Nhưng những gì mà chuyến đi đem lại cho nhóm đang đáp trả xứng đáng cho việc họ từ bỏ cuộc sống tiện nghi ở phía sau.
Đi để chính thức tốt nghiệp đại học!
Ngày 30-9-2012, các chàng trai vừa tốt nghiệp đại học chuyên ngành kiến trúc rời thủ đô Brussels của Bỉ để khởi hành chuyến đi vòng quanh thế giới bằng xe đạp. “Bố mẹ tôi lúc đầu rất nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi, nhưng giờ họ trở thành những người cổ vũ nhiệt tình nhất.” - Julien kể. Nhiệt tình đến nỗi bố mẹ của các anh đều trở thành “chủ nợ” bất đắc dĩ cho hành trình dài ngày này.
Trước cả thời điểm đó, cách đây hơn hai năm, ý tưởng đạp xe vòng quanh thế giới xuất phát từ Loïc, người luôn luôn say mê xe đạp và đã có kinh nghiệm đạp xe vài lần xuyên châu Âu. Nhưng phải đợi cho đến khi những người bạn còn lại của anh hoàn thành việc học thì cả nhóm mới khởi hành được.
Vừa đi vừa viết bài, dựng phim, gặp gỡ các kiến trúc sư nổi tiếng mỗi nơi đi qua, thăm các công trình kiến trúc sáng tạo,…cả nhóm phối hợp nhịp nhàng như những vòng quay xe đạp trong suốt 5 tháng qua.
“Thi thoảng chúng tôi cũng tranh luận xem lộ trình thế nào là phù hợp, ăn ở đâu cho cả nhóm thoải mái, hoặc tối thì ai ngủ chung lều với ai - có ba người nhưng chúng tôi chỉ mang hai lều để thu gọn hành lý.” - Frédéric nói. 11.312 là số km trên ghi-đông xe của các anh khi đặt chân tới Hà Nội đầu tháng 5-2013.
“Tại sao tốt nghiệp xong các anh không đi làm luôn?” - “Chúng tôi coi một năm đạp xe này là hình thức hoàn tất việc học của mình và học hỏi thêm về kiến trúc bền vững. Hơn nữa, qua đó, chúng tôi cũng có thể ủng hộ tổ chức phi chính phủ của Bỉ là Mekong Plus.” - Loïc, thành viên 24 tuổi và “già” nhất nhóm, trả lời.
Mekong Plus hiện đang giúp đỡ người dân ở Việt Nam và Campuchia bằng cách cấp tín dụng vi mô, học bổng, tạo công ăn việc làm,…Một nửa số tiền nhóm gây quỹ được bằng các hoạt động trong suốt hành trình được chuyển cho Mekong Plus, nửa còn lại cho các chi phí đi lại, ăn ở,…và điện thoại cho người thân!
Chuyến đi cũng là một trải nghiệm để mỗi chàng trai trẻ nhận ra rằng, dù có nền văn hóa, phong tục khác nhau, ở đâu cũng có thể có tình người. Cùng với các nhà tài trợ như Decathlon Anderlecht, Art&Build, Europa Counselling Services,…danh sách cảm ơn của nhóm trên trang http://www.onwheelsproject.be ngày càng dài.
“Đi bất cứ đâu chúng tôi cũng được giúp đỡ nhiệt tình. Người cho ở nhờ, người giúp đỡ sửa xe, người cho đi nhờ xe khi xe đạp bị hỏng giữa đường,…” - Loïc nói. Kể cả khi Julien phải gần như ngồi trên đùi Frédéric hàng tiếng đồng hồ vì bị xe bus 12 chỗ nhồi hơn ba chục hành khách ở chặng qua biên giới Lào - Việt, bị cháy nắng khắp người hay phải đạp xe trong cơn mưa tầm tã,…việc tận hưởng từng giây phút trải nghiệm luôn luôn mang lại niềm vui cho các sinh viên mới tốt nghiệp đại học này.
"Chúng tôi muốn đem tre về châu Âu"
Với những kiến trúc sư tương lai này (ngoài bằng tốt nghiệp đại học, họ phải hoàn thành hai năm thực tập nữa mới chính thức trở thành kiến trúc sư được hành nghề - PV), những thứ tạm gọi là “kiến trúc xanh” như mọi người thường nói tới không thỏa mãn họ.
“Phần lớn chúng ta coi kiến trúc xanh đồng nghĩa với việc sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường hoặc dùng năng lượng mặt trời cho ngôi nhà. Đó mới là phần nổi dễ thấy nhất của kiến trúc bền vững. Kiến trúc bền vững phải kết nối người ở, ngôi nhà và môi trường một cách sinh thái. Nó phải quan tâm tới phương pháp xây dựng, việc sử dụng hàng ngày, di sản văn hóa, …
Ví dụ, xây một ngôi nhà xanh sẽ vô nghĩa nếu như năng lượng để tạo ra các vật liệu xây ngôi nhà đó vượt quá năng lượng tiêu dùng hàng ngày.” - Loïc giải thích - “Vật liệu mới rất quan trọng nhưng không phải là tất cả. Kiến trúc bền vững phải giúp chúng tat hay đổi thói quen như giảm sử dụng ô tô nhờ quy hoạch đô thị thông minh, dùng ánh sáng tự nhiên thay cho đèn điện, khuyến khích làm việc ở nhà, tạo không gian cho những thay đổi về thành viên trong gia đình,…”
Bởi vậy, một trong những điều gây ấn tượng nhất cho các thành viên trong nhóm khi tới Việt Nam là ở rất nhiều vùng nông thôn, tre nứa vẫn là chất liệu thường gặp trong xây dựng và vật dụng gia đình. Trước đó, khi tới khu vực Nam Mỹ, nhóm rất ngạc nhiên vì thấy bê-tông và gạch được sử dụng phổ biến trong khi đây là những vật liệu khá đắt so với các thứ có sẵn khác như gỗ và gạch thô.
Tại Brazil, các chàng trai may mắn được gặp Giáo sư Khosrow Ghavami, người nghiên cứu rất sâu những kỹ thuật và chất liệu xây dựng mới, trong đó có việc sử dụng bê-tông và tre thay cho thép. Là loài lớn nhất thuộc họ cỏ thân gỗ với hơn một ngàn loại khác nhau, trong số đó phần lớn có nguồn gốc ở khu vực Đông Nam Á, còn lại là châu Mỹ Latin, châu Phi và châu Đại dương, tre là một trong những vật liệu bất ngờ nhất đối với những chàng trai trẻ mới chân ướt chân ráo tốt nghiệp trường kiến trúc ở Bỉ. “Kỹ thuật này cũng được sử dụng ở Đông Nam Á nhưng ở Bỉ chúng tôi lại không biết.” - Loïc nói - “Chúng tôi muốn đem tre về châu Âu, đưa tre vào các công trình nhà ở của người Bỉ.”
Cùng với tre, cả nhóm đã chứng kiến hàng chục ý tưởng sáng tạo ở những nơi đã qua. Tại Blolivia, nhóm thăm dự án xây nhà bằng vỏ chai nhựa đã qua sử dụng. Ở vùng quê VN, người dân sử dụng phân gia súc để làm khí ga sinh học.
“Bằng những phương tiện nghèo nàn nhất để tạo ra kết quả tốt nhất. Đó là điều tuyệt vời về kiến trúc mà tôi học được nhờ chuyến đi này” - Julien, thành viên 22 tuổi của đoàn, chia sẻ.
Loïc Nys (mũ trắng), Julien Bertrand (mũ đỏ) và Frédéric Timmermans (mũ xám). Thành viên thứ tư Christophe Petit mới rời nhóm từ tháng 1-2013 để trở về Bỉ theo kế hoạch ban đầu và Frédéric bắt đầu tham gia nhóm khi Christophe nghỉ. Loïc Nys mang theo nước Bỉ trong chiếc máy nghe nhạc của mình. Julien Bertrand mang theo con vịt nhựa màu vàng do người bạn thân nhất tặng để đến bất cứ điểm nào, anh cũng có thể chụp ảnh cùng con vịt và gửi cho bạn mình xem. Trong khi đó, chàng trai yêu ẩm thực Frédéric Timmermans luôn luôn cố gắng mua một loại gia vị ở mỗi nơi anh đi qua để bổ sung vào bộ sưu tập gia vị của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận