22/03/2012 11:31 GMT+7

Để lòng son chiếu sử xanh

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - Chuyện về ông Nguyễn Sự ở Hội An chỉ cần lên Google gõ từ khóa tên ông kèm chức danh bí thư Hội An đã cho 1,6 triệu đơn vị tìm kiếm.

Hội An - tác phẩm sống của Nguyễn Sự

N81ahv6S.jpgPhóng to

Bán hoa đăng ở phố cổ Hội An - Ảnh: Nam Trân

Vì sao những ông quan như Bí thư thành ủy Nguyễn Sự lại chưa nhiều, trong khi lẽ ra đạo làm quan thì ai cũng cần phải làm như những gì ông Sự đang làm cho thành phố quê hương?

Điều khác biệt lớn nhất của ông Sự so với nhiều vị quan khác mà ai cũng thấy, đó là sự thanh bần. Một bí thư thành ủy mà để cơi nới thêm một căn phòng cho con trai phải đi vay tiền ngân hàng, nghe chuyện này ngỡ như cổ tích. Nhưng đó lại là điều rất thật. Hồi xưa, khi thấy ông đi chiếc xe máy Cub 78 cà tàng, nhiều người ngỡ ông chỉ “diễn”; thấy ông sống trong căn nhà lá (gần đây mới xây lên cấp 4) người ta cũng không tin ông nghèo đến vậy. Bởi người ta cứ nghĩ làm quan là phải giàu! Khi hỏi ông có “diễn” không, ông đáp ngay: Lương hai vợ chồng như thế như thế, mỗi tháng chi tiêu như thế như thế, nuôi hai đứa con đang học đại học nữa... vậy thì tiền đâu mà xây nhà? Ô hay, thế anh bảo các vị quan khác xây nhà, mua xe... bằng lương à? “Họ khác, mình khác!” - ông Sự trả lời.

Bởi thế cũng có nhiều vị quan được tiếng tài ba nhưng dân nể thì có nể mà yêu quý lại không được nhiều bởi chẳng có gì qua mắt được nhân dân. Anh có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất, bao nhiêu tài sản nổi chìm... đừng nghĩ là người dân không biết. Nên khi người dân yêu quý ông Sự đến vậy thì chắc chắn ông nghèo thật.

Dĩ nhiên không ai cổ xúy cho cái việc làm quan thì phải nghèo, nhưng nhân dân trong vùng anh quản hạt chưa giàu mà anh đi xe bạc tỉ, ở biệt thự xa hoa, du ngoạn bằng tiền dự án (cũng từ tiền thuế của dân) thì làm sao mà dân yêu dân quý được? Huống nữa, đạo làm quan quý nhất ở chữ “liêm”.

Trong bài viết về “cần kiệm liêm chính”, phần viết về “liêm” Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gọi rất xác đáng rằng: “Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. Cụ Khổng Tử nói: “Người mà không liêm, không bằng súc vật”. Cụ Mạnh Tử nói: “Ai cũng tham lợi thì nước sẽ nguy”. Để thực hiện chữ liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên trên. Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư”.Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ “liêm” trước để làm kiểu mẫu cho dân. Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ ấy ở địa vị nào, làm nghề nghiệp gì”. (Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 5, tr.641)

Bởi thế nhà văn - nhà văn hóa Nguyên Ngọc đã nhận xét rằng: “Có hai điều mà Nguyễn Sự không bao giờ sợ mất, đó là tiền bạc và chức vị. Ở đời rất khó để không chịu sự chi phối của hai điều đó. Có lẽ nhờ thế ông giữ được sự cương trực, bản lĩnh, dũng cảm, đàng hoàng, giản dị của mình”. Làm quan mà không cần tiền bạc, không sợ mất chức thì ông Nguyễn Sự sẽ được gì? Tôi chợt nhớ hai câu thơ cổ của nhà thơ Văn Thiên Tường: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử/ Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh” (Xưa nay hỏi có ai không chết?Hãy để lòng son chiếu sử xanh).

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên