăn tại trạm ngày lại ngày.

2.023 sắc thái của loài mèo2.023 sắc thái của loài mèo

Mèo là đề tài muôn thuở của các họa sĩ, nhà điêu khắc. Tết Nguyên đán càng đến gần, công chúng càng được thưởng lãm hàng loạt tác phẩm về loài vật này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên